Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc giải thế Công ty cổ phần 4KFarm và Công ty cổ phần Logistics Toàn Tín. Lý do là để tái cơ cấu lại nhóm các công ty con nhằm tối ưu việc vận hành?
4KFarm là mô hình nuôi trồng nông nghiệp công nghệ theo 4 tiêu chí không thuốc trừ sâu, không thực phẩm biến đổi gen, không thuốc tăng trưởng và không chất bảo quản. Dự án được lãnh đạo MWG giới thiệu lần đầu tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên giữa năm 2020.
"Đây là ước mơ của tôi. Khi Bách Hóa Xanh đủ lớn thì sẽ quay lại tác động lên người nông dân để chuyển giao cho họ những cách thức trồng và tạo ra các sản phẩm an toàn, đúng đắn cho người tiêu dùng", Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài từng chia sẻ.
Công ty thành viên mới của tập đoàn này từng cam kết thu mua lại 100% sản lượng rau an toàn này của nông dân và cung cấp độc quyền cho chuỗi Bách Hóa Xanh. Địa bàn hoạt động chính tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Theo bản công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp mới nhất, 4KFarm có vốn điều lệ 162 tỷ đồng, đều là nguồn vốn tư nhân. Bà Châu Trần Kim Ngân (sinh năm 1990) hiện là tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Trong khi công ty Logistics Toàn Tín được thành lập từ tháng 11/2021 với trụ sở chính tại quận 1, TP HCM. Hiện Tổng giám đốc Nguyễn Phú Đức (sinh năm 1988) là người đại diện theo pháp luật. Dự án bị dừng sau hơn 2 năm.
Công ty cổ phần Logistics Toàn Tín đang cung cấp dịch vụ kho bãi, cung ứng hàng hóa cho chuỗi siêu thị Bách Hóa Xanh, Thế Giới Di Động, An Khang ... trên toàn quốc. Hiện MWG nắm giữ 99,99% trên vốn điều lệ 100 tỷ đồng.
Theo nguồn tin của người viết, MWG quyết định giải thể các công ty con trên nhằm vận hành hiệu quả hơn theo đúng định hướng "giảm lượng tăng chất". Tập đoàn này chưa có kế hoạch lập các pháp nhân mới thay thế.
Tính đến hết tháng 3, hệ sinh thái MWG có 1.071 cửa hàng Thế Giới Di Động, 2.184 cửa hàng Điện Máy Xanh, 1.696 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 526 nhà thuốc An Khang, 64 cửa hàng AVAKids và 55 cửa hàng EraBlue ở nước ngoài.
Ngoài 4KFarm và Toàn Tín, hệ sinh thái này còn một số công ty con khác trong hệ thống như Thế giới số Trần Anh, Dịch vụ lắp đặt sữa chữa bảo hành Tận Tâm, Công nghệ và Đầu tư Bách Hóa Xanh, Vui Vui.
Báo cáo quý đầu năm, MWG ghi nhận 31.486 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên 21,3% so với mức 19,2% cùng kỳ và 19,7% của quý IV/2023. Trừ đi các chi phí, MWG báo lãi sau thuế gần 903 tỷ đồng, gấp 42,5 lần quý I/2023.
Năm 2024, công ty đặt mục tiêu 125.000 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.400 tỷ lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 6% và gấp 14,2 lần lợi nhuận năm 2023. Sau quý đầu năm, ông lớn ngành bán lẻ này đã thực hiện được 25% chỉ tiêu doanh thu và gần 38% mục tiêu lợi nhuận năm.
Lãnh đạo doanh nghiệp từng tiết lộ lợi nhuận quý này dự kiến gấp nhiều lần cùng kỳ. Hành động quyết định giữ vững thị phần trong năm ngoái giúp cho kết quả quý I có cú xoay chuyển rất ngoạn mục, lợi nhuận nhóm điện thoại và điện máy do đó vẫn đóng vai trò trụ cột.