Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế – xã hội, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,98%, đóng góp 6,09% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,28%, đóng góp 41,68%; khu vực dịch vụ tăng 6,12%, đóng góp 52,23%.
Xét theo từng địa phương, theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tại 57 tỉnh, thành ghi nhận tăng trưởng trong quý đầu tiên của năm 2024, trong khi đó có 6 địa phương ghi nhận GRDP giảm.
Trong số 57 tỉnh, thành có GRDP tăng trong quý I/2024, có đến 5 địa phương có GRDP tăng trưởng trên 10%.
Cụ thể, với tăng trưởng GRDP trong quý I/2024 ước đạt 14,18%, Bắc Giang là hiện là địa phương có tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước. Các ngành sản xuất đều có tăng trưởng, trong đó: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14%, công nghiệp - xây dựng tăng 18,0%, dịch vụ tăng 6,32%, thuế sản phẩm tăng 4,48%.
Sau Bắc Giang, Trà Vinh là địa phương có tăng trưởng GRDP cao thứ hai cả nước trong quý I/2024, với GRDP tăng 13,93% cũng là tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Trong đó, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 2,75% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 102,66%; giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng 30,19% so với cùng kỳ; giá trị thương mại - dịch vụ tăng 3,03% so với cùng kỳ.
Đứng thứ ba Thanh Hóa với tốc độ GRDP tăng 13,15%. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 20,01% so với cùng kỳ. Các ngành dịch vụ đạt kết quả nổi bật, nhất là giá trị xuất khẩu tăng 40,1%. Đây là mức tăng cao nhất của quý I trong 4 năm trở lại đây.
Tiếp đến là Khánh Hòa và Hà Nam, với tăng trưởng GRDP lần lượt ở mức 12,4% và 10,98%.
6 địa phương ghi nhận tốc độ GRDP giảm
Ở chiều ngược lại, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, trong số 63 tỉnh, thành phố, có đến 6 địa phương ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế có xu hướng giảm.
Theo đó, Lai Châu là địa phương có GRDP giảm sâu nhất cả nước, ở mức 5,62%. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp quý I/2024 dự tính giảm 53,51% so với quý trước và giảm 19,59% so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị xuất nhập khẩu quý I/2024 ước đạt 6,99 triệu USD, đạt 17,2% kế hoạch, giảm 22,7% so với cùng kỳ năm trước.
Theo sau là Bắc Ninh, với GRDP giảm 3,83%. Cục Thống kê Bắc Ninh cho biết, đây là mức giảm ít hơn các quý trước đó (quý I2023: -11,38%; quý II/2023: -13,01%; quý III/2023: -5,89%; quý IV/2023: -7,56%) và cơ bản đúng theo diễn biến kịch bản tăng trưởng quý I/2024 của tỉnh.
Bên cạnh hai địa phương kể trên, Quảng Nam, Sơn La, Bà Rịa – Vũng Tàu và Đà Nẵng cũng là những địa phương ghi nhận tăng trưởng GRDP giảm trong quý I/2024, với mức giảm lần lượt là 3,06%; 2,68%; 1,68% và 0,83%.