Vào 4 giờ chiều ngày 10/4/1971, ngay trước ngày Triển lãm Đồng hồ Thuỵ Sĩ hàng năm (sau này là Baselworld) diễn ra, nhà thiết kế đồng hồ huyền thoại Gérald Genta nhận được một cuộc điện thoại. Ông bắt máy, nghe thấy giọng nói từ đầu dây bên kia là Georges Golay - Giám đốc điều hành lúc đó của thương hiệu Audemars Piguet.
Qua điện thoại, Golay đã giãi bày với Genta chuyện thị trường Italy mong đợi về "chiếc đồng hồ thép chưa từng có" rằng: "Ông Genta, một công ty phân phối đang yêu cầu chúng tôi cung cấp cho họ đồng hồ thể thao bằng thép chưa từng được sản xuất trước đây. Và tôi cần bản phác thảo thiết kế cho sáng mai".
Công ty phân phối mà Golay đề cập là Société Suissepour l'Industrie Horlogère (SSIH), công ty đang giúp Golay mở rộng phạm vi tiếp cận của Audemars Piguet (AP). Thực tế, chính 3 giám đốc điều hành của SSIH đã mơ về ý tưởng chiếc đồng hồ thể thao sang trọng làm từ thép. Đồng thời chính Golay là người có tầm nhìn để thực hiện thử thách của họ.
Chắc chắn rằng, cuộc trò chuyện trên điện thoại ấy đã đi vào lịch sử, mở ra chương mới đầy tính cách mạng cho nhà chế tác đồng hồ Thuỵ Sĩ.
Ảnh: Time and Watches.
Sự ra đời của chiếc đồng hồ mang tính cách mạng
Đầu thập niên 1970, Audemars Piguet cũng như nhiều nhà chế tác đồng hồ Thuỵ Sĩ khác phải đối mặt với tình trạng tài chính khó khăn. Cuộc khủng hoảng thạch anh xảy ra và phong trào thạch anh chạy bằng pin giá rẻ của Nhật Bản sẽ vượt qua phong trào cơ học trên toàn thế giới. Điều này khiến đồng hồ cơ học huy hoàng trở nên lỗi thời.
Với trình độ thủ công cao, không có cách nào một thương hiệu như AP có thể tung ra hàng loạt đồng hồ giá rẻ. Ngay cả khi chúng là những chiếc đồng hồ thể thao đơn giản, chỉ có chức năng xem giờ.
Làm thế nào mà thương hiệu đồng hồ Thuỵ Sĩ lâu đời như AP (thành lập năm 1875) có thể cạnh tranh với những công nghệ rẻ tiền, dễ sản xuất như của Nhật?
AP nhận ra rằng, nếu không có sự đột phá, họ khó tránh khỏi việc lâm vào tình trạng sụp đổ tài chính. Dựa trên một số phản hồi thu được từ thị trường Italy về đồng hồ sang trọng bằng thép, nhà sản xuất Thuỵ Sĩ này đã quyết định trình làng sản phẩm hoàn toàn mới. Đó là chiếc đồng hồ thể thao nhưng thanh lịch chưa từng thấy.
Người được lựa chọn cho nhiệm vụ khó nhằn này là Gérald Genta. Nhà thiết kế sinh năm 1931 này trước đó làm việc cho Universal Genève, Omega và Patek Philippe. Ông là người nổi tiếng nhất vào thời điểm đó.
Nguyên bản 1972 Royal Oak ref. 5402. Ảnh: Time and Watches.
Thiết kế gây tranh cãi
Những ý tưởng hiện ra trong đầu Gérald Genta khi đó hoàn toàn khác thường. Đầu tiên, đồng hồ phải tránh hình dạng tròn truyền thống mà có gờ hình bát giác khác lạ, được lấy cảm hứng từ mũ bảo hiểm của thợ lặn truyền thống. Đặc biệt, gờ bát giác được cố định bằng 8 con ốc lục giác có thể nhìn thấy được.
Mặt số được trang trí với hoạ tiết tapisserie nhỏ nhắn có màu xanh lam độc quyền, mang đến vẻ ngoài năng động mà nhiều đồng hồ thể thao khác không có. Đồng hồ mỏng 7 mm nhưng lại có đường kính vỏ là 39 mm. Sản phẩm này của Genta đi kèm dây đeo độc đáo và rất khó chế tạo.
Tuy nhiên, các nguyên mẫu đầu tiên được chế tạo bằng vàng trắng vì việc gia công các mảnh thép cao cấp theo thông số kỹ thuật của Genta rất khó và đắt tiền. Bộ máy được lựa chọn là Calibre 2121 tự lên dây cót được hoàn thiện đẹp mắt, ngày nay vẫn được sử dụng cho chiếc Royal Oak Jumbo ref.15202.
Chiều cao tổng thể của bộ máy Calibre 2121, có dao động 19.800 mỗi giờ, chỉ là 3,05 mm. Nhờ hệ thống chống sốc, bộ chuyển động phù hợp để được sử dụng trong chiếc đồng hồ thể thao như Royal Oak.
Chủ đề thiết kế được lấy cảm hứng từ chiếc mũ bảo hiểm bằng đồng của thợ lặn, bản thân tên của đồng hồ phải liên quan đến hàng hải. Thương hiệu đã chọn "Royal Oak", lấy từ tên của một loạt 8 tàu Hải quân Hoàng gia Anh.
Bản phác thảo ban đầu của Royal Oak do Gérald Genta thực hiện. Ảnh: Time and Watches.
Vào năm 1972, tại hội chợ Basel, Royal Oak cuối cùng đã sẵn sàng để ra mắt. Song đồng hồ của Genta không phải cú hit ngay lập tức. Sản phẩm có thiết kế kỳ lạ, ốc vít lộ ra ngoài, khung bezel bát giác, dây đeo tay tích hợp. Đáng chú ý, đồng hồ có giá 3.300 franc Thuỵ Sĩ. Con số này cao gấp nhiều lần giá một chiếc Rolex Submariner đương đại, đắt hơn cả một chiếc đồng hồ vàng đơn giản của Patek Philippe.
Những lời gièm pha không ngớt khiến nhiều người cho rằng AP sẽ nhanh chóng phá sản.
Sức hút bùng nổ
Đáng ngạc nhiên, sự quyến rũ và chất lượng của Royal Oak dần dần thuyết phục khách hàng. Hãng đã đưa ra lời quảng cáo táo bạo: "Đồng hồ thép không gỉ đắt nhất thế giới". Nếu khách hàng muốn sở hữu một chiếc Royal Oak, họ cần chi trả khoản tiền "trên trời".
Các nhà sưu tập và những người thiết lập xu hướng bắt đầu sử dụng chiếc đồng hồ đắt giá này. Royal Oak chinh phục được những người sành điệu và sành sỏi, đem tới thành công lớn cho AP.
Không ngoa khi nói Royal Oak đã cứu AP. Từ thời điểm đó trở đi, nghề chế tạo đồng hồ cơ được nâng lên cấp độ mới. Thiết kế, độ chính xác của việc thực hiện và chất lượng của bộ chuyển động mới là yếu tố quan trọng.
Trang quảng cáo của Royal Oak với tiêu đề lớn: "Chiếc đồng hồ thép không gỉ đắt nhất thế giới. Royal Oak bởi Audemars Piguet". Ảnh: Time and Watches.
Thương hiệu cao cấp Thuỵ Sĩ đã chế tạo 1.000 chiếc đầu tiên, được các nhà sưu tập gọi là A-series của tham chiếu 5402. Phải mất hơn một năm hãng mới bán hết 1.000 chiếc Royal Oak đầu tiên. Song sau đó doanh số bán hàng tăng cao.
Nhà sản xuất tiếp tục sử dụng số sê-ri A cho 1.000 chiếc sau đó, rồi họ chuyển sang sê-ri B và C. Royal Oak A-series đầu tiên vẫn được các nhà sưu tập săn lùng. Có thể dễ dàng nhận ra tên viết tắt của thương hiệu được đặt ở vị trí 6 giờ, thay vì 12 giờ như các dòng đồng hồ sau.
A Royal Oak 5402ST số A26 - 1972 có tên viết tắt thương hiệu ở vị trí 6 giờ. Ảnh: Time and Watches.
Tên viết tắt của thương hiệu ở vị trí 12 giờ trên mặt số đồng hồ ngày nay. Ảnh: Audemars Piguet.
Trong những năm tiếp theo, thương hiệu Thuỵ Sĩ đã giới thiệu nhiều biến thể của Royal Oak ban đầu. Họ sử dụng kim loại quý, dây da và dây cao su cũng như các giải pháp kỹ thuật và sự phức tạp mới.
Hiện nay, tuỳ vào mẫu mã và chất liệu, giá đồng hồ thuộc dòng Royal Oak dao động từ 16.400 USD (hơn 383 triệu đồng) đến 100.400 USD (hơn 2,3 tỷ đồng). Ngoài ra, thương hiệu còn cung cấp các dòng khác như Code 11.59, Royal Oak Offshore (kỷ năm 20 năm thành lập Royal Oak, phục vụ thị hiếu của những người đam mê thể thao và trẻ tuổi), Royal Oak Concept (tôn vinh 30 năm thành lập, sự pha trộn giữa sự tinh vi của kỹ thuật và khả năng chống chịu cực cao).
Để kỷ niệm 40 năm, vào năm 2012, hãng đã cho ra mắt tham chiếu 15202 cập nhật so với phiên bản gốc, có mặt số kiểu Petit Tapisserie 2 và chữ cái đầu AP ở vị trí 6 giờ. Với kỷ niệm 50 năm, hãng trình làng mẫu Royal Oak “Jumbo” Extra-Thin 39 mm ref. 16202.
Royal Oak "Jumbo" Extra-Thin 39 mm ref. 16202 ra đời năm 2022. Ảnh: Time and Watches.
Mặc dù có nhiều biến thể, "Jumbo" vẫn là chiếc Royal Oak được đánh giá cao nhất. Đồng hồ sử dụng vỏ giống nguyên bản nhưng có mặt sau bằng sapphire. Chi tiết này giúp người trải nghiệm chiêm ngưỡng bộ máy bên trong.
Đến ngày nay, đồng hồ của AP vẫn được nhiều người ưa chuộng. Thiết kế độc đáo, sự khan hiếm bộ chuyển động được sản xuất dưới bàn tay của đội ngũ thợ lành nghề, mất nhiều thời gian chế tạo... là những lý do chính.
Theo Robb Report, Time and Watches