Trong quý 2/2022, xăng dầu trong nước liên tục lập đỉnh mới. Tại kỳ điều chỉnh ngày 21/6, mặt hàng xăng E5 RON92 tăng 185 đồng/lít lên mức mới là 31.302 đồng/lít; xăng RON95-III tăng 498 đồng/lít, cao nhất là 32.873 đồng/lít.
Cùng đó, dầu diesel 0.05S tăng 999 đồng/lít, giá mới là 30.019 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 946 đồng/lít, giá trần là 28.785 đồng/lít. Dầu mazút 180CST 3.5S tăng 378 đồng, lên mức 20.735 đồng/kg.
Mặc dù giá xăng dầu trong nước tăng mạnh trong quý 2/2022, nhưng nhiều đại gia kinh doanh mặt hàng này lại ghi nhận lỗ lớn.
Báo cáo tài chính quý 2 và kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Petrolimex - đơn vị chiếm hơn 50% thị phần xăng dầu trong nước cho biết doanh thu đạt 84.367 tỷ đồng, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận gộp của Petrolimex là 2.402 tỷ đồng nhưng chi phí bán hàng lên tới 2.570 tỷ đã ăn mòn toàn bộ lợi nhuận.
Trừ đi chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp, Petrolimex báo lỗ trước thuế gần 279 tỷ đồng. Lỗ sau thuế của tập đoàn là gần 141 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 1.594 tỷ.
Petrolimex ghi nhận lỗ ròng hơn 140 tỷ đồng trong quý 2/2022
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước đạt 151.387 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng gần 78% so với nửa đầu năm ngoái.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 6 tháng giảm 87% còn gần 302 tỷ đồng. Với kết quả trên, doanh nghiệp mới đạt chưa tới 10% kế hoạch lợi nhuận năm đề ra nhưng đã đạt 81% chỉ tiêu doanh thu cả năm.
Quy mô tài sản của Petrolimex đạt 81.049 tỷ đồng cuối quý 2, tăng 25% so với đầu năm. Hàng tồn kho với giá trị 22.148 tỷ đồng, Petrolimex đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho hơn 1.330 tỷ đồng.
Tổng nợ vay của Petrolimex tại ngày 30/6 là 18.200 tỷ đồng, chủ yếu là vay ngắn hạn. Ở chiều ngược lại, tập đoàn lại có 17.853 tỷ đồng khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn.
Trước Petrolimex, một đơn vị kinh doanh xăng dầu khác cũng báo lỗ trong quý 2/2022 bất chấp giá xăng dầu lập kỷ lục mới là Công ty CPTM Đầu Tư Dầu Khí Nam Sông Hậu (NSH Petro - PSH).
Báo cáo tài chính quý 2/2022 của PSH cho biết doanh thu tăng mạnh 43% lên 1.732 tỷ đồng. Cùng với đó, giá vốn tăng đến 79% nên doanh nghiệp bị lỗ gộp 188 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi 137 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính giảm không đáng kể, chi phí tài chính gấp đôi lên 91 tỷ đồng, chi phí bán hàng và quản lý đồng thời giảm. Theo đó, NSH Petro báo lỗ ròng 264 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 52 tỷ đồng. Đây là mức lỗ kỷ lục ghi nhận trong 1 quý của NSH Petro.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, NSH Petro ghi nhận doanh thu tăng 38% lên 4.085 tỷ đồng nhưng doanh nghiệp lỗ ròng 248 tỷ đồng.
Trái ngược với kết quả kinh doanh ảm đạm của Petrolimex và NSH Petro thì PV Oil - nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 cả nước lại có một quý kinh doanh lãi kỷ lục.
Cụ thể, PV Oil ghi nhận doanh thu đạt 30.412 tỷ đồng, tăng 127% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng cao hơn nên lợi nhuận gộp chỉ tăng 73% đạt 1.429 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 6,17% xuống 4,7%.
Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng 26% lên 135 tỷ đồng, chi phí tài chính tăng 146% lên 132 tỷ đồng. Chi phí bán hàng tăng 26% và chi phí quản lý tăng 73%.
Mặc dù các chi phí đều tăng nhưng nhờ doanh thu đột biến nên doanh nghiệp lãi sau thuế lên gần 510 tỷ đồng quý 2, tăng 87,5%.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của PV Oil đạt 53.703 tỷ đồng, tăng 113%; lãi ròng 622 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ năm trước. So với kế hoạch năm, nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 cả nước đã vượt 19% mục tiêu doanh thu và vượt 98% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Cuối quý 2, quy mô tài sản của PV OIL cán mốc 33.666 tỷ đồng, tăng gần 24% so với đầu năm. Khoản tiền, tương đương tiền và tiền gửi tại ngày 30/6 là 9.442 tỷ giúp PV OIL thu về 214 tỷ tiền lãi gửi ngân hàng.
Tổng nợ đi vay của doanh nghiệp là 4.406 tỷ và chi phí lãi vay nửa đầu năm chưa tới 95 tỷ đồng. Tương tự Petrolimex, hàng tồn kho của PV OIL tại ngày 30/6 là 5.312 tỷ, gấp đôi so với đầu năm.