Tại Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), giá vàng SJC được niêm yết ở mức 72,0-74,45 triệu đồng/lượng, giữ nguyên chiều mua và giảm khoảng 400 nghìn đồng/lượng chiều bán so với ngày 10/1.
Tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC tăng 300 nghìn đồng/lượng chiều mua và giảm 200 nghìn đồng/lượng chiều bán. Theo đó, giá vàng miếng tại đây được niêm yết 71,8-74,3 triệu đồng/lượng.
Có thể thấy, với việc nâng giá mua vào và giảm giá bán ra, chênh lệch giá mua – bán đã được thu hẹp xuống còn khoảng 2,4-2,5 triệu đồng/lượng. Trước đó, chênh lệch này lên tới 3-4 triệu đồng/lượng. Việc thu hẹp chênh lệch này sẽ giúp nhà đầu tư có lợi hơn. Mặc dù vậy, mức chênh lệch 2,5 triệu đồng vẫn là rất lớn. Trong những thời điểm vàng SJC ổn định, chênh lệch này chỉ khoảng 1 triệu đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng SJC tại Tập đoàn DOJI đã được điều chỉnh về mức 71,25-74,25 triệu đồng/lượng, tức chênh lệch giá mua – bán còn 2,5 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn 24k sáng nay tăng nhẹ so với hôm qua khoảng 50-100 nghìn đồng/lượng. Tại hầu hết các thương hiệu, giá mua vào loại vàng này phổ biến quanh mức 62 triệu đồng/lượng và giá bán ra khoảng 63 triệu đồng/lượng. Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức cao hơn với 62,83-63,88 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay hiện ở mức 2.028 USD/ounce, có xu hướng đi ngang trong hai phiên gần đây. Các nhà giao dịch đang chờ đợi những dữ liệu mới của Mỹ về báo cáo chỉ số giá tiêu dùng tháng 12, báo cáo chỉ số giá sản xuất tháng 12. Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thể sẽ hài lòng với việc lạm phát hạ nhiệt, từ đó củng cố kế hoạch cắt giảm lãi suất vào năm 2024. FED kỳ vọng tỷ lệ lạm phát hàng năm của Mỹ vào khoảng 2%. Nếu các con số đúng như mong đợi, điều này cẽ có tác động tích cực lên giá vàng. Tuy nhiên, giới đầu tư cũng cho rằng, vì các con số không bất ngờ nên sẽ khó có đợt tăng giá mạnh.