Báo cáo tài chính quý 2/2021 mới được CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) công bố hôm nay nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới kinh doanh và đầu tư trong nước. Đó là con số lãi trước thuế quý 2/2021 đạt 69 tỷ đồng. Dù vẫn còn khá "khiêm tốn" so với thời thịnh vượng của doanh nghiệp này, nhưng đây là dấu cộng đầu tiên sau hàng loạt dấu trừ trên báo cáo tài chính 8 quý liên tiếp.
Trong giải trình từ HAGL, nếu bỏ qua lãi từ thanh lý các khoản đầu tư vào nhóm các công ty HAGL Agrico đã bán cho Thaco và chi phí lãi vay giảm, thì thông tin được quan tâm đặc biệt là khoản lợi nhuận gộp đến nhờ việc bán các sản phẩm từ ngành chăn nuôi heo. Theo đó, doanh thu từ bán heo là 190 tỷ đồng, lãi gộp 94 tỷ đồng, tức là hiệu suất lợi nhuận gộp từ bán heo lên tới 50%, cao hơn rất nhiều so với mảng trái cây là 22% (doanh thu từ trái cây là 189 tỷ đồng, lãi gộp 42 tỷ đồng).
Tại sao bầu Đức chọn nuôi heo?
Quyết định nuôi heo của bầu Đức được đưa ra trong bối cảnh thị trường thịt heo tăng trưởng rất nóng cách đây 1 năm.
Cùng nhớ lại thời điểm nửa đầu năm 2020. Chỉ trong khoảng nửa năm, giá thịt heo hơi trên thị trường tăng tới 84%, diễn biến bất thường này giúp các doanh nghiệp chăn nuôi heo hưởng lợi lớn.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp Đỗ Thắng Hải, cả nước hiện có gần 20 doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi heo, có thị phần lớn chiếm 35%. "Chúng tôi có đoàn kiểm tra, các doanh nghiệp không vi phạm chuyện thống lĩnh thị trường nhưng họ có ảnh hưởng lớn. Ví dụ doanh nghiệp cổ phần của Thái Lan lớn nhất chiếm gần 20% thị phần toàn quốc (19,1%), gấp 15 lần thị phần Dabaco, 6 lần thị phần CJ Hàn Quốc", ông Hải cho biết.
Doanh nghiệp Thái Lan mà mà ông Hải nhắc đến là C.P Vietnam, hiện là đơn vị có quy mô áp đảo tại thị trường chăn nuôi heo trong nước. Trong báo cáo nửa đầu năm của C.P Group cho thấy giá thịt heo tăng 84% kể từ đầu năm đã giúp cho doanh thu C.P Việt Nam tăng mạnh 35% đạt 52,49 tỷ THB (gần 39.000 tỷ đồng).
Các doanh nghiệp nội khác như Dabaco, Hòa Phát, Mitraco hay Dolico... cũng ghi nhận kết quả đầu năm 2020 cao đột biến, thu lãi quý 1/2020 đã gần bằng cả năm 2019. Trong quý 1/2020, Dabaco ghi nhận doanh thu tăng 41% lên 2.387 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 349 tỷ đồng, gấp 17 lần cùng kỳ năm 2019. Công ty Chăn nuôi Mitraco chuyển từ lỗ cùng kỳ sang có lãi hơn 22 tỉ đồng. Hòa Phát cũng lãi hơn 480 tỷ đồng từ mảng nông nghiệp, gấp hơn 5 lần cùng kỳ 2019.
Việc tăng giá thịt heo đột ngột đến từ việc khan hiếm nguồn cung heo đàn trong năm 2019. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, số lượng đàn heo năm 2019 so với năm 2018 giảm 21%, nhưng theo báo cáo từ địa phương, sản lượng heo có thể giảm trên 50%. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch tả châu Phi, nhiều tỉnh chưa công bố hết dịch, nên nông dân chưa yên tâm khi tái đàn, do lo ngại heo có thể bị chết. Hơn nữa, nhiều gia đình gặp khó khăn về nguồn vốn tái đàn, trong khi giống rất đắt có khi lên tới hơn 3 triệu đồng/heo giống.
Nguồn cung trong nước khan hiếm, nhưng đến hết tháng 4/2020 theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng heo nhập về mới đạt 45.000 tấn, thấp hơn nhiều so với con số 100.000 tấn được Chính phủ giao. Vì vậy Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phải tập trung tái đàn, phối hợp Bộ Công Thương, các bộ ngành khác trong việc tăng cường nhập heo. Hiện các doanh nghiệp lớn chiếm 35% thị phần, 65% còn lại do các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cung cấp, trong khi các hộ này gặp khó khăn, nguồn cung thiếu lại càng thiếu.
Trong nửa đầu năm 2020, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ước tính đàn lợn còn khoảng 25 triệu con, bằng 81% tổng đàn heo trước dịch tả châu Phi và sản lượng thịt heo hơi giảm 8% xuống 1,7 triệu tấn. Nguồn cung giảm khiến giá heo hơi cao và cán mốc trên 100.000 đồng/kg. Bên cạnh việc đẩy mạnh tái đàn, cả nước còn nhập khẩu trên 70.000 tấn thịt heo (tăng 300%) và cho phép nhập khẩu heo sống từ Thái Lan về để hạ giá bán trong nước.
Thương vụ mua lại công ty chăn nuôi trâu bò, chuyển đổi cổ phần từ một khoản vay nợ
Trước những diễn biến nóng từ thị trường thịt heo đầu năm 2020, một đại gia nông nghiệp như bầu Đức khó có thể làm ngơ, dù lúc đó HAGL của ông vẫn đang loay hoay trong vũng lầy nợ nần và thua lỗ.
Tháng 6/2020, trong tài liệu Đại hội cổ đông thường niên năm 2020, HĐQT HAGL dự trình ĐHCĐ về việc chuyển đổi số dư nợ cho vay và nợ phải thu từ CTCP Chăn nuôi Gia Lai thành vốn góp cổ phần.
Theo số liệu trên báo cáo tài chính của HAGL, tại thời điểm 31/3/2020, HAGL ghi nhận khoản phải thu ngắn hạn hơn 38,6 tỷ đồng từ CTCP Chăn nuôi Gia Lai. Ngoài ra, còn có các khoản hơn 1.252 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn, hơn 4.163 tỷ đồng phải thu về cho vay dài hạn và gần 84 tỉ đồng khoản người mua trả tiền trước ngắn hạn (ứng trước tiền mua hàng hóa) liên quan đến CTCP Chăn nuôi Gia Lai.
Động thái chuyển đổi của nợ cho vay và phải thu từ Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai thành vốn góp cổ phần là bước đi đầu tiên của bầu Đức khi tham gia vào lĩnh vực nuôi heo.
Việc mua lại CTCP Chăn nuôi Gia Lai được tiến hành dựa trên 3 nguyên tắc và mục tiêu. Cụ thể, Hoàng Anh Gia Lai cho biết sẽ tái cấu trúc tài chính Công ty Cổ phần Chăn nuôi Gia Lai theo hướng tăng vốn, giảm nợ, giảm áp lực chi phí lãi vay, chuyển từ tình trạng thua lỗ sang có lãi trong thời gian sớm nhất.
Chuyển đổi công ty chăn nuôi thành công ty con để tham gia điều hành, tái cấu trúc bộ máy quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Đồng thời, hướng đến nâng cao chất lượng báo cáo tài chính của Hoàng Anh Gia Lai, tránh xung đột lợi ích trong kinh doanh và quản trị của Tập đoàn.
Được biết, CTCP Chăn nuôi Gia Lai thành lập năm 2014, chuyên về hoạt động dịch vụ nông nghiệp, với thế mạnh chính là chăn nuôi trâu, bò (bò thịt và bò sữa). Ngày 15/6/2020, tức chỉ ngay trước khi trở thành công ty con của HAGL, CTCP chăn nuôi Gia Lai liền đăng ký thêm ngành nghề chăn nuôi heo.
Trong báo cáo tài chính quý 4/2020, HAGL công bố doanh thu bán heo đạt 122 tỉ đồng, chiếm 13% tổng doanh thu và đứng thứ 4 trong nhóm doanh thu mang lại dòng tiền nhiều nhất cho công ty. Lãi gộp nuôi heo quý này đạt 7 tỷ đồng. Trong quý tiếp theo, tức quý 1/2021, con số đã khả quan hơn, với lãi gộp từ nuôi heo đạt 17 tỷ đồng. Và trong quý gần nhất - quý 2/2021, con heo đã mang về lãi gộp 94 tỷ đồng trên doanh thu 190 tỷ đồng, tức hiệu suất lợi nhuận gộp lên tới 50%.
Chỉ sau 1 năm, con heo đã giúp HAGL có lãi sau tới 8 quý thua lỗ triền miên, điều mà rất ít xảy ra với các sản phẩm nông nghiệp từng được bầu Đức đầu tư. Có lẽ, chăn nuôi heo sẽ là "chiếc cọc" mới của doanh nhân phố núi trong cuộc bể dâu mang tên nông nghiệp suốt 10 năm qua?