Tại Vàng bạc đá quý Sài Gòn, giá vàng SJC tăng 500 nghìn đồng/lượng lên 79,5-81,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn trơn 24k cũng tăng 550 nghìn đồng/lượng lên 70,2-71,55 triệu đồng/lượng, là mức niêm yết cao nhất ở doanh nghiệp này từ trước đến nay.
Tương tự tại Tập đoàn DOJI, giá vàng SJC mở cửa tăng 200 nghìn đồng/lượng chiều mua và 600 nghìn đồng/lượng chiều bán lên 79-81,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn tăng 650 nghìn đồng/lượng lên 70,4-71,8 triệu đồng/lượng.
Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết giá vàng SJC ở mức 79,3-81,3 triệu đồng/lượng, tăng 800 nghìn đồng/lượng chiều mua và 500 nghìn đồng/lượng chiều bán. Giá vàng nhẫn (vàng 9999) cũng tăng 650 nghìn đồng/lượng lên 70,25-71,45 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng vừa tiếp tục leo lên mốc kỷ lục mới 2.288 USD/ounce. Quy đổi theo tỷ giá VND/USD ngân hàng, giá vàng quốc tế đang tương đương với 69 triệu đồng/lượng. Trong khi quy đổi theo tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do, giá vàng quốc tế tương đương với gần 70,5 triệu đồng/lượng.
Nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông đã đẩy kim loại quý màu vàng liên tục lên mức cao mới. Vàng thế giới tăng giá mạnh còn do mặt hàng có quan hệ mật thiết với vàng là dầu tăng vọt lên đỉnh cao 5 tháng khi xuất hiện căng thẳng địa chính trị mới ở Trung Đông.
Một số chuyên gia cho rằng, vàng có thể sẽ còn tăng mạnh hơn nữa nếu không chịu áp lực bởi đồng USD hồi phục thời gian gần đây. Chỉ số DXY đo lường sức mạnh đồng đô la Mỹ đã hồi phục đáng kể lên trên mốc 105 điểm trong vài ngày gần đây. Nhiều nhà phân tích cho rằng cần đánh giá lại kỳ vọng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất trong tháng 6. Theo Kitco News, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Cleveland Loretta Mester đã bác bỏ việc cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 5, cho rằng FED phải chờ đợi thêm khi rủi ro lạm phát lớn hơn tăng trưởng. Việc FED trì hoãn cắt lãi suất khiến sức mạnh đồng USD duy trì ở mức cao, từ đó kìm hãm đà tăng của vàng.