Tây Bắc Việt Nam lâu nay đã nổi tiếng với vẻ đẹp ấn tượng, là một trong những điểm đến "đi mãi không biết chán" đối với nhiều người. Với các địa danh du lịch nổi tiếng như Sapa, Điện Biên, Mù Căng Chải, Mộc Châu, Mai Châu,… không chỉ sở hữu vẻ đẹp hoang sơ của đất trời Tây Bắc, của thửa ruộng bậc thang hay hang động huyền ảo, mà chấm phá giữa núi rừng là những bản làng cùng sự độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tất cả những điều trên đã tạo cho vùng Tây Bắc một nét quyến rũ lạ kỳ có thể chinh phục bất kỳ trái tim du khách nào ghé qua.
Bản Cát Cát
Nếu bạn đã từng biết đến Sapa chắc hẳn không quá xa lạ gì với cái tên bản Cát Cát, bản làng này thuộc địa phận xã San Sả Hồ, huyện Sapa, tỉnh Lào Cai. Bản Cát Cát là một bản của dân tộc H’Mong nằm ngay dưới chân dãy Hoàng Liên Sơn và đỉnh Fansipan hùng vĩ.
Ảnh: @travip
So với các bản làng khác như Tả Van, Tả Phìn thì Cát Cát là bản làng gần thị trấn Sapa hơn cả rất thích hợp cho việc khám phá và trải nghiệm. Chính vì thế nên bản Cát Cát thu hút rất đông khách đến tham quan trong lịch trình du lịch Sapa.
Giữa khung cảnh núi rừng hoang sơ hùng vĩ của mảnh đất Sa Pa, bản Cát Cát mộc mạc hiện lên đầy cuốn hút. Từ những con đường nhỏ quanh co, thác nước tung bọt trắng xóa đế những ngôi nhà cổ kính với nghề thủ công. Nét yên bình choáng ngợp của bản Cát Cát được nhiều du khách ưu ái mệnh danh nơi đây là “ngôi làng đẹp nhất Tây Bắc”.
Ảnh: @mchau._, @huyennn.01
Bản Tả Van
Tả Van cũng là một trong những bản làng đẹp ở Việt Nam mà bạn nên đến thăm khi vi vu Sapa. Bản Tả Van nằm ở xã Tả Van, huyện Sapa, cách khu trung tâm khoảng 12 km. Tuy đường sá có phần hơi xa nhưng hành trình đến Tả Van là những thước phim có khung cảnh đẹp và thơ mộng.
Ảnh: @sontungst
Không như thị trấn Sapa có phần náo nhiệt, sầm uất, bản Tả Van mang trong mình vẻ đẹp bình yên, nguyên sơ của miền núi cao. Đến bản Tả Van Sapa, bạn sẽ được hòa mình trong âm sắc của thiên nhiên, chiêm ngưỡng những thửa ruộng bậc thang trong nền trời bao la hùng vĩ.
Ảnh: @trieuvanphotographer, @travelwithnurzat, @ins.thuy
Vào mùa lúa chín từ tháng 9 - tháng 10 khung cảnh ở Tả Van như được nhuộm một màu mật ong óng ả, cả bản làng cũng trở nên nô nức, nhộn nhịp hơn bao giờ hết với những hoạt động gặt hái. Chỉ cần một lần ghé qua bản Lao Chải Tả Van mùa lúa chín, bạn hẳn sẽ phải ngỡ ngàng để rồi chỉ ước sao có thể gói theo hương sắc đất trời này mang về.
Ảnh: @hquangg.97
Không chỉ vậy, du khách còn được khám phá những nét văn hóa bản sắc dân tộc truyền thống, dạo bước trên con đường mòn men theo dòng suối Mường Hoa âm ỉ trăm năm. Xa xa thấp thoáng những mái nhà tranh mờ ảo trong làn khói lam chiều đủ khiến lòng người bình yên mà vương vấn mãi…
Bản Hang Táu
Bản làng được gọi với cái tên là “làng nguyên thuỷ” do cuộc sống "2 không" - không điện và không sóng di động. Đây là một ngôi làng người H'Mông ở Hang Táu thuộc bản Tà Số 1, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La; có thể nói đây là một trong những địa điểm hoang sơ nhất tại Mộc Châu.
Ảnh: @Im.rot
Nhiều người lần đầu nghe tên Hang Táu sẽ nghĩ địa danh này là một hang động nhưng thực tế, nơi đây là một khu canh tác, sản xuất nông nghiệp rộng chừng 1ha; với khung cảnh như một thảo nguyên thu nhỏ giữa núi rừng Tây Bắc, chính vì lẽ đó mà Hang Táu còn có biệt danh là ‘’Làng Nguyên Thuỷ’’.
Ngôi làng nhỏ xinh êm đềm Hang Táu của đồng bào người Mông nơi đây sẽ là hành trình khám phá tuyệt vời với những ai yêu thích thiên nhiên, thích không khí bình yên trong lành. Điểm đến lý tưởng của những tín đồ phượt từ khắp nơi yêu thích khám phá những điều mới lạ, hoang sơ.
Bản Tả Phìn
Bản Tả Phìn nằm cách thị trấn Sa Pa khoảng 13km chạy về hướng Đông Bắc. Tương tự như nhiều tuyến đường khác tại Lào Cai, đường đến bản Tả Phìn khá khúc khuỷu và khó đi đó cũng chính là một trong những lý do tuy bản Tả Phìn sở hữu vẻ đẹp đầy ấn tượng của miền núi rừng hoang vu nhưng được rất ít du khách biết đến.
Ảnh: @phuongviettinco, @trungtran
_
Bản làng Tả Phìn là nơi sinh sống của 2 dân tộc chính là dân tộc Dao và dân tộc H’Mông, chính vì vậy, nên khi đến bản Tả Phìn bạn sẽ cảm nhận được một không gian sống đậm chất dân tộc với những ngôi nhà sàn đơn sơ, những bộ trang phục được may thủ công đầy màu sắc rực rỡ và vô vàn món ăn dân dã, đậm hương vị rừng núi.
Vẻ đẹp tại bản làng này khiến nhiều du khách say mê với những thửa ruộng bậc thang vàng óng ả trải dài, hay hang động Tả Phìn đầy hoang sơ thần bí. Ngoài ra tại nơi đây du khách còn được trải nghiệm nhiều hoạt động mới lạ mà có lẽ chỉ có ở Tả Phìn như tắm lá người dao, xem người Tả Phìn khảm bạch hay tự tay thêu đồ lưu niệm tại làng nghề thổ cẩm.
Bản Lô Lô Chải
Ngoài các điểm đến đã quá quen thuộc của cao nguyên đá Đồng Văn, ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú có một ngôi làng đẹp như cổ tích tên là Lô Lô Chải, đây là điểm du khá hấp dẫn trong mắt du khách trong và ngoài nước.
Dù chỉ cách cột cờ Lũng Cú chừng 1km, nhưng sở hữu địa hình gồ ghề, đường xá đi lại khó khăn, lại thêm khí hậu khắc nghiệt nên làng Lô Lô Chải dường như chỉ dành cho những du khách thực sự yêu thích trải nghiệm khám phá.
Ở Lô Lô, là sự yên bình, không lẫn một chút xô bồ tạp niệm, chỉ có thiên nhiên hoang sơ, khung cảnh tuyệt đẹp màu xanh thăm thẳm lọt thỏm giữa những triền đá tai mèo sắc nhọn. Những nếp nhà kiểu trình tường truyền thống với hàng rào đá, vách đất nâu, những bắp ngô phơi trên xà nhà, cùng những cây đào hay vạt cải xanh trước cửa.
Sáng thức dậy trong cái rét lạnh, pha một tách trà ấm, ngắm mây bay và đợi nắng xiên ngang. Buổi tối ngồi xì xụp bên nồi lẩu nghi ngút khói, hay quây quần bên bếp lửa nướng chú gà nhâm nhi cốc bia tam giác mạch hay nhấm nháp chút rượu ngô cay nồng. Chìm đắm trong không gian nơi đây, ta phải công nhận rằng cuộc sống thật thư thái, giản đơn nhưng lại ngập tràn niềm vui.
Mỗi bản làng ở Tây Bắc lại mang trong mình một màu sắc cùng với dấu ấn văn hóa riêng, không nơi nào hòa trộn với nơi nào. Thiên nhiên hoang sơ, choáng ngợp là thế, nhưng được hòa mình vào cuộc sống của những bản làng này thấy sao Việt Nam mình bình yên và thơ mộng quá.