Tôi là một phụ nữ độc thân, 32 tuổi. Tốt nghiệp chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Singapore, tôi trở về nước và "đầu quân" cho một tập đoàn nước ngoài với lương tháng xấp xỉ 50 triệu đồng. Sống giữa Sài Gòn hoa lệ, mức lương 50 triệu đồng mỗi tháng là khá cao so với một cô nàng độc thân trẻ tuổi, nếu chi tiêu khéo léo, sau khi trừ đi tất cả các khoản tiền như tiền thuê nhà, sinh hoạt phí… tôi có thể để dành ra được một số tiền kha khá.
Thế nhưng suốt 10 năm đi làm, tài sản lớn nhất của tôi lại chỉ là… tủ quần áo toàn đồ hiệu. Năm 2019, khi dịch bệnh hoành hành dữ dội trên toàn cầu, tập đoàn đa quốc gia nơi tôi làm việc đã nhanh chóng chuyển sang chế độ work from home.
Thời gian đầu, khi nhận được thông tin này, tôi rất buồn vì biết mình phải tạm "chia tay" văn phòng thuộc dạng sang chảnh nhất thành phố, có view nhìn ra toàn cảnh sông Sài Gòn, điều hoà mát lạnh, mini bar và khu vực giải trí cực kì đáng yêu để chuyển về làm việc tại nhà – căn hộ dành cho một người ở bé tẹo nằm trong một chung cư mini nhỏ nhắn phía ngoại ô Sài thành.
Đi làm để kiếm tiền hay đi làm để tiêu tiền?
Những ngày đầu tiên thực hiện chính sách của tập đoàn, tôi hụt hẫng khá nhiều. Từ chỗ ngày nào cũng được ăn mặc đẹp, trang điểm kĩ càng và lên đường "lượn" nửa vòng thành phố để đến nơi làm việc, gặp gỡ đồng nghiệp dễ thương… bây giờ, tôi lại phải ru rú ở nhà cả ngày, phần lớn thời gian đều "dán mắt" vào màn hình máy tính tẻ nhạt. Chỉ có một mình trong căn hộ, một ngày của tôi dường như kéo dài đến vô tận; từng phút giây trôi qua thật chậm chạp và thừa thãi. Đã nhiều ngày tôi phải "ôm" laptop ra quán cà phê ngồi làm việc để đỡ buồn, nhưng những đợt giãn cách xã hội đã khiến niềm vui nhỏ bé của tôi nhanh chóng bị dập tắt.
Những tháng ngày triền miên ở nhà bắt đầu, nhưng thay vì sự buồn tẻ, khổ sở ban đầu, cuối cùng, tôi chợt phát hiện ra một điều rằng, làm việc ở nhà hoá ra cũng là một cái lợi, thậm chí nó có thể khiến tôi trở nên giàu có hơn rất rất nhiều so với thời gian đi làm theo cách bình thường.
Vốn quê Mỹ Tho lên Sài Gòn sinh sống nên bạn bè của tôi phần lớn đều là đồng nghiệp trong công ty. Không phải đi làm cũng đồng nghĩa với việc chẳng có cơ hội để gặp gỡ bạn bè nhiều. Công việc của tôi cũng khá bận, giờ làm việc linh động không giới hạn trong phạm vi "giờ hành chính" như nhiều công việc khác, bởi vậy, việc trực máy tính hằng ngày, hằng giờ là rất quan trọng; điều đó khiến cho tôi chẳng có nhiêifu thời gian để ra khỏi nhà.
Khi làm việc ở nhà, ngoài việc phải chi trả một khoản tiền điện "vượt trội" so với bình thường bởi bật điều hoà, lọc không khí và sử dụng điện chiếu sáng, máy tính 24/7, thì tôi tiết kiệm được rất rất nhiều tiền từ các khoản chi tiêu khác.
Nếu như trước đây, khi còn tới công ty, mỗi ngày tôi lại mất hàng giờ đứng trước tủ quần áo để lựa xem hôm nay sẽ mặc đồ gì, và nhất định phải là "mỗi ngày một mốt". Tất nhiên, quần áo thì phải "bắt trend" nên tôi tốn khá nhiều tiền vào việc mua sắm. Trung bình cứ 2 tuần tôi lại đi shopping một lần, bên cạnh quần áo thời thượng, tôi còn phải dày công chọn lựa cả phụ kiện các loại như túi xách, trang sức, giày dép… để phối hợp cùng. Các chị em trong công ty đều chuộng đồ của các hãng thời trang tên tuổi như Hermes, Gucci, Chanel… nên tôi nhất định không thể "thua chị kém em". Đi làm cũng đồng nghĩa với việc phải trang điểm hàng ngày và cực kì tốn tiền cho mĩ phẩm, đặc biệt là son, các loại kem chống nắng, và cả các loại skin care đang thịnh hành nữa!
Cùng với việc phục sức và làm đẹp, tôi còn tốn khá nhiều tiền xăng xe cho việc di chuyển nửa vòng thành phố để đến trụ sở làm việc. Nhưng chưa hết, đi làm nghĩa là bạn phải giao lưu cùng đồng nghiệp, tham gia các buổi party cuối ngày (thường được tổ chức trong các bar, pub nổi tiếng đắt đỏ dành cho giới trẻ). Công việc khá căng thẳng và đòi hỏi hiệu suất làm việc cao, nên hầu như tuần nào chúng tôi cũng phải "xả stress" 1 đến 2 lần tại khu phố Tây Bùi Viện.
Tuy nhiên, chẳng cần chờ đến giờ tan sở, ngay trong lúc làm việc, "hội chị em" trong công ty ngày nào cũng rủ nhau order đồ ăn vặt: khi thì trà sữa Phúc Long, khi lại cà phê Starbuck, bánh ngọt các loại… Các loại đồ ăn vặt này so với lương tháng thuộc hàng "khủng" của chúng tôi thì đúng là chẳng thấm vào đâu, nhưng nếu như ngày nào cũng chi khoảng 150.000 – 200.000 đồng cho chúng thì cũng là một số tiền đáng kể.
Làm việc ở nhà nghĩa là chỉ cần "thu" mà không cần "chi"
Cho tới khi work form home được 3 tháng, tôi mới bàng hoàng nhận ra mình đã tiết kiệm được số tiền "khủng" đến thế nào. Làm việc ở nhà tức là sẽ bớt được tiền xăng xe; chẳng gặp ai nên cũng không cần trang điểm, hơn nữa, ra ngoài cũng phải đeo khẩu trang kín mít nên đỡ hẳn khoản tiền sắm son phấn mới; da dẻ không bị lớp trang điểm làm cho bí bách cũng sáng đẹp hẳn lên, tiền skin care vì thế mà cũng giảm hẳn. Trừ lúc bắt buộc phải ra ngoài mua đồ ăn, phần lớn thời gian của tôi là ở nhà. Mà đã ở nhà thì cũng chẳng cần chạy theo mốt này mốt nọ, cứ mỗi ngày một bộ pijama là đã siêu thoải mái; bởi vậy, khoản tiền lớn dành cho việc mua sắm quần áo mỗi tháng cũng trở thành tiền tiết kiệm.
Không đến công ty cũng đồng nghĩa với việc không tụ tập cùng đồng nghiệp, không party, không bar, pub và cả không ăn vặt. Những khoản tiền vốn bị coi là nhỏ nhặt, vụn vặn khi được tích lại cũng trở thành một con số đáng ngạc nhiên. Vì ở một mình nên tôi ăn uống cũng rất đơn giản, nhiều khi "2 bữa dồn 1" nên tiền ăn hàng ngày cũng chẳng đáng là bao.
Cứ thế, mỗi tháng tôi chỉ chi khoảng 7- 8 triệu cho tiền thuê nhà, điện, nước; 5 triệu tiền ăn (hoặc hơn một chút) và 1 triệu tiền mua sắm lặt vặt. Lương tháng gần 50 triệu của tôi đã được giữ lại tới ¾ và chỉ sau 3 tháng, tôi chợt nhận ra mình "giàu" đến không tưởng. Tuy nhiên, đây vẫn là mức chi tiêu khá "xông xênh", nên tôi nghĩ rằng mình vẫn có thể cắt giảm hơn nữa để tiến tới việc "thu" càng nhiều mà "chi" càng ít là tốt nhất; có thể bắt đầu từ việc thắt chặt hơn nữa sử dụng điện, nước và tìm nguồn cung thực phẩm với giá rẻ hơn, như là "đồ quê tiếp tế" chẳng hạn…
Nỗi buồn chán của việc giãn cách xã hội và work form home bỗng nhiên trở thành niềm vui sướng khi thấy mình thật ra đã tiết kiệm được quá nhiều tiền, nhiều nhất trong "lịch sử" bao nhiêu năm đi làm; và nó đã thành động lực để tôi tìm cách chi tiêu tiết kiệm hơn nữa, tích cóp được nhiều tiền hơn nữa. Theo đà đó, chỉ sau 2 năm làm việc ở nhà, tôi đã có được số tiền lên tới gần 1 tỉ đồng tiết kiệm, nhiều đến nỗi trong mơ cũng chẳng bao giờ nghĩ tới. Trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chẳng biết bao giờ mới được quay trở lại công sở làm việc, tôi đã nghĩ tới chuyện sẽ làm những "việc lớn" như mua nhà ở Sài Gòn, đi du lịch châu Âu ngay khi hết dịch, sắm ô tô… với niềm tin rằng tất cả những thứ vốn tưởng rằng xa vời này có thể nằm ngay trong tầm tay nếu tôi biết cách cắt giảm chi tiêu như hiện tại.