Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, giao dịch lâu nay vẫn tập trung chủ yếu trên các cổ phiếu tài chính, bất động sản hay hàng hóa cơ bản. Vì thế, không bất ngờ khi những câu chuyện, chủ đề đầu tư trên các diễn đàn thường xoay quanh các nhóm ngành này. Tuy nhiên, xu hướng đang có sự thay đổi khi các nhóm ngành này phải đối mặt với một số thách thức, cùng với đó là sự xuất hiện của những "làn gió mới" như công nghệ - viễn thông và bán lẻ.
Dù không có nhiều lựa chọn trên sàn nhưng đa phần các cổ phiếu tiêu biểu nhóm công nghệ - viễn thông (FPT, FOX, CMG) và bán lẻ (MWG, FRT, PNJ) đều đang gây ấn tượng mạnh. FPT, FOX, FRT, CMG đều đang trên vùng giá cao nhất mọi thời đại trong khi PNJ cũng chỉ cách đỉnh đôi chút. Cổ phiếu MWG dù còn xa đỉnh lịch sử nhưng cũng đã hồi phục mạnh thời gian qua lên vùng giá cao nhất 19 tháng.
Những cổ phiếu trên thực tế không phải là cái tên mới trên thị trường chứng khoán nhưng thường ít được chú ý trong giai đoạn thị trường tăng nóng cùng làn sóng đầu cơ dâng cao. Nhóm cổ phiếu này thường "toả sáng" khi thị trường phân hóa, dòng tiền có sự chọn lọc kỹ càng hơn thay vì "đồng thau lẫn lộn".
Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính, ông Park Won Sang, Tổng giám đốc Chứng khoán KIS Việt Nam tin rằng ngân hàng, bán lẻ, công nghệ sẽ là những nhóm ngành hưởng lợi từ nền tảng vĩ mô cải thiện, và triển vọng kinh doanh hấp dẫn. Trong khi đó, ngành bất động sản nhà ở thì phụ thuộc vào năng lực thực thi chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ và địa phương.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chứng khoán DSC Chi nhánh TP.HCM cho rằng, thị trường giai đoạn này sẽ phân hóa mạnh, nhóm cổ phiếu nào có câu chuyện, hút tiền sẽ tiếp tục hút tiền. Do đó, việc cơ cấu danh mục cũng như chọn cổ phiếu sẽ quan trọng hơn dự báo chỉ số. Vị chuyên gia này hướng sự chú ý tới một số nhóm ngành gồm công nghệ, bán lẻ và những cổ phiếu lớn vừa tạo đáy trong chu kỳ này và vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Thực tế, bộ đôi cổ phiếu công nghệ FPT và CMG đang được hưởng lợi từ chủ đề "hot" trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt sau cái bắt tay với "gã khổng lồ" NVIDIA hay các mảng kinh doanh truyền thống như xuất khẩu phần mềm, chuyển đổi số... FOX lại được hưởng lợi từ xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ.
FPT thậm chí còn là cổ phiếu hiếm hoi vẫn thường xuyên được khối ngoại săn đón trên kênh thoả thuận qua sàn bất chấp việc phải trả một khoản premium (chênh lệch) khoảng 7%. Trong khi đó, MWG cũng đang hấp dẫn khối ngoại trở lại và gần "kín room" nhờ triển vọng phục hồi lợi nhuận, kỳ vọng Bách Hóa Xanh sớm có lãi bên cạnh việc mở rộng chuỗi An Khang và Era Blue.
Tương tự, FRT cũng đang được giới đầu tư đặt kỳ vọng lớn vào "át chủ bài" Long Châu khi chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam đã hòa vốn và có lãi. Còn với PNJ, nhà bán lẻ trang sức này được dự báo sẽ tiếp tục mở rộng thị phần trong bối cảnh các cửa hàng không có thương hiệu đang gặp khó khăn do nhu cầu yếu bên cạnh việc hưởng lợi đôi chút từ giá vàng.
Những câu chuyện mang đến sự khác biệt
Nhìn vào triển vọng ngành, công nghệ đang được giới phân tích đánh giá có nhiều câu chuyện hỗ trợ tích cực. KBSV dẫn dự báo của Gartner, chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ thông tin trong năm 2024 sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 8%, đạt 5.100 tỷ USD nhờ kỳ vọng đầu tư vào Cloud, bảo mật thông tin, AI và tự động hoá. Lĩnh vực phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin được cho là sẽ tăng trưởng lần lượt 13,8% và 10,4%.
KBSV cũng cho rằng, tiềm năng tăng trưởng của Trung tâm dữ liệu và Cloud ở Việt Nam là lớn nhờ dư địa nhiều cho phát triển. Báo cáo của Savills Châu Á Thái Bình Dương cho thấy Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam có ít trung tâm dữ liệu hơn Hong Kong và Singapore, mặc dù có dân số đông hơn 30 lần. Chính phủ cũng đặt mục tiêu Việt Nam trở thành trung tâm kỹ thuật số quan trọng.
Về dài hạn, KBSV cho rằng chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ thông tin sẽ tiếp tục tăng trưởng do sự phát triển nhanh của công nghệ, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải mạnh tay đầu tư để cạnh tranh, thích nghi với xu thế tất yếu; thói quen của người tiêu dùng dần thay đổi, phụ thuộc vào các sản phẩm công nghệ thông tin; Chính phủ các nước ưu tiên phát triển công nghệ để bắt kịp sự thay đổi của thế giới. Với triển vọng vững chắc về nhu cầu, nhóm phân tích của KBSV dự báo các công ty công nghệ vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng kết quả kinh doanh hai chữ số.
Về triển vọng ngành bán lẻ, VDSC dự báo doanh số năm 2024 của ngành sẽ tích cực hơn so với kết quả ảm đạm của năm 2023, dựa trên sự phục hồi kinh tế. Niềm tin của người tiêu dùng và sức mua sẽ phục hồi vào năm 2024, đến từ tác động của cả chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng được thực hiện trong giai đoạn 2023-2024 và lực đẩy từ sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Với mảng ICT/CE, trong năm 2024, mức tiêu thụ các sản phẩm ICT/CE của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trở lại so với cùng kỳ năm trước sau khi trải qua đợt sụt giảm mạnh vào năm 2023. Mặc dù được hưởng lợi từ mức nền cơ sở thấp vào năm 2023, VDSC dự phóng tăng trưởng doanh số bán hàng sẽ ở mức một con số do thị trường bão hòa, chủ yếu được hỗ trợ bởi xu hướng cao cấp hóa.
Với mảng tạp hóa, VDSC cho rằng doanh số bán hàng sẽ được thúc đẩy nhờ chiến lược mở rộng có lợi nhuận và sự chuyển đổi thói quen mua sắm từ kênh truyền thống sang kênh hiện đại. Thói quen mua sắm tạp hóa của người tiêu dùng Việt Nam đã được định hình lại trong giai đoạn 2019-2021 do đại dịch Covid-19. Người tiêu dùng dần thích nghi với việc mua hàng qua các kênh bán lẻ trực tuyến và hiện đại.
Các nhà bán lẻ tạp hóa hiện đại đang cơ cấu lại mô hình vận hành cửa hàng để nắm bắt xu hướng này trong giai đoạn 2021-2023. Các nhà bán lẻ tạp hóa đã tìm ra mô hình hoạt động hiệu quả cho chuỗi bán lẻ của mình trong năm 2023, kế tiếp sẽ bước vào giai đoạn mở rộng và có lãi kể từ năm 2024.