Doanh nhân

Chuyên gia nhận định vụ khách hàng mua 19 bảo hiểm: Nếu muốn chữa bệnh thì chỉ cần trục lợi vài trăm triệu đồng, có lẽ người này muốn làm giàu!

Mới đây, vụ việc một khách hàng mua 19 hợp đồng bảo hiểm sau khi nghi ngờ bị ung thư đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận. Sự việc bắt đầu công khai sau khi Hiệp hội Bảo hiểm (IAV) gửi công văn tố giác khách hàng N.V.Khánh (Hải Phòng) lên Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công An.

"Chúng tôi có những bằng chứng cho thấy N.V.Khánh đã biết trước mình bị K tuyến giáp (vì trước đó Khánh giả danh xưng tên là "Khanh" đã đến khám tại khoa bệnh dịch vụ Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội, tại đây cho kết quả Khánh bị K tuyến giáp). Ngay sau đó chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020) Khánh che dấu việc mình đã bị bệnh để mua 19 hợp đồng bảo hiểm sức khoẻ mức cao nhất (theo đó, mỗi năm Khánh phải đóng trên 200 triệu đồng tiền phí bảo hiểm) tại 13 doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm khi đã hợp pháp hoá hồ sơ bệnh án bằng cách đi khám và điều trị tại bệnh viện K Hà Nội", văn bản nêu rõ.

Trong 13 công ty bảo hiểm có cả nhân thọ và phi nhân thọ như Bảo hiểm Bảo Việt, Liberty, VBI, Prudential, Dai-ichi, Aviva, MB Ageas, Cathay, Generali. Sau khi mua bảo hiểm hơn 3 tháng, người này đã được Prudential, MB Ageas, Bảo hiểm Bảo Việt và VBI chi trả số tiền bảo hiểm gần 4 tỷ đồng. IAV cho rằng nếu không kịp thời điều tra làm rõ và ngăn chặn hành vi gian dối, trục lợi của khách hàng thì các công ty bảo hiểm còn lại sẽ phải tiếp tục chi trả số tiền bảo hiểm ước tính lên tới 20 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Lê Thanh Toàn – người đã có 20 năm làm trong ngành bảo hiểm, kiêm qua nhiều vị trí quản lý tại Prudential Việt Nam, AIA Exchange Nha Trang, Chubb Limited Việt Nam, Dai-ichi Life Việt Nam cho rằng: "Trong trường hợp này, để khẳng định khách hàng có sai hay không, thì tôi, bạn và cả Hiệp hội đều chưa thể khẳng định mà cần chờ vào kết luận cuối cùng của cơ quan công an".

Chuyên gia nhận định vụ khách hàng mua 19 bảo hiểm sau khi nghi ngờ bị ung thư: Nếu muốn chữa bệnh thì chỉ cần trục lời vài trăm triệu đồng, có lẽ người này muốn làm giàu! - Ảnh 1.
Chuyên gia Phan Lê Thanh Toàn

Tuy nhiên ông Toàn cho rằng: “Có thể thấy, bạn khách hàng này có hiểu biết về pháp luật cũng như hiểu rõ về các điều khoản bảo hiểm. Ngay việc thay đổi tên khi khám bệnh đã cho thấy khách hàng có ý đồ rồi. Trên thực tế, trong các loại bệnh ung thư thì một số loại có thể trì hoãn được. Còn hợp đồng bảo hiểm lại có điều khoản loại trừ là 90 ngày đối với bệnh hiểm nghèo, vì thế mà vô tình tạo ra kẽ hở để khách hàng trì hoãn sau 90 ngày hợp đồng có hiệu lực rồi mới làm thanh toán.

Thường không ai muốn trục lợi đâu, người ta phải lâm vào tỉnh cảnh nào hoặc có lý do bức bách thì mới làm vậy. Với anh khách hàng này, nếu chỉ để kiếm tiền chi phí trả bảo hiểm thì người ta chỉ trục lợi một vài trăm triệu đồng hoặc cùng lắm là 1 tỷ thôi. Nhưng người này đã nhận được số tiền lớn như thế thì có lẽ anh ấy muốn làm giàu".

Về tình trạng trục lợi bảo hiểm, ông Phan Lê Thanh Toàn nhận định đây không phải chuyện hiếm, tại Việt Nam và trên thế giới, gây thiệt hại hàng tỷ USD cho ngành bảo hiểm mỗi năm.

Việc quản lý và phòng ngừa nguy cơ trục lợi từ khách hàng cũng rất khó khăn. "Bởi trong quá trình thẩm định, khách hàng khai báo như thế nào thì chúng tôi phải tôn trọng những điều đó. Với ung thư tuyến giáp thì mắt thường khó mà nhận ra được. Chỉ khi nào khách hàng khai báo đau ốm, bệnh tật gì đó thì công ty bảo hiểm mới yêu cầu đi khám để xác định tình trạng thực tế ra sao, từ đó tính chuẩn phí cho khách hàng và công ty. Hoặc trường hợp khách mua số tiền bảo hiểm lớn quá, hay trong quá trình thẩm định hồ sơ sức khoẻ ngẫu nhiên của các khách hàng thì mới phát hiện ra", vị chuyên gia này giải thích.

Trong trường hợp này, ông Phan Lê Thanh Toàn cho rằng hãy để cho các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ của họ và đợi kết luận cuối cùng từ các cơ quan chức năng.

"Cũng qua sự việc này, chúng ta cũng thấy được sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng để đảm bảo sự công bằng cho các bên: khách hàng, hãng bảo hiểm và đại đa số khách hàng trung thực và tử tế. Việc trục lợi bảo hiểm nếu không có cách hạn chế tối đa sẽ làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty bảo hiểm và tất nhiên việc này cũng sẽ ảnh hưởng đến việc chia lợi nhuận cho đại đã số khách hàng trung thực tuyệt đối và tử tế".

Cùng chuyên mục

Đọc thêm