Đây là dự án luật sửa đổi luật Khoa học, công nghệ (KH-CN) 2013 nhằm thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị (về đột phá phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo) và dự kiến thông qua ngay tại kỳ họp thứ 9 lần này.
Giao quyền tự chủ, chấp nhận rủi ro
Phó thủ tướng Lê Thành Long cho biết, dự luật cụ thể hóa chủ trương giao cho các cơ sở nghiên cứu quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm triển khai các hoạt động nghiên cứu, xây dựng bộ máy, chi tiêu theo cơ chế khoán chi. Nhà nước quản lý mục tiêu, quản lý đầu ra, kết quả và hiệu quả nghiên cứu, không quản lý cách làm. Trong trường hợp dự án nghiên cứu không đạt được kết quả như kỳ vọng, tổ chức nghiên cứu sẽ không phải chịu trách nhiệm bồi thường như trước và được miễn trừ trách nhiệm dân sự đối với những thiệt hại phát sinh cho Nhà nước nếu đã thực hiện đúng quy định, quy trình.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến góp ý dự án luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại thảo luận tổ chiều 6.5
ẢNH: GIA HÂN
Ông Long nhấn mạnh việc giao tự chủ cho tổ chức nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu không có nghĩa là buông lỏng trách nhiệm, mà để tạo cơ chế linh hoạt hơn để khuyến khích đổi mới. Sự dám chấp nhận rủi ro sẽ tạo động lực cho các nhà khoa học theo đuổi những vấn đề thách thức, đưa khoa học tiến xa hơn và mang lại những đột phá quan trọng.
Giao quyền tự chủ và chấp nhận rủi ro trong KH-CN là vấn đề nhiều đại biểu (ĐB) đồng tình khi thảo luận tại tổ về dự án luật chiều cùng ngày. ĐB Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo trong dự thảo luật là thực sự cần thiết, bởi đổi mới sáng tạo luôn đi kèm những rủi ro, thậm chí rủi ro cao. "Nếu không chấp nhận rủi ro, tổ chức, cá nhân sẽ rất e ngại dấn thân vào nghiên cứu sáng tạo, làm trì trệ, tụt hậu đất nước", ông Tuấn nhấn mạnh và chia sẻ, thời gian qua có không ít trường hợp các nhà khoa học còn lo sợ thất bại, sợ "sai do vô ý" nhưng bị xử lý.
ĐB Tuấn đề nghị nếu giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết thì cần quy định chặt chẽ những vấn đề cốt lõi, như phạm vi rủi ro được chấp nhận. Đơn cử, chỉ nên áp dụng cho rủi ro phát sinh từ hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo có tính đột phá, không lường trước, không do cố ý hoặc thiếu trách nhiệm; tránh tình trạng tạo vỏ bọc để trục lợi chính sách.
ĐB Nguyễn Mạnh Hùng, ĐBQH chuyên trách thuộc Ủy ban Kinh tế - Tài chính QH, phản ánh thực tế nhiều nghiên cứu thực hiện đúng quy trình nhưng kết quả không khả thi, khó thương mại hóa, nhiều kết quả nghiên cứu xếp ngăn kéo không được vận hành. Do đó, ông cho rằng cần quy định rõ điều kiện chấp nhận rủi ro chứ không nên quy định là tuân thủ đúng quy trình, quy định thì được miễn trách nhiệm.
Ưu đãi và hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho KH-CN
Ngoài giao quyền tự chủ, dự thảo luật cũng xây dựng chính sách cho phép cơ sở nghiên cứu được sở hữu và có quyền tự quyết đối với kết quả nghiên cứu, với tài sản hình thành từ nghiên cứu. Người làm nghiên cứu cũng được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia thành lập và điều hành doanh nghiệp. Cơ chế phân bổ ngân sách, chi tiêu cho KH-CN cũng được thay đổi theo hướng thông thoáng hơn qua cơ chế quỹ gắn với hậu kiểm, dựa trên kết quả, hiệu quả. Dự thảo luật quy định Chính phủ, UBND cấp tỉnh thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, địa phương nhằm hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo có tiềm năng tăng trưởng cao…
ĐB Trần Hoàng Ngân (đoàn TP.HCM) cho rằng việc thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm quốc gia, địa phương rồi giao cho các bộ phận không chuyên thì chắc chắn rủi ro là phần lớn. Ông đề nghị thay vì lập quỹ của nhà nước, thì nên tạo cơ chế cho các quỹ đầu tư mạo hiểm tư nhân hoạt động. Hiện có khoảng 10 quỹ đầu tư mạo hiểm lớn đang hiện diện trên thị trường tài chính VN, có đủ kinh nghiệm, thực lực, sẵn sàng chia sẻ về vốn, kinh nghiệm quản lý, có thể hỗ trợ dự án khởi nghiệp thành công nhiều hơn.
Phát biểu tại thảo luận tổ, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn đề nghị cần có nhiều hơn cơ chế ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho hoạt động KH-CN, đổi mới sáng tạo. Theo Chủ tịch QH, tại kỳ họp bất thường thứ 9 hồi tháng 2, QH thông qua Nghị quyết 193 về cơ chế đặc biệt để phát triển KH-CN, đổi mới sáng tạo. Dự luật lần này sẽ luật hóa các quy định tại Nghị quyết 193, đồng thời phải tạo được sự đột phá trong thể chế để thúc đẩy KH-CN, đổi mới sáng tạo.
Theo Chủ tịch QH, hiện tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu phát triển tại Việt Nam chỉ chiếm 0,44% GDP, còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Do đó, cần phải có cơ chế tài chính linh hoạt như quỹ đầu tư mạo hiểm; hỗ trợ vốn ban đầu cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; đơn giản hóa thủ tục thương mại hóa thành quả nghiên cứu, giảm rào cản hành chính để khuyến khích chuyển giao công nghệ.
Chủ tịch QH cũng góp ý cần hoàn thiện các quy định về việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho KH-CN, đổi mới sáng tạo. Chủ tịch QH đặc biệt nhấn mạnh việc tăng cường liên kết giữa nghiên cứu và thị trường, nhất là trong bối cảnh nhiều nghiên cứu khoa học chưa ứng dụng thực tiễn và thương mại hóa, dẫn đến lãng phí nguồn lực.
"Vừa qua, nhiều đề tài khoa học nghiên cứu nghiệm thu nhưng ứng dụng chưa được bao nhiêu, gây lãng phí rất lớn. Đây là vấn đề cần phải khắc phục", Chủ tịch QH nêu và đề nghị sắp tới cần có cơ chế khuyến khích đặt hàng nghiên cứu doanh nghiệp nhằm đảm bảo đề tài có tính thực tiễn cao, gắn với nhu cầu thị trường...
Phải học thêm vì kiến thức quá nặng?
Sáng cùng ngày, thảo luận về dự án luật Nhà giáo, nhiều ĐB tiếp tục dành sự quan tâm về vấn đề dạy thêm, học thêm. ĐB Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) dẫn thực tế nhiều học sinh tự nguyện ra trung tâm học thêm tiếng Anh hoặc các môn văn hóa khác, cho thấy học thêm xuất phát từ nhu cầu học tập của xã hội, của học sinh và phụ huynh, chứ không nên quy tất cả cho việc giáo viên ép buộc. Khi học sinh, gia đình có nhu cầu, giáo viên thì mong muốn có thêm thu nhập, họ sẽ chọn cách đi làm thêm là dạy thêm.
"Việc các giáo viên từ bỏ thời gian cho gia đình để làm thêm công việc liên quan đến chuyên môn và mang lại lợi ích, tăng thêm thu nhập, tôi nghĩ không có gì sai trái cả. Cái chúng ta cần chống là khía cạnh tiêu cực, lợi dụng chuyện này để ép buộc học sinh đi học thêm, khi đó sẽ gây ra những tác động tiêu cực khác", bà Thu nêu.
Theo nữ ĐB, quy định cấm ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức vốn đã được áp dụng từ trước đến nay, song không đạt hiệu quả. Rất nhiều hình thức dù không ép buộc nhưng học sinh vẫn phải học thêm, bởi lẽ chương trình học hiện nay đang gây áp lực rất lớn cho học sinh, nhất là bậc tiểu học.
Vì thế, dự thảo luật nên điều chỉnh từ cấm "ép buộc người học tham gia học thêm dưới mọi hình thức" thành cấm "tham gia dạy học thêm trái quy định của pháp luật". Đồng thời, có thể giao Chính phủ hoặc Bộ GD-ĐT xây dựng bộ quy chế dạy thêm, học thêm theo hướng công khai như các trung tâm và xây dựng các quy chế đặc thù để hạn chế việc dạy thêm, học thêm tự phát tràn lan, tránh lãng phí, không cần thiết.
ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng nút thắt của học thêm nằm ở chương trình dạy và khối lượng kiến thức. Nếu cách dạy ở trường giúp học sinh nắm được ngay kiến thức, thì về nhà chỉ cần "học thêm một ít nữa" là hiểu được bài, sẽ không có nhu cầu học thêm. Ngược lại, vì chưa nắm được kiến thức khi học ở trường, học sinh mới phải đi học thêm. "Vậy có phải là chương trình và lượng kiến thức nặng quá không? Vì nặng quá cho nên không hiểu được, mới đi học thêm?", ĐB Tám đặt câu hỏi, và đề nghị Bộ GD-ĐT rà soát lại chương trình dạy học và lượng kiến thức như hiện nay đã hợp lý hay chưa.