Giá vàng được giao dịch quanh ngưỡng 2.463 USD/ounce, gần chạm mức cao kỷ lục hồi tháng 7 là 2.483 USD/ounce. Giá vàng đang được hưởng lợi nhờ một số yếu tố, như tình hình thị trường hỗn loạn gần đây khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu và tìm đến các loại tài sản trú ẩn an toàn.
Bên cạnh đó, nguy cơ xung đột lan rộng ở Trung Đông, lạm phát hạ nhiệt và dự báo nới lỏng lãi suất ở các nền kinh tế lớn cũng hỗ trợ đà tăng của giá vàng. Nỗi lo suy thoái gia tăng sau khi số liệu kinh tế Mỹ suy yếu được công bố trong tháng qua càng khiến vàng trở thành kênh đầu tư hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, giá dầu thô Brent và WTI có thời điểm tăng lên 81,95 USD/thùng và 79,66 USD/thùng trong ngày 13-8, mức cao nhất trong 3 tuần qua. Nhu cầu tăng và căng thẳng leo thang ở Trung Đông là những động lực chính đẩy giá dầu đi lên.
Theo hãng tin Reuters, bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào cũng có thể hạn chế khả năng tiếp cận nguồn cung dầu thô toàn cầu và đẩy giá lên cao.
Các nhà phân tích nhận định hành động tấn công Israel của Iran, nếu có, cũng có thể khiến Mỹ áp đặt lệnh cấm vận đối với hoạt động xuất khẩu dầu thô của Iran, động thái ảnh hưởng đến 1,5 triệu thùng/ngày.
Cùng ngày 13-8, thị trường chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương tăng điểm, trong đó các chỉ số chứng khoán chính ở Nhật Bản tăng mạnh. Theo Reuters, quốc hội Nhật Bản có kế hoạch tổ chức phiên họp đặc biệt vào tuần tới để thảo luận về quyết định tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương mới đây.
Ngoài ra, giới đầu tư đang chờ đợi các chỉ số quan trọng về lạm phát được công bố trong tuần này. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 của Anh sẽ được công bố ngày 14-8, dự báo đạt mức 2,3%, tăng so với mức 2% trước đó. Lãi suất của Anh hiện ở mức 5% và thị trường dự báo Ngân hàng Trung ương nước này sẽ có thêm các đợt cắt giảm lãi suất lên tới 0,5 điểm % trong năm nay.
Cũng trong ngày 14-8, Mỹ sẽ công bố CPI tháng 7, chỉ số quan trọng giúp các nhà đầu tư dự báo liệu Cục Dự trữ Liên bang (FED) có bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 9 hay không...