Tài chính

Giới startup trong "bữa tiệc tàn": Định giá sa sút, hầu hết đều chưa có lãi và cạn tiền mặt

Giới startup trong 'bữa tiệc tàn': Định giá sa sút, hầu hết đều chưa có lãi và cạn tiền mặt - Ảnh 1.

Các công ty khởi nghiệp đã có một năm 2022 ảm đạm dựa trên hầu hết các phép đo, từ dòng vốn đầu tư đến niêm yết công khai. Dữ liệu thậm chí còn dự báo về một năm 2023 nhiều khó khăn hơn, theo WSJ.

Khi thị trường lao dốc vào đầu năm 2022, nhiều Giám đốc điều hành và nhà đầu tư mới vẫn tự tin rằng một lượng vốn đầu tư mạo hiểm vẫn đang sẵn có. Sự nhiệt thành kéo dài đối với các xu hướng công nghệ mới được kỳ vọng sẽ “chắp cánh” cho Thung lũng Silicon thêm bay cao.

Tuy nhiên, năm 2022 khép lại mà không có bất kỳ phép màu nào. Các nhà đầu tư mạo hiểm, chủ ngân hàng và tổ chức quản lý quỹ cho biết ngành công nghiệp startup non trẻ hiện đang có một khởi đầu ảm đạm trong năm 2023, với mức định giá được cho là sẽ sụt giảm mạnh mẽ.

Theo WSJ, đầu tư mạo hiểm vào các startup Mỹ trong năm 2022 có xu hướng giảm 1/3 so với năm 2021, theo nghiên cứu từ PitchBook Data. Vốn đầu tư vào các công ty này cũng giảm liên tục hàng quý.

Trong năm 2022, một “cơn bão hoàn hảo” đã đổ bộ sang lĩnh vực công nghệ vốn đang tăng trưởng phi mã. Lạm phát biến đây trở thành một trong những kẻ thua cuộc lớn nhất sau nhiều tháng trồi sụt, trong bối cảnh lãi suất và lo ngại suy thoái kinh tế đè nặng lên chi tiêu người tiêu dùng và giới quảng cáo. Song song với đó, sự sụp đổ của ngành công nghiệp tiền số càng phủ mây đen lên nhiều startup có liên quan, nhất là sau bê bối FTX.

Câu chuyện về Argo AI, startup xe tự hành vừa tuyên bố giải thể, được cho là minh chứng rõ ràng nhất cho một năm ảm đạm giới khởi nghiệp. Startup này từng được hậu thuẫn bởi hai trong số các nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, Ford Motor và Volkswagen; thậm chí đến Amazon cũng từng khao khát được sở hữu. Tuy nhiên, tình trạng sa sút của nền kinh tế đã khiến Argo AI không thể trụ vững, trong bối cảnh triển vọng cho xe tự lái lung lay.

“Vào năm 2017, khi Ford đầu tư vào Argo AI, công ty đã dự đoán có thể đưa công nghệ ADAS cấp độ 4 ra thị trường vào năm 2021. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi”, CEO Jim Farley của Ford cho biết. “Chúng tôi lạc quan về tương lai phát triển của công nghệ ADAS, nhưng còn lâu nó mới có thể giúp công ty kiếm lợi nhuận.

Giới startup trong 'bữa tiệc tàn': Định giá sa sút, hầu hết đều chưa có lãi và cạn tiền mặt - Ảnh 2.

Argo AI, startup xe tự hành vừa tuyên bố giải thể.

Theo giáo sư tài chính Jay Ritter của Đại học Florida, thị trường cho các đợt phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ vừa trải qua một năm tồi tệ nhất kể từ năm 1990. Khoảng 139 công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) phải thanh lý, theo SPAC Research, từ đó làm suy yếu công cụ đặc biệt vốn được các công ty khởi nghiệp và giới đầu tư tận dụng để kiếm tiền.

Theo Layoffs.fyi, một trang web theo dõi việc làm trong ngành công nghệ, trong năm qua, các công ty khởi nghiệp có trụ sở tại Mỹ đã sa thải hơn 35.000 nhân viên. Một số tạm phải gác lại các kế hoạch kinh doanh, trong khi số khác thì “đóng băng” ngày ra mắt các sản phẩm mới.

Getro, công ty phần mềm chuyên hỗ trợ các startup tuyển dụng, đã phải thay đổi chiến lược trong năm 2022, theo Giám đốc điều hành Evan Walden. Ban đầu, nó điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với các công ty tiền số, với hy vọng tận dụng được sự bùng nổ của công nghệ Web3. Đến tháng 7, thời điểm lĩnh vực này bắt đầu sụp đổ, Getro phải từ bỏ kế hoạch đã đặt ra.

Do không huy động được vòng tài trợ trị giá 10 triệu USD, Evan Walden cho biết sẽ tập trung cắt giảm chi tiêu, tăng doanh thu và mang lại dòng tiền dương trong các báo cáo tài chính. Cuối cùng, mọi cố gắng đã được đền đáp. Getro hiện đã có đủ vốn để tồn tại trong 3 năm nữa.

“Có quá nhiều điều không chắc chắn, sự sợ hãi và nghi ngờ trên thị trường”, Evan Walden nói.

Theo các chuyên gia, đối tác dài hạn chuyên rót vốn vào các công ty đầu tư mạo hiểm đang ghi nhận lợi nhuận không mấy khả quan kể từ ít nhất năm 2006. Miguel Luiña, Giám đốc điều hành quỹ đầu tư Hamilton Lane, cho biết sự thiếu hụt này, kết hợp với các khoản lỗ đầu tư vào cổ phiếu đại chúng và một số tài sản khác, khiến họ không còn nhiều tiền mặt để tiếp tục đầu tư. Định giá các startup đã giảm trung bình 43% trong quý IV so với một năm trước đó, theo PitchBook.

Theo WSJ, khoảng 2.750 công ty khởi nghiệp huy động được tiền vào năm 2021 chưa nhận thêm bất kỳ khoản vốn đầu tư mạo hiểm nào kể từ đó. Nhiều công ty khởi nghiệp, hầu hết còn non trẻ và chưa có lãi, đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt tiền mặt trong năm tới.

“Sẽ rất áp lực nếu muốn kiếm tiền bằng mọi giá”, Mark Peter Davis, đối tác quản lý tại Interplay, một công ty mạo hiểm kiêm vườn ươm khởi nghiệp, cho biết. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều nỗi đau như thế này”.

Giới startup trong 'bữa tiệc tàn': Định giá sa sút, hầu hết đều chưa có lãi và cạn tiền mặt - Ảnh 3.

Checkout, startup từng phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ của các giao dịch thương mại điện tử, vừa tuyên bố đang trong quá trình cắt giảm định giá nội bộ xuống chỉ còn 11 tỷ USD.

Một số không chịu nổi việc định giá sụt giảm. Công ty an ninh mạng Snyk cho biết vào tháng 12, vốn hoá thị trường đã mất 14% so với hồi đầu năm. Nền tảng trí tuệ nhân tạo Dataiku tháng cuối năm chỉ còn trị giá 3,7 tỷ USD, giảm khoảng 21% so với năm 2021.

Checkout, startup từng phát triển nhanh chóng nhờ sự bùng nổ của các giao dịch thương mại điện tử, cũng vừa tuyên bố đang trong quá trình cắt giảm định giá nội bộ xuống chỉ còn 11 tỷ USD - một động thái phản ánh rõ sự lao dốc mạnh mẽ trên thị trường công nghệ chỉ trong vỏn vẹn 1 năm. Được biết công ty có trụ sở tại London này từng được định giá 40 tỷ USD hồi đầu năm sau khi huy động vốn thành công từ các nhà đầu tư, trong đó có Tiger Global.

Céline Dufétel, Giám đốc tài chính của Checkout, chia sẻ với Financial Times: “Chúng tôi ở trong ngành công nghiệp tiền số đã lâu nên đã từng chứng kiến những thăng trầm như thế này. Chúng tôi đã dự đoán trước mức độ biến động trong suốt năm”.

Theo: WSJ, Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm