Tài chính

Giá vàng rơi tự do

Rạng sáng nay (15/7), giá vàng thế giới giảm xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm qua. Giá vàng kỳ hạn tháng 8 giảm 23,8 USD, xuống còn 1.710,5 USD/ounce. Vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.708,1 USD/ounce, giảm 27,6 USD so với rạng sáng ngày trước đó.

Giá kim loại quý lao dốc xuống gần 1.700 USD/ounce chỉ trong thời gian ngắn khi thị trường bắt đầu định giá một đợt tăng lãi suất tới 100 điểm cơ bản từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tại cuộc họp vào cuối tháng 7.

Thị trường nhanh chóng định giá một đợt tăng lãi suất khủng nữa từ FED sau khi dữ liệu lạm phát của Mỹ trong tháng 6 được công bố. Cụ thể, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tỷ lệ lạm phát tại nước này trong tháng 6 đã tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2021 và là mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/1981.

Bên cạnh đó, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đã tăng thêm 0,64% lên gần mức 108,7. Trước đó, chiều tối ngày 14/7 (giờ Việt Nam), chỉ số US Dollar Index có thời điểm đã vượt mốc 109.

Đồng USD liên tục tăng đã làm xói mòn sức hấp dẫn của vàng vốn được định giá bằng đồng tiền này đối với người mua nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Ngoài ra, giá dầu thô liên tiếp trượt dốc cũng gây áp lực không nhỏ tới vàng. Giá dầu thô liên tục lao dốc và lần đầu tiên trong vòng 3 tháng qua giao dịch dưới 100 USD/thùng và rơi vào tình trạng bán quá mức.

Giá dầu thô kỳ hạn giao sau của Nymex giảm xuống mức 93,24 USD/thùng, giá dầu thô kỳ hạn tháng 1 hiện đang giao dịch ở mức 84 USD/thùng. Điều này cho thấy giá dầu thô sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới. Sự sụt giảm của dầu thô cũng đã kéo giá thị trường hàng hóa chính khác đi xuống, trong đó có vàng.

Phân tích về thị trường vàng trong thời gian tới, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho rằng, kim loại quý đang bị mắc kẹt trong nhiều cuộc chiến. Cuộc chiến thứ nhất là giữa chính sách tài chính, tiền tệ của các ngân hàng trung ương với áp lực lạm phát gia tăng. Cuộc chiến thứ hai là tình hình địa chính trị bất ổn và sự biến động trên thị trường chứng khoán.

Tuy nhiên, WGC vẫn lạc quan tin rằng, kim loại quý luôn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn. "Vàng từng có lịch sử hoạt động tốt trong bối cạnh lạm phát cao. Có những năm lạm phát hơn 3%, giá vàng tăng tới 14%. Hay trong những thời kỳ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trên 5% so với cùng kỳ, vàng đã tăng hơn 25%", WGC lấy dẫn chứng.

Colin Cieszynski, Giám đốc chiến lược thị trường tại SIA Wealth Management dự báo, vàng có thể sẽ kiểm tra mức hỗ trợ ở mức 1.680 USD/ounce trong thời gian tới.

Dù vậy, Cieszynski cho rằng, trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng nhờ được hỗ trợ bởi lập trường cứng rắn của FED, vàng vẫn hoạt động tốt hơn so với các tài sản khác. "Nhìn chung, vàng đã tăng giá tốt khi chúng tôi so sánh nó với các loại tiền tệ khác", ông nhận định.

Giá vàng trong nước giảm nhỏ giọt

Giá vàng rơi tự do - Ảnh 1.

Khách xem và mua vàng tại một cửa hàng vàng. (Ảnh: NLĐ)


Tại thị trường trong nước, giá vàng được công ty vàng bạc đá quý điều chỉnh giảm 50.000 đồng/lượng.

Lúc 10h05, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 67,55 triệu đồng/lượng mua vào và 68,17 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 50.000 đồng/lượng cả ở hai chiều so với chốt phiên hôm qua (14/7).

Tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, giá vàng qua niêm yết của doanh nghiệp giao dịch ở mức 67,5 - 68,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.

Tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC giao dịch ở mức 67,56 - 68,14 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm