Dù còn khoảng gần một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhưng nhiều nhân viên môi giới bất động sản (BĐS) đã phải nghỉ Tết sớm.
Anh Thái – một nhân viên BĐS tại Bình Dương cho biết đã hơn 3 tháng qua không thực hiện thành công giao dịch chuyển nhượng nào nên không có hoa hồng, kinh tế gia đình gặp khá nhiều khó khăn vì còn nuôi con nhỏ.
Môi giới này cho biết dạo trước, dù không kiếm được hợp đồng thì vẫn còn có lương cứng để trang trải. Nhưng hiện tại lương cứng cũng bị cắt giảm phân nửa, do đó anh đã quyết định cùng gia đình tạm thời chuyển về quê tại Ninh Bình ở cùng bố mẹ.
Theo anh Thái, thời gian qua nhiều đồng nghiệp của anh tại công ty cũng lần lượt xin nghỉ hoặc tìm kiếm công việc khác để có thu nhập cho bản thân và gia đình. Sau khi về quê, anh đang có kế hoạch tìm mối buôn cây cảnh dịp Tết để kiếm thêm thu nhập.
Nghề môi giới BĐS đang trong giai đoạn sàng lọc khắc nghiệt khi thị trường trầm lắng
Là một môi giới nhà đất có nhiều năm làm việc trong nghề, anh Dũng (Hà Đông – Hà Nội) giờ đây đang phải loay hoay tìm kiếm việc làm thêm dịp cuối năm, bởi công ty đã cắt giảm lương cứng trong 4 tháng qua. "Nhà 4 miệng ăn, không thể gồng gánh thêm được nữa nên tôi buộc phải xin nghỉ việc để tìm cách xoay sở cải thiện kinh tế", anh Dũng cho hay.
Trước đó, nhiều đồng nghiệp của anh Dũng đã chuyển sang chạy xe ôm công nghệ hoặc làm người giao hàng. Cũng đã có nhiều người quyết định rời thành phố về quê tìm kiếm công việc phù hợp để có thêm thu nhập khi mà Tết nguyên đán đang đến gần.
“Năm nay thưởng Tết với những người làm nghề môi giới BĐS có thể là điều xa xỉ bởi thị trường đã trầm lắng trong thời gian dài. Với nhiều môi giới, việc vẫn được công ty trả đều lương và các chế độ đã được xem là hạnh phúc ở thời điểm hiện nay”, anh Dũng cho biết thêm.
Câu chuyện môi giới BĐS nghỉ Tết sớm đang dần trở nên phổ biến khi thị trường BĐS đã chững lại trong suốt nửa năm qua.
Cơ hội việc làm cho môi giới hẹp dần theo làn sóng sa thải ồ ạt trước Tết. Không ít sàn giao dịch BĐS phải đóng cửa, sa thải nhân viên. Các sàn nhỏ mọc ra ở các điểm nóng BĐS hiện cửa đóng im lìm.
Theo các chuyên gia, thị trường BĐS có thể tiếp tục diễn biến xấu kéo dài, làn sóng môi giới mất việc sẽ diễn ra mạnh hơn nếu như những khó khăn không được giải quyết.
Chia sẻ báo chí mới đây, ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, Tp.HCM có khoảng hơn 100.000 môi giới BĐS, trong đó 20.000-30.000 người làm việc cho các tổ chức chuyên nghiệp. Ông tính toán khoảng 50% môi giới mất việc tính đến tháng 12.
Báo cáo thị trường địa ốc TP HCM và các tỉnh phía Nam của trang Batdongsan cũng xác nhận, từ tháng 11, các công ty bất động sản cắt giảm lượng nhân sự lớn, là hệ quả tất yếu do thị trường trầm lắng kéo dài. Khảo sát trực tuyến khoảng 500 môi giới do đơn vị này thực hiện cho thấy, trong quý IV quy mô nhân sự của sàn giao dịch bất động sản giảm 61% tại các doanh nghiệp ở tất cả các phân khúc. Lượng môi giới giảm mạnh là do không bán được hàng, không có thu nhập. Môi giới buộc phải bỏ nghề, tìm công việc khác hoặc làm song song nhiều nghề để kiếm nguồn thu khi thị trường giảm tốc.
Số liệu thống kê của Viện nghiên cứu kinh tế, tài chính BĐS Dat Xanh Services, trong 10 tháng đầu năm 2022, số lượng DN môi giới BĐS tạm dừng kinh doanh có thời hạn là gần 2.300, tăng gần 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng DN hoàn tất thủ tục giải thể là gần 1.000, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều DN phải tái cơ cấu lại mô hình, giảm quy mô, tinh giảm hệ thống nhân sự.
Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho rằng, thời điểm này những người làm môi giới BĐS cần phải tỉnh táo, tìm một công việc mưu sinh tạm thời, đồng thời tranh thủ thời gian bổ sung thêm kiến thức, kỹ năng, đạo đức nghề nghiệp. “Môi giới BĐS cần phải xác định đây là giai đoạn sụt giảm giao dịch chủ yếu do các yếu tố khách quan, nhưng bản chất thị trường không suy thoái. Do đó, phải trau dồi thêm kỹ năng, trình độ thì khi thị trường ổn định trở lại mới có thể làm việc hiệu quả hơn” - ông Đính chia sẻ.