Món quà trời ban
Điều kiện thổ nhưỡng hoàn hảo cho nông nghiệp, với loại đất sẫm màu giàu dinh dưỡng, đã giúp Ukraine trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu nông nghiệp hàng đầu châu Âu. Không chỉ lúa mì, đất nước này còn nhiều loại nông sản khác, góp mặt thường xuyên trong bữa ăn ở nhiều quốc gia. Đó là lý do Ukraine được thế giới biết tới với cái tên "giỏ bánh mì của châu Âu".
Theo CIA World Factbook, Ukraine từng sản xuất 25% tổng sản lượng nông nghiệp của Liên Xô cũ. Ngày nay, Ukraine xuất khẩu một lượng lớn ngũ cốc, rau, củ cải đường, hạt hướng dương, sữa và thịt không chỉ sang châu Âu mà còn tới cả Trung Đông, châu Phi và Trung Quốc.
Ngoài ra, chế biến thực phẩm, đặc biệt là ngành công nghiệp đường, cũng đóng vai trò rất quan trọng ở Ukraine. Gần một trong số 4 công nhân ở nước này làm việc trong ngành liên quan tới nông nghiệp hoặc lâm nghiệp.
Theo Bộ Phát triển Kinh tế, Thương mại và Nông nghiệp Ukraine, trong giai đoạn từ tháng 7/2019 đến tháng 6/2020, Ukraine đã tăng xuất khẩu ngũ cốc của mình lên 34%, tương đương 31,1 triệu tấn, nhờ gia tăng tỷ trọng xuất khẩu ngô và lúa mì. Giai đoạn đó, Ukraine cũng đã thu hoạch kỷ lục 74 triệu tấn ngũ cốc so với 70 triệu tấn của giai đoạn trước đó.
Số liệu của Ủy ban châu Âu cũng cho thấy nông nghiệp ở Ukraine đang bùng nổ: Quốc gia này là nhà cung cấp nông sản lớn thứ 3 cho Liên minh châu Âu (EU) trong giai đoạn từ tháng 11/2018 đến tháng 10/2019. Nông sản xuất sang châu Âu trị giá 7,26 tỷ euro, chỉ đứng ngay sau Mỹ và Brazil.
Ukraine hiện cũng là nhà sản xuất dầu và hạt hướng dương hàng đầu thế giới. Mặc dù vấn đề hậu cần liên quan đến đường sắt của quốc gia này tiếp tục cản trở việc giao hàng liền mạch tới khu vực và thế giới.
Mấy năm trườc, Ukraine cũng giành được quyền xuất khẩu trứng gà tươi sang Nhật Bản. Quốc gia này nằm trong số các nhà sản xuất trừng hàng đầu châu Âu và tăng sản lượng 3,5% lên 15,5 tỷ quả trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11/2019. Nước này cũng bắt đầu xuất khẩu táo cho Bangladesh vào năm 2020, mật ong và hạt cải dầu cho Trung Quốc cùng giai đoạn.
Chính phủ Ukraine cũng theo đuổi nhiều cải cách và đưa ra các hỗ trợ lớn trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm thúc đẩy hơn nữa thế mạnh của mình. Với tất cả những điều đó, Ukraine đã được coi như là "giỏ bánh mì của châu Âu", hay nói chính xác hơn, chính là vựa lương thực của cả một khu vực rộng lớn.
Sóng gió bao trùm
Tuy nhiên, sáng 24/2, Ukraine đối diện bước ngoặt lớn khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền đông Ukraine theo yêu cầu hỗ trợ của Cộng hòa Nhân dân Donbass (DPR). Ngay sau đó, truyền thông đưa tin về hàng loạt những diễn biến trên thực địa, nơi nhiều căn cứ quân sự của Ukraine bị không kích, pháo kích.
Sự việc ngay lập tức thổi bùng lên một làn sóng phản ứng của phương Tây và các đồng minh của Mỹ với Moscow. Tuy nhiên, nó cũng thổi bùng lên những lo lắng của người tiêu dùng về an ninh lương thực của khu vực. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói rằng: "Nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của chúng ta giờ đây đã trở thành sự thật".
Trong khi đó, phía Nga cũng tuyên bố sẽ phải đạt được tất cả các mục tiêu của mình là phi quân sự hóa và "phi phát xít hóa" với hành động quân sự ở Ukraine và sẵn sàng kéo dài nó trong trường hợp cần thiết.
Về phần mình, Ukraine tuyên bố sẽ chiến đấu và chiến thắng. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Để thể hiện sự ủng hộ với Ukraine, châu Âu và Mỹ đang tính tới ban bố những biện pháp trừng phạt nặng nề nhất đối với Moscow.
Lúc này, ngay cả những người lạc quan nhất cũng không tin còn giải pháp ngoại giao nào cho vấn đề Ukraine. Thậm chí, người ta còn lo sợ cuộc xung đột này có thể kéo dài, dẫn tới việc tàn phá nền kinh tế Ukraine nói chung và tác động nặng nề tới lĩnh vực nông nghiệp nói riêng.
Trong trường hợp này, nỗi lo không chỉ còn là của riêng người dân Ukraine. Nó sẽ lan tới toàn châu Âu và các quốc gia nhập khẩu lương thực của Ukraine. Thêm vào đó, việc các mặt hàng xuất khẩu của Nga, bao gồm lương thực, nhiều khả năng cũng sẽ chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, có thể dẫn tới gián đoạn nguồn cung trên quy mô lớn.
Xung đột đã khiến giá dầu Brent vượt 100 USD/thùng, điều mà người ta chưa từng thấy kể từ năm 2014 tới nay. Trong khi đó, giá lúa mì và ngô ở Mỹ đều đã tăng hơn 5%. Tuy nhiên, những điều tồi tệ nhất có thể vẫn còn ở phía trước.
Vài giờ trước, có thông tin cho rằng 2 tàu chở hàng của Nga trúng tên lửa Ukraine khi nó di chuyển ở biển Azov nằm giữa Nga và Ukraine. Hiện không rõ các mặt hàng trên những chiếc tàu nhưng nó cho thấy một rủi ro lớn đối với hoạt động vận tải trong khu vực.
Giá dầu kỷ lục kết hợp với giá lương thực tăng phi mã chắc chắn sẽ kéo theo lạm phát, dẫn tới cuộc sống của hàng trăm triệu người trên khắp thế giới bị ảnh hưởng. Cùng với đó, những đứt gãy đối với chuỗi cung ứng có thể khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn nữa.
Xung đột trên diện rộng ở Ukraine, điều nhiều người lo sợ nhất, đã xảy ra. Tuy nhiên, hậu quả tồi tệ nhất có thể vẫn còn ở phía trước.