Tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú thông tin, đến thời điểm này, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới giải ngân được 1.344 tỷ đồng.
Đại diện phía ngân hàng thương mại Nhà nước, bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng này đã phê duyệt cho vay 11 dự án với số tiền là hơn 3.000 tỷ đồng và giải ngân được hơn 600 tỷ đồng. Theo bà Bình, ngân hàng cho vay lãi suất gần như không có lãi ở lĩnh vực này, nhưng tiến độ giải ngân gói tín dụng trên vẫn còn thấp.
Liên quan đến vấn đề giải ngân chậm, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Hà Thu Giang nhận định, danh mục nhà ở xã hội chưa được nhiều địa phương công bố. Tính đến nay, chỉ có 34/63 địa phương công bố danh mục. Trong số 78 dự án nhà ở xã hội đã được công bố, nhiều dự án không có nhu cầu vay vốn hoặc gặp vướng mắc về thủ tục pháp lý như giải phóng mặt bằng và khởi công, dẫn đến không đủ điều kiện vay vốn. Ngoài ra một số vướng mắc khác đến từ nhu cầu của các doanh nghiệp.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh: NHNN sẵn sàng tạo điều kiện cho các NHTM giải ngân tốt nhất, tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân gói 120.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ông Tú cho biết thêm, NHNN đang trình Chính phủ tăng cường ưu đãi cho chương trình này.
Theo đó, NHNN đề xuất giảm 3%/năm so với mức lãi suất vay thông thường thay vì chỉ giảm 2% như quy định hiện tại. Thời gian điều chỉnh lãi suất cho vay sẽ thay đổi 3 tháng/lần thay vì 6 tháng/lần, thời hạn vay ưu đãi kéo dài từ 3 năm lên thành 5 năm.
Mức lãi suất trong 5 năm tiếp theo vẫn tiếp tục được giảm tùy thuộc vào điều kiện của nền kinh tế thời điểm đó nhưng sẽ thấp hơn từ 1-2%/năm so với cho vay thông thường để tạo điều kiện, giúp người mua yên tâm để vay vốn. Riêng chính sách cho vay với chủ đầu tư được giữ nguyên như hiện tại.
Bên cạnh đề xuất cơ chế cởi mở hơn, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngoài 4 NHTM Nhà nước đang tham gia gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng, còn 4 NHTMCP khác cũng muốn tham gia gói này với quy mô vốn là 5 nghìn tỷ đồng/ ngân hàng. Như vậy có thể sẽ có thêm 20 nghìn tỷ đồng nâng quy mô gói cho vay ưu đãi này lên 140 nghìn tỷ đồng.
Vị lãnh đạo NHNN nhấn mạnh: NHNN hoàn toàn ủng hộ, tạo điều kiện và khuyến khích các NHTM bằng nguồn lực của mình tham gia vào chương trình hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Qua đó hỗ trợ người mua nhà, các nhà đầu tư xây dựng các khu dự án của nhà ở xã hội làm sao có thời gian vay vốn, cơ cấu nguồn vốn cũng như lãi suất một cách phù hợp nhất cho đối tượng này.
Song song với nỗ lực của NHNN và các NHTM Nhà nước, từ đầu năm tới nay, các ngân hàng thương mại tư nhân cũng giảm lãi suất hoặc đưa ra các gói lãi suất cho vay mua nhà ưu đãi hơn so với các khoản vay khác. Mặt bằng lãi suất cho vay mua nhà trong năm đầu tiên ưu đãi chỉ khoảng 5-7%/năm.
Đơn cử như mới đây, VIB tung ra gói lãi suất ưu đãi 5,9%/năm, 6,9% và 7,9%/năm, cố định trong thời gian tương ứng là 6 tháng,12 tháng và 24 tháng. Ngân hàng này còn miễn trả gốc trong vòng 5 năm.
Ngân hàng ACB cũng mới tung ra gói vay mua nhà 9,5%/năm, cố định trong suốt 5 năm đầu tiên. Khách hàng vay với thời gian vay lên đến 25 năm, phương thức trả nợ linh hoạt, có thể lựa chọn theo phương thức góp đều, hoặc góp bậc thang.
VPBank áp dụng lãi suất từ 4,6%/năm cố định trong 3 tháng, 5,9%/năm cố định trong 6 tháng; 6,8%/năm cố định trong 12 tháng; 7,8%/năm cố định trong 18 tháng hoặc 9,9%/năm cố định trong 24 tháng. Hết ưu đãi, lãi suất cho vay thả nổi.
BVBank hiện đang có lãi suất vay ngân hàng thấp nhất chỉ từ 5%/năm áp dụng cho các khoản vay mua, biên độ sau khi hết ưu đãi là 2%/năm.
Ngân hàng Wooribank cũng áp dụng gói lãi suất cố định năm đầu là 5,6%/năm. Lãi suất cố định 2 năm đầu là 6%/năm và cố định 3 năm là 6,4%/năm.