Bất cứ ai từng trải qua một mùa hè ở Hong Kong (Trung Quốc) đều có thể kể câu chuyện về sự bức bách dưới cái nóng và độ ẩm ngột ngạt. Năm nay, mọi thứ dường như trở nên khó khăn hơn bao giờ hết khi đợt nắng nóng kỷ lục kéo dài bao trùm toàn Hong Kong. Đây được coi là nỗi ám ảnh, nhất là đối với những dân lao động nghèo đang phải sống tạm bợ trong những ngôi nhà nhỏ trên sân thượng.
Câu chuyện của người đàn ông tên Au là một ví dụ. Theo The Washington Post, ông đang sống trên sân thượng của một tòa nhà 10 tầng, trong ngôi nhà nhỏ chật hẹp bao quanh bởi kim loại và bê tông. Mùa hè này, nhiệt độ trong nhà ngột ngạt đến mức cảm giác như ‘một triệu độ C’.
“Tôi bật cả 3 chiếc quạt trong phòng khách mà vẫn không ăn thua. Trời nóng quá”, ông Au vừa nói vừa lấy tay lau mồ hôi trên trán.
Đà tăng cao của giá bất động sản cùng khoảng thời gian chờ dài đằng đẵng nhà ở xã hội tại Hong Kong (Trung Quốc) đang khiến những lao động nghèo như ông Au buộc phải sống trong những căn hộ chia nhỏ bất hợp pháp như thế. Nó nằm trên một tòa nhà thuộc khu phố sang trọng Sham Shui Po, rộng hơn 27m2 và được làm bằng kim loại hấp thụ nhiệt.
Dù đã cố gắng giàn xốp trên trần nhà và che chắn cửa sổ vào buổi chiều, song ông Au vẫn không thể khiến ngôi nhà nhỏ dịu bớt. Vì muốn tiết kiệm điện, vợ chồng ông chỉ dám bật điều hoà một lúc khi các con đi làm về. Ngoài việc bật quạt, ăn dưa và ngủ chiếu tre cho mát, họ không biết làm gì hơn.
Dẫu vậy, với ông Au, được ở trong điều kiện hiện tại là cả một sự may mắn. Trước đây, trong suốt 30 năm, ông đã phải sống trong một căn nhà quan tài rộng vỏn vẹn hơn 5m2. Bốn bức tường đều làm bằng thiếc và mùa hè sẽ không khác gì một chiếc ‘lò nướng’.
Được biết, nhà quan tài cũng nằm trong chuỗi nhà ở công được Hong Kong (Trung Quốc) khởi động từ năm 1954 nhằm cung cấp nhà thuê giá rẻ cho các người dân thu nhập thấp. Hiện nay, đa số dân Hong Kong đều ở trong các căn hộ thuê kiểu này dù họ phải đăng ký từ trước và chờ rất lâu mới đến lượt.
Trên đỉnh một chung cư 7 tầng ở khu phố Kowloon, bà Tai Sze-lin (52 tuổi) cũng đang sống trong một căn phòng chia nhỏ, bên trong ngôi nhà rộng 41m2. Có 5 người khác cùng chia sẻ không gian này với bà.
Cửa sổ không có tác dụng thông gió, vì nó đối diện với cửa sổ của một phòng khác. Những ngày nắng nóng, họ thường dùng vòi nước phun ướt sân thượng để giảm cái nóng. Các trung tâm thương mại có máy lạnh cũng là giải pháp tạm thời hiệu quả cho những người như bà Tai.
"Tôi chuyển đến Hong Kong nhiều năm trước. Mùa hè luôn là thời điểm nóng bức và khó chịu nhất", bà nói, sau đó bộc bạch những năm trước, nhiệt độ thường chỉ tăng cao vào những ngày trước bão. Bây giờ, cơn nóng có thể kéo dài nhiều tuần. "Thời tiết nóng khiến đầu tôi muốn nổ tung", Tai bày tỏ.
Ông Hung Chi-fai, một người làm nghề dọn dẹp, cũng đã chuyển đến túp lều sân thượng này vào tháng 6. Trước đây, ông sống trong một căn nhà quan tài rộng chưa đến 2m2. Ông cho biết mình thường trốn nóng bằng cách ghé vào thư viện và đọc sách báo trước khi về tắm rửa.
"Tôi ở đó hàng tiếng đồng hồ cho đến khi họ đóng cửa", ông kể.
Người đàn ông 58 tuổi này cũng cho biết không chỉ mùa hè nóng hơn và có vẻ mùa đông cũng đang ngắn đi một cách bất thường. "Trời ngày càng nóng. Chúng tôi chỉ biết cố gắng để thích nghi và sống tiếp".
Theo báo cáo của chính phủ hồi năm 2021, khoảng 220.000 người, tương đương khoảng 3% dân số Hong Kong, đang phải sống chật chội trên sân thượng, căn hộ chia nhỏ và nhà lồng. Trong bối cảnh điều kiện thời tiết dần trở nên cực đoan, họ sẽ lại thấp thỏm lo thanh toán các hóa đơn điện nước, theo Sze Lai-shan, phó Giám đốc Hiệp hội vì Tổ chức Cộng đồng.
“Trong ngắn hạn, việc cung cấp máy lạnh và trợ cấp tiền điện là rất hữu ích,” Sze nói. “Nhưng về lâu dài, việc cho họ nhà ở công mới là điều quý giá nhất”.
Từ nay cho tới lúc đó, các chuyên gia cho rằng Hong Kong cần phải nhanh chóng có những giải pháp đối với tình trạng thời tiết nắng nóng kéo dài. Trước đó, Hong Kong đã cam kết đạt mức trung hòa carbon, với mục tiêu tương đối khiêm tốn là giảm lượng khí thải từ 26-36% vào năm 2030 so với hồi năm 2005.
Theo Kevin Li, chuyên gia thuộc tổ chức môi trường CarbonCare InnoLab, kế hoạch hành động mới nhất của chính quyền chủ yếu dựa vào các dự án cơ sở hạ tầng để giảm thiểu tác động từ môi trường. Tuy nhiên, điều này lại không thực sự giúp ích cho nhóm lao động thu nhập thấp - những người đang phải sống trên tầng thượng và các căn hộ chia nhỏ tạm bợ.
Li muốn thấy một kế hoạch thích ứng, giúp mọi người ứng phó với điều kiện khắc nghiệt, chẳng hạn như sửa chữa các căn nhà trên sân thượng để phân tán nhiệt, cải thiện hệ thống thông gió và trợ cấp chi phí điện.
Được biết, Hong Kong (Trung Quốc), với dân số 7,5 triệu, trước giờ vẫn nổi tiếng là thị trường bất động sản đắt đỏ. Lao động thu nhập thấp từ lâu không đủ khả năng mua bất cứ thứ gì ngoài việc chấp nhận thuê những căn nhà lồng tồi tàn bị chia nhỏ đến cùng cực.
Theo SCMP, hiện có khoảng hơn 220.000 người dân đang sống tại 110.000 căn hộ chia nhỏ. Phần lớn trong số chúng nằm rải rác trong các tòa nhà đổ nát, những tòa chung cư cũ với điều kiện sinh hoạt ẩm thấp và vô cùng chật chội.
Một cuộc khảo sát được thực hiện hồi năm 2017 cho thấy không gian sống trung bình cho mỗi người dân Hong Kong thu nhập thấp là hơn 4m2, tức ½ diện tích một ô đỗ xe tiêu chuẩn và thậm chí nhỏ hơn cả buồng giam tù nhân.
Theo: The Washington Post, SCMP