Tài chính

8 điểm nhấn tài chính ngân hàng năm 2022

 

Trong năm 2022, mặt bằng lãi suất đã chứng kiến những biến động khó lường ở cả thị trường 1 và thị trường 2. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã có 4 lần liên tiếp tăng lãi suất 0,75 điểm % trong năm nay, dẫn tới việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hai lần tăng lãi suất điều hành sau hai năm nới lỏng.

Lãi suất tiền gửi đã bắt đầu tăng nhanh hơn dự kiến từ nửa đầu năm 2022 và lãi suất cho vay bắt đầu tăng vào cuối quý II. Các mức lãi suất cao hơn 10%, 11%, rồi cả trên 12% lần lượt xuất hiện trên thị trường.

"Lãi suất huy động đã tăng khoảng 3,5 - 4 điểm % so với cuối năm 2021 cho kỳ hạn trên 6 tháng và mức này cũng đã cao hơn so với thời điểm trước COVID-19", bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI cho hay.

 

Trên thị trường 2, lãi suất liên ngân hàng trên cũng chứng kiến mức tăng kỷ lục trong thời gian qua. Vào đầu tháng 10, lãi suất liên ngân hàng đã vọt lên trên 10% tại một số thời điểm trong tuần, đây là mức cao nhất kể từ năm 2012, sau đó giảm nhiệt dần.

Mặt bằng lãi suất huy động đua nhau tăng tại các ngân hàng tạo áp lực lên lãi suất cho vay đầu ra, cùng với sự hạn chế về room tín dụng trong quý III dẫn đến những người có nhu cầu đi vay lâm vào thế khó.

NHNN đã hai lần nâng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % trong tháng 9 và tháng 10 sau hai năm nới lỏng, trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2019,nhằm bảo đảm thanh khoản cho các tổ chức tín dụng cũng như có nguồn vốn để cung cấp tín dụng cho nền kinh tế.

Nhiều công ty chứng khoán dự báo NHNN có thể tiếp tục nâng lãi suất điều hành vào đầu năm 2023 khoảng 0,5-1 điểm %. Dư địa tăng tiếp lãi suất điều hành sẽ tùy thuộc vào diễn biến áp lực các yếu tố bên ngoài (Fed, diễn biến chỉ số USD Index, đồng NDT), lạm phát trong nước và áp lực mất giá của tiền đồng.

 

Nguồn: SSI Reseach. 

Duy trì ổn định tỷ giá là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất của NHNN trong thời gian qua trước các diễn biến khó lường của thị trường quốc tế. Trước sức ép tăng giá của đồng USD,  đồng tiền các nước trên thế giới đồng loạt mất giá mạnh.

"Tỷ giá USD/VND tăng khoảng 3,81% so với cuối năm 2021, mức mất giá của VND so với USD thấp hơn các đồng tiền khác trên thế giới", Phó Thống đốc thông tin.

Để điều hành và giữ ổn định tỷ giá, NHNN đã kết hợp nhiều công cụ như nâng lãi suất điều hành, nới biên động dao động của tỷ giá từ +/- 3% lên +/- 5%, bán USD từ dự trữ ngoại hối.

Theo ước tính của các công ty chứng khoán, NHNN đã bán ra một lượng lớn dự trữ ngoại hối (khoảng 20 - 21% lượng dự trữ) để giữ ổn định tỷ giá kể từ đầu năm. Mức dự trữ ngoại hối hiện tại về khoảng 87 tỷ USD, vẫn duy trì trong ngưỡng an toàn (3 tháng nhập khẩu).

Thông tin về định hướng điều hành chính sách tỷ giá trong thời gian tới, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tín dụng cho hay NHNN sẽ tiếp tục kiên định ổn định thị trường tiền tệ, thông suốt thanh khoản để duy trì tỷ giá ổn định và NHNN có thể tiếp tục mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.

 

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ảnh: SBV).

Trong quý III/2022, room tín dụng đã trở thành một trong những tiêu điểm của thị trường khi nhu cầu vốn của nền kinh tế tăng cao nhưng hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp nhỏ giọt.

Nhiều ngân hàng đã gần ‘cạn' room tín dụng vào những ngày cuối tháng 5, chỉ có thể cho vay cầm chừng. Tăng trưởng tín dụng thời điểm đó đạt 7,75% (tới ngày 27/5/2022), mức cao nhất trong 10 năm qua, gấp đôi con số của cùng kỳ năm ngoái.

Cho đến đầu tháng 9, NHNN đã không dưới hai lần nới room mà chính xác hơn là phân bổ thêm room tín dụng cho các ngân hàng.

NHNN cho biết tới tháng 11 tình hình tác động từ bên ngoài dịu bớt, thanh khoản của TCTD cải thiện hơn mới quyết định nới hạn mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống từ 14% lên 15,5 – 16%. Lượng tín dụng được kỳ vọng bơm trong tháng 12 vào khoảng 396.000 tỷ đồng và chủ yếu sẽ tập trung giải ngân vào các lĩnh vực ưu tiên và các doanh nghiệp sản xuất.

Tính đến ngày 21/12/2022, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,78 triệu tỷ đồng, tăng 12,87% so với cuối năm 2021, tăng 13,96% so với cùng kỳ năm 2021.

 

 SCB được Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022. (Ảnh minh hoạ: SCB).

Tháng 10/2022, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định thực hiện kiểm soát đặc biệt Ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB để ổn định hoạt động của ngân hàng sau loạt biến cố từ vụ việc Vạn Thịnh Phát.

"Việc NHNN kiểm soát đặc biệt một tổ chức tín dụng là biện pháp nghiệp vụ theo quy định của pháp luật nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến tổ chức tín dụng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng," thông cáo của NHNN nêu rõ.

Theo đó, hoạt động của SCB được thực hiện dưới sự kiểm soát của NHNN. NHNN lựa chọn, chỉ định những cán bộ có kinh nghiệm, năng lực, trình độ chuyên môn từ các ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank) tham gia quản trị, điều hành SCB.

Ông Vũ Anh Đức (nguyên Giám đốc VietinBank chi nhánh TP HCMgiữ chức vụ Chủ tịch HĐQT của SCB; các ông Phạm Quang Tiến, Võ Văn Bửu, Trang Nhân Hậu và Lý Thành Phương cùng giữ chức Thành viên HĐQT của SCB kể từ ngày 14/10.

 

 Các ngân hàng 0 đồng dần tìm được bến đỗ. (Ảnh đồ hoạ: PV).

Trong năm 2022, loạt ngân hàng Vietcombank, MB, HDBank, VPBank đã lấy ý kiến cổ đông về nhận chuyển giao bắt buộc. OceanBank đang có bước hợp tác chiến lược với Ngân hàng Quân đội (MB) trong khi CBBank nhiều khả năng sẽ được nhận chuyển giao về với Vietcombank.

Hai tổ chức được nhận chuyển giao bắt buộc còn lại dự kiến là hai ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu, gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank).

Có thể nhận thấy rằng những ngân hàng tham gia quá trình tái cơ cấu đều là những cái tên lớn trên thị trường. Quá trình xây dựng các phương án hỗ trợ chi tiết cho thấy được sự quyết tâm cao và tính toán kỹ lưỡng của các ngân hàng tham gia nhận chuyển nhượng bắt buộc.

Việc tham gia hỗ trợ các TCTD yếu kém vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội cho các ngân hàng. MB ước tính rằng thương vụ này sẽ tạo ra cơ hội để ngân hàng đạt được mức tăng trưởng cao về quy mô (tiếp nhận khoảng 401 điểm giao dịch), gấp 1,5 – 2 lần thị trường trong dài hạn, cải thiện thứ hạng cạnh tranh và có nhiều không gian tăng trưởng mới.

Trong khi đó, Vietcombank kỳ vọng sẽ nhận được các chính sách hỗ trợ đặc biệt như không giới hạn tăng trưởng tín dụng hàng năm, được phép trả cổ tức bằng cổ phiếu từ toàn bộ lợi nhuận giữ lại,được ưu tiên cho vay vượt 15%/25% vốn tự có với khách hàng và nhóm khách hàng liên quan,...

Trên thực tế, Vietcombank, MB đều là những ngân hàng nhận được mức room tín dụng tốt trong năm qua.

 

 VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống cuối năm 2022. (Ảnh: VPBank).

Ngày 28/11/2022, vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) được chính thức tăng lên hơn 67.434 tỷ đồng, đưa VPBank trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Trước đó, nhà băng này đã lên kế hoạch tăng vốn thông qua hai đợt, nâng quy mô từ 45.056 tỷ lên 79.334 tỷ đồng. Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành cổ phiếu tỷ lệ 50% từ các nguồn như lợi nhuận chưa chia, quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, vào quý II hoặc quý III.

Sau đó, ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tổng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên tối đa 30% phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP) với khối lượng 30 triệu cổ phiếu. 

Quán quân lâu năm trước đó là BIDV với vốn điều lệ gần 50.585 tỷ đồng, giữ nguyên so với cuối năm 2021. Trong năm BIDV cũng đã trình phương án tăng vốn thêm 10.623 tỷ đồng lên 61.208 tỷ đồng (tăng 21% so với năm 2021) nhưng hiện vẫn đang chờ sự phê duyệt của cơ quan nhà nước có thầm quyền.

 

Nghị quyết Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thống nhất kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng từ ngày 15/8/2022 đến hết ngày 31/12/2023.

Việc Nghị Quyết 42 được kéo dài đến cuối 2023 giống như một biện pháp trong gói hỗ trợ kinh tế 2022 -2023, hướng tới tới nền kinh tế và ngành ngân hàng nói riêng.

Cùng với đó, Quốc hội đã giao Chính phủ nghiên cứu, đề xuất luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cùng với việc rà soát, sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng; trình Quốc hội xem xét chậm nhất tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023).

Nhiều chuyên gia kinh tế và đại biểu quốc hội cho rằng việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, tạo hành lang pháp lý vững chắc, ổn định và hoàn thiện hơn trong công tác xử lý nợ xấu.

 

 Với nhiều nỗ lực, cố gắng trong làm việc và đàm phán của Chính phủ và NHNN, ngày 10/11/2022, Bộ Tài chính Mỹ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Mỹ”.

Trong kỳ báo cáo này, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ, đồng thời, đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của NHNN trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Trước đó, từ cuối tháng 5/2019, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam vào "danh sách giám sát" thao túng tiền tệ. Tới giữa tháng 12/2020, Mỹ xác định Việt Nam là một trong hai quốc gia thao túng tiền tệ.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ sau đó đã tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam và cho biết chưa đủ bằng chứng khẳng định Việt Nam thao túng tỷ giá theo Đạo luật 1988. Hai bên đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các quan ngại của Mỹ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá.

Sau quá trình đàm phán và nỗ lực giải quyết, Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi diện "bị phân tích nâng cao" và trở lại "danh sách giám sát" trong kỳ báo cáo ngày 10/6/2022.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm