"Người bệnh phải bán trâu, bò, gà, lợn để đi Hà Nội khám, nhưng khi về, ngoài ba đồng mua thuốc, lại phải chi bảy đồng cho thực phẩm chức năng, vì bác sĩ kê gì thì người bệnh thường phải cố mua cái đó", PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ bên lề Hội nghị Câu lạc bộ Giám đốc các bệnh viện phía Bắc tổ chức tại Hải Dương hai ngày, 18-19/4.
Ông Cơ nói tình trạng bác sĩ kê thêm hoặc tư vấn thực phẩm chức năng cho bệnh nhân đang góp phần tạo ra gánh nặng tài chính không cần thiết, đặc biệt với người dân từ vùng sâu vùng xa, điều kiện kinh tế còn khó khăn.
Bệnh viện Bạch Mai quy định cụ thể, bác sĩ không được kê đơn hay tư vấn thực phẩm chức năng, nhà thuốc trong bệnh viện cũng không kinh doanh mặt hàng này.
"Chủ trương này được triển khai nghiêm túc tại Bệnh viện Bạch Mai suốt ba năm qua. Nếu người dân phát hiện bác sĩ nào của bệnh viện kê thực phẩm chức năng thì phản ánh để chúng tôi xử lý", ông Cơ khẳng định.
Trong điều trị, thuốc và phương pháp điều trị mới là yếu tố then chốt. Bác sĩ có thể tư vấn thêm về chế độ dinh dưỡng hàng ngày, nhưng việc kê thực phẩm chức năng sẽ đẩy người bệnh vào thế bị động, phải chi tiền cho những sản phẩm hiệu quả chưa rõ ràng.

Một nhãn hiệu sữa bột giả. (Ảnh: VTV)
Ngày 17/4, Bộ Y tế có công văn yêu cầu các bệnh viện trên cả nước thông báo đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả người đã nghỉ hưu) về quy định không được quảng cáo thực phẩm và thực phẩm chức năng.
Đồng thời, các đơn vị cần rà soát, kiểm tra toàn bộ hoạt động liên quan đến quảng cáo, kê đơn, giới thiệu sản phẩm này trong phạm vi bệnh viện.
Rà soát việc sử dụng sữa giả trong bệnh viện
Bên lề Hội nghị Câu lạc bộ Giám đốc bệnh viện khu vực phía Bắc tổ chức tại Hải Dương, ngày 18-19/4, TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết thời gian qua, tình trạng sữa giả, thuốc giả diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Đáng lo ngại, một số sản phẩm sữa từ công ty bị điều tra vì sản xuất sữa giả xuất hiện trong bệnh viện và được sử dụng cho người bệnh.
“Chúng tôi đã yêu cầu các bệnh viện phải rà soát việc sử dụng sữa, làm rõ bắt đầu từ thời điểm nào, sử dụng cho nhóm nào, đảm bảo có thông tin cụ thể người đã dùng. Nếu phát sinh vấn đề sức khỏe liên quan đến sản phẩm sữa, cơ sở y tế có trách nhiệm tham mưu, tư vấn cho người bệnh”, ông Đức nói.
Liên quan trách nhiệm kê đơn, lãnh đạo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết Bộ Y tế đã ban hành quy chế rõ ràng. Trong trường hợp bác sĩ vi phạm quy định kê đơn, sẽ bị xử lý theo mức độ - từ hành chính đến hình sự nếu nghiêm trọng.
“Quan điểm của Bộ là xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không bao che sai phạm nếu được cơ quan chức năng phát hiện”, ông Đức nhấn mạnh.
Trước đó, một số bệnh viện sau khi rà soát phát hiện sản phẩm sữa của công ty bị điều tra về sản xuất sữa giả từng được lưu hành nội bộ. Các đơn vị này khẳng định đã thực hiện đầy đủ quy trình đấu thầu, và chủ động dừng tư vấn sản phẩm tại các khoa phòng ngay sau khi phát hiện nghi vấn. Số sữa đã nhập được thu hồi, trả lại nhà cung cấp.
Các bệnh viện này cho biết, nếu cơ quan chức năng kết luận sản phẩm là hàng giả, bệnh viện cũng là bên bị hại và sẽ đồng hành cùng người bệnh để đòi lại quyền lợi chính đáng.
Mới đây Bộ Công an thông tin đã triệt phá đường dây sản xuất, tiêu thụ 573 nhãn hiệu sữa bột giả các loại dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, phụ nữ mang thai, doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Theo quy định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố đủ căn cứ xác định là hàng giả. Từ hai doanh nghiệp chính là Rance Pharma và Hacofood Group, nhóm này đã lập thêm 9 công ty để sản xuất, phân phối sữa bột giả. Đường dây sản xuất sữa giả có hệ sinh thái phủ cả nước.
Hiện cơ quan điều tra chưa công bố danh sách 573 nhãn hiệu sữa giả. Bộ Y tế đang chờ báo cáo của 63 tỉnh thành tổng hợp danh sách "tự công bố sản phẩm" của hệ sinh thái trên, sau đó sẽ thông tin đầy đủ đến người dân.