Quản trị

5 đặc điểm xây dựng nên hình ảnh của một nhà lãnh đạo tồi, sếp bạn có sở hữu điểm nào không?

Theo một báo cáo cho biết, có đến 2/3 số người được khảo sát đã từng hoặc gần đây gặp phải một nhà lãnh đạo tồi.

Điều thú vị hơn nữa: Đó là rất ít người sếp tồi chịu thừa nhận mình thực sự kém cỏi. Họ thực hiện mọi công việc một cách mù quáng, giống như một con Godzilla bị bịt mắt đá bay mọi thứ. Điều này khiến cho những nhân viên có năng lực luôn muốn tránh xa họ.

Tại sao lại có nhiều người sếp tồi? Rất đơn giản! Họ trở thành sếp nhờ có thành tích cao ở các vị trí trước đây. Tuy nhiên, điều này lại không chứng minh được họ sẽ trở thành một người quản lý thực thụ. Bạn có thể là một lập trình viên tuyệt vời, nhưng chưa chắc bạn đủ giỏi để có thể lãnh đạo một nhóm lập trình viên.

Nếu để mô tả hình ảnh tiêu biểu của một người lãnh đạo tồi, anh ta sẽ là sự kết hợp của 5 mẫu người tồi tệ sau đây (vui lòng hoán đổi thành "cô ta" nếu là nữ).

Thứ nhất, anh ta không có đủ năng lực đối với công việc bạn đang làm.

Trong quân đội, có một câu ngạn ngữ cổ khá hay: "Một người lính không muốn cố gắng trở thành một vị tướng, thì không phải là một người lính tốt."

Câu nói này thể hiện tầm quan trọng của việc sống có mục tiêu và niềm đam mê. Trong quân đội, câu nói này mang một ý nghĩa sâu sắc hơn: Rất khó để bạn tìm được một vị tướng mà chưa từng nằm trong vùng chiến đấu, và không một ai tự dưng lại đạt được quân hàm 4 sao. Tất cả đều phải chứng minh thực lực của bản thân khi còn là sĩ quan cấp dưới. Và mỗi tướng hoặc đô đốc đều sẽ có kiến ​​thức sâu rộng về lĩnh vực và chuyên môn của họ.

Trong các lĩnh vực khác sẽ có những thức khác biệt hơn.

Ví dụ, tôi đã từng làm việc với một số đối tác lớn cho công ty của mình. Một đại diện của Verizon đã không thể trả lời được bất cứ một câu hỏi nào về kỹ thuật mà tôi đã hỏi anh ta. Tôi bắt đầu nghi ngờ, liệu anh ta có thể đánh vần được từ Verizon không nếu được hỏi. Anh ta trì hoãn và không biết rõ về bất cứ thứ gì. Có thể nói, cấp dưới của anh ta còn chẳng thèm quan tâm gì đến anh ta trong suốt cuộc gặp của chúng tôi. Mặc dù họ không thể hiện ra ngoài, nhưng rõ ràng sự thật là như vậy!

Điều đáng nói là bạn vẫn có thể làm việc dưới quyền của một người thực sự không biết họ đang làm gì hoặc bạn đang làm gì ở cấp độ chuyên môn.

Có một nhận định cho rằng: "Mọi người thường có xu hướng phát triển bản thân đến một vị trí công việc nhất định mà không cần có quá nhiều năng lực chuyên môn hoặc kinh nghiệm gì về công việc đó."

Thứ hai, người lãnh đạo quản lý quá khắt khe.

Một người lãnh đạo quá khắt khe luôn khiến bạn cảm thấy bản thân không đủ uy tín và năng lực. Họ thường là những người làm việc trong trạng thái căng thẳng, nghiêm túc và quá cầu toàn. Tuy nhiên, việc điều hành mọi thứ quá chi tiết như vậy sẽ khiến cấp dưới cảm thấy rất áp lực và mất tinh thần làm việc.

Tôi từng có một ông sếp. Sau khi gửi email cho tôi trong thời gian chưa đầy 5 phút, ông đi ngang qua phòng làm việc của tôi và hỏi: "Này, cậu nhận email của tôi chưa?". Ông luôn muốn tôi phải nắm rõ mọi thông tin trên từng dòng email mà ông gửi, tất cả là 50 email mỗi ngày. Cảm giác của tôi lúc đó như đang bị phụ huynh theo dõi mình vậy! Mọi công việc từ những việc nhỏ nhất, tôi đều được nhắc nhở: "Này, bạn đã làm … xong chưa?"

"Vâng thưa sếp! Tôi đã hoàn thành nó. Tôi luôn hoàn thành công việc được giao!"

Vấn đề lớn nhất với những nhà quản lý tồi là họ không làm chủ được việc điều hành của mình và luôn giám sát nhân viên. Một số giám đốc điều hành thậm chí còn không biết rằng cách làm việc của họ giống như một tên bạo chúa đang lộng hành, mê muội, và đang nghiền nát người dân của họ thành cát bụi.

Dấu hiệu rõ ràng nhất của một nhà quản lý giỏi chính là không cần phải xuất hiện quá nhiều, nhưng cấp dưới vẫn hoàn thành tốt công việc và kính nể họ.

5 đặc điểm xây dựng nên hình ảnh của một nhà lãnh đạo tồi. - Ảnh 1.

Thứ ba, luôn đặt ra những nhiệm vụ bất khả thi

Điều này thật sự rất khó chịu! Bạn tôi là một nhân viên rất giỏi. Anh là một trong những người thường rời khỏi chỗ làm muộn nhất. Bạn tôi làm việc không thua kém bất kỳ ai, cả những nhân viên năng động và trẻ tuổi hơn. Nhưng sếp của anh là một người quản lý mới, không đủ năng lực và vô cùng thiếu suy nghĩ. Ông đặt ra những tiêu chuẩn hoàn toàn điên rồ (bạn tôi đã cho tôi xem email). Ví dụ, bạn tôi đã hoàn thành một bản báo cáo 25 trang khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, anh vẫn bị sếp phê bình nặng nề chỉ vì một lỗi đánh máy nhỏ ở trang số 19.

Báo cáo này chỉ là một đề án mang tính bổ sung, không bắt buộc phải thực hiện, cũng không phải dự án thực hiện cho khách hàng. Tuy nhiên, nó vẫn thể hiện rằng bạn tôi đã làm việc rất cẩn thận và nhiệt tình. Anh luôn muốn thực hiện công việc một cách hoàn chỉnh nhất, cho dù đó là việc không cần thiết. Và sếp của anh thường là người tan làm đầu tiên.

Bản báo cáo đó là bản cuối cùng mà anh thực hiện. Anh là người luôn gặt hái được sự thăng tiến trong các công việc mà anh từng làm. Tuy nhiên, chỉ trong vòng bốn tháng sau khi làm việc cùng người quản lý mới này, anh đã quyết định nghỉ việc và chuyển đến làm việc tại một công ty mới. Tại đây, anh được thăng chức hai lần và hiện là Phó chủ tịch cấp cao.

Những nhân viên tồi bị sa thải so với những nhân viên tốt phải nghỉ việc do không nhận được sự hỗ trợ cần thiết trong công việc luôn có một sự khác biệt rất lớn.

Thứ tư, đối xử không công bằng, bất bình đẳng

Bạn đang làm việc trong môi trường văn phòng, và sếp của bạn liên tục la mắng cấp dưới và giục nhân viên phải làm việc nhanh hơn. Bạn tự hỏi: "Liệu anh đang làm việc hay đang gây mưa làm gió vậy Normandy?"

Đột nhiên, cấp trên của anh ta bước vào. Anh ta lập tức trở mặt, lấy trứng cá muối và rượu vang, vui vẻ mời chào sếp: "Xin chào ông Smith! Tôi rất vui khi gặp ông hôm nay! Tôi mời ông một ly được không?"

Những nhà lãnh đạo có đặc điểm này thường chỉ ưu ái các nhân viên mà họ thích. Họ thậm chí sẽ đưa nhân viên yêu thích của mình đi ăn trưa và pha trò, cười giòn giã vui vẻ. Ngược lại, họ sẽ thay đổi thái độ ngay lập tức với những nhân viên khác.

Thứ năm, người lãnh đạo có cái tôi quá lớn

Một thực tế đáng lo ngại là "cái tôi" của một số người lãnh đạo khá lớn. Xu hướng này dần trở nên phổ biến hơn do ngày càng có nhiều người luôn muốn xây dựng văn hóa làm việc đầy sự tự tôn. Xu hướng này cũng ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ thông qua các phương tiện truyền thông xã hội.

Theo kinh nghiệm của tôi, tôi thấy điều này rất đúng. Những người có vị trí cao trong hội đồng quản trị thường có cái tôi rất lớn. Họ hiếm khi thừa nhận việc mình mắc lỗi và luôn tìm cách xoay chuyển nó (thường là đẩy trách nhiệm qua cho người khác). Họ thường tự đề cao mình và luôn nghĩ cho bản thân đầu tiên. Biểu hiện này thường rất phổ biến trong môi trường làm việc tại các doanh nghiệp. Chẳng có gì bất ngờ khi số lượng "những CEO có cái tôi quá lớn" có tỷ lệ lên đến 29%. Và đó là một đặc điểm tiêu biểu của một người lãnh đạo tồi.

Tóm tắt các đặc điểm của một nhà lãnh đạo tồi:

1. Không đủ năng lực trong các công việc thực tế mà mình đang quản lý. Họ không hiểu những gì bạn đang làm hoặc có tầm nhìn hạn hẹp.

2. Luôn kiểm soát bạn quá chặt chẽ, khiến bạn cảm thấy mình luôn kém cỏi cho dù bạn có làm việc tốt đến mức nào đi nữa.

3. Đặt ra những nhiệm vụ, yêu cầu bất khả thi và bắt bạn phải thực hiện vào bất kỳ lúc nào họ muốn.

4. Không đối xử bình đẳng với mọi người. Đối xử tồi tệ, khắt khe, nặng tay với nhân viên cấp dưới. Trong khi đó, họ lại đối xử hoàn toàn ngược lại với cấp trên.

5. Có một cái tôi quá lớn và làm bất cứ điều gì chỉ để tốt cho bản thân.

Hãy cố gắng tránh khỏi 5 đặc điểm trên nếu bạn muốn trở thành một nhà lãnh đạo tốt!

Có một nhận định rất ý nghĩa rằng: "Nhân viên không từ bỏ công việc của họ, họ chỉ rời bỏ những người lãnh đạo tồi."

Cùng chuyên mục

Đọc thêm