Cụ thể, lúc 9h30, Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 58,9-60,1 triệu đồng/lượng, giảm tới 600 nghìn đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng giảm mạnh 400 nghìn đồng/lượng, hiện mua vào vàng SJC với giá 59,2 triệu đồng/lượng và bán ra với giá 60,4 triệu đồng/lượng.
Trong tuần qua (15-20/11), giá vàng trong nước liên tục tăng mạnh đầu tuần và lập đỉnh mới 62,25 triệu đồng/lượng ở phiên 17/11. Tuy nhiên sau đó vàng quay đầu lao dốc và rớt mạnh, từ ngày 17/11 đến nay đã giảm 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng SJC 1 tuần qua. Nguồn: Giavangvietnam.com
Điều đáng chú ý là vàng trong nước dường như không bám sát giá vàng thế giới, mức độ biến động lớn hơn. Ngoài ra, chênh lệch của vàng trong nước và quốc tế hiện nay rất lớn.
Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế hiện chỉ 1.845 USD/ounce, tương đương với 50,5 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá VND/USD tại ngân hàng. Theo đó, vàng trong nước đang đắt hơn tới 10 triệu đồng/lượng so với thế giới.
Vốn được xem là biện pháp phòng trừ rủi ro lạm phát, giá vàng đang đi lên trước số liệu lạm phát tăng mạnh ở Mỹ và châu Âu. Nhưng điều này cũng làm gia tăng khả năng xảy ra một đợt nâng lãi suất sớm, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi như vàng.
Ngoài ra, Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Năm cho biết, số người lần đầu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm nhẹ xuống còn 268,000 người trong tuần kết thúc ngày 13/11/2021, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020 và là tuần giảm thứ 7 liên tiếp. Số liệu tích cực này cũng khiến giới đầu tư kỳ vọng nền kinh tế đang phục hồi tốt, từ đó giảm nhu cầu đối với tài sản trú ẩn an toàn như vàng.
Theo kết quả khảo sát dự báo giá vàng của Kitco, 47% chuyên gia Wall Street tham gia khảo sát dự báo giá vàng tăng, trong khi 24% dự báo giảm và 26% đi ngang. Trong khi đó, nhà đầu tư trên Main Street lạc quan với giá vàng hơn, với 71% người tham gia khảo sát dự báo tăng, chỉ 15% dự báo giảm và 14% trung lập.