Năm Quý Mão 2023 đã đến, đây là năm được đánh giá là biểu thị cho sự khéo léo uyển chuyển nhưng cũng không kém phần quyết đoán, mang lại sự sung túc thành công.
Tuy nhiên năm 2023 cũng được dự báo sẽ vẫn còn những khó khăn và thách thức nhất định đến từ trong và ngoài nước. Chính vì vậy để đầu tư thành công trong năm Quý Mão không phải là một câu chuyện dễ dàng.
Chia sẻ tại Talkshow Phố Tài chính, ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán BIDV (BSC), cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có một khoảng thời gian không quá dài so với thị trường của các nước khác. Với hơn 20 năm hoạt động chúng ta mới chỉ trải qua một năm Mão trước đây là năm 2011.
"Năm đó lạm phát rất cao, xấp xỉ 20%, lãi suất cũng ở mức 18 – 20%. Ngoài ra tỷ giá cũng gia tăng và thực sự là một năm vô cùng khó khăn với toàn cầu và cực kỳ khó khăn với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán cũng có biến động rất lớn và mức độ suy giảm cuối năm khoảng 27%. Thời điểm bây giờ chúng ta cũng đang có những khó khăn nhất định như lạm phát cao khoảng 4,5% và vấn đề về tỷ giá, những khó khăn hơn nữa như thị trường trái phiếu hay thị trường bất động sản.
Nhưng điểm cần nhấn mạnh là tiềm lực kinh tế của Việt Nam so với cách đây 12 năm đã khác rất nhiều. Chúng ta có dự trữ ngoại hối tương đối tốt, tăng trưởng tích lũy của hơn 12 năm và nhất là mức độ linh hoạt từ những bài học đã trải qua giúp những người làm chính sách có kinh nghiệm hơn rất nhiều", ông Long chia sẻ.
Theo Giám đốc Phân tích BSC, năm 2011 thị trường tạo đáy và giai đoạn sau đó tăng điểm trở lại. Vì vậy năm nay cũng có thể sẽ xuất hiện những chuyển biến như vậy. Dù khó để có thể nói tất cả các ngành nghề sẽ đều diễn biến như nhau, chuyên gia đánh giá thời điểm hiện tại là thời điểm “trong nguy có cơ”, các nhà đầu tư cũng không nên quá bi quan.
Về cơ hội đầu tư, ông Long đánh giá cơ hội của năm 2023 có thể đến từ rất nhiều nguồn khác nhau. Theo báo cáo của BSC, đầu tư công sẽ được kích thích để giúp chúng ta đạt được tốc độ tăng trưởng tốt vào năm nay, tạo ra rất nhiều cơ hội cho các ngành liên quan như vật liệu xây dựng.
Yếu tố thứ hai là khi Trung Quốc phục hồi kinh tế, mức độ tiêu thụ của rất nhiều loại hàng hóa sẽ gia tăng chẳng hạn như năng lượng, lương thực thực phẩm.
Yếu tố thứ ba vẫn phải chờ đợi thêm, đó là dấu hiệu lạm phát có thể tiếp tục suy giảm ở các thị trường lớn cộng với tỷ giá trở nên ổn định và lãi suất của các ngân hàng trung ương có xu hướng tăng chậm dần và có thể giảm đi.
Mặt khác, chuyên gia cũng lưu ý đợt thị trường suy giảm vừa rồi những nhóm ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm có bất động sản, chứng khoán và thậm chí cả cổ phiếu ngân hàng. Những ngành này có thể sẽ bắt đầu phục hồi nhưng tất nhiên không phải cổ phiếu nào cũng sẽ phục hồi giống nhau.
Sau một năm rất khó khăn 2022, chuyên gia hy vọng nhiều nhà đầu tư đã học được những bài học quan trọng liên quan đến quản trị rủi ro và phân bổ đầu tư vào các kênh để không gặp phải tình trạng bị call margin hay “bỏ quá nhiều trứng vào một giỏ”.