Doanh nghiệp

Gia súc Lơ Pang, ông Nguyễn Văn Quý và

CTCP Hoàng Anh Gia Lai (Mã CK: HAG) cho biết, vào ngày 5/3/2022, Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi và CTCP Chăn nuôi Gia Lai – các công ty con của HAG – đã mua 10% cổ phần CTCP Gia súc Lơ Pang (Gia súc Lơ Pang) từ các cá nhân, với tổng giá trị là 238,4 tỉ đồng.

Tiếp đến, ngày 31/3/2022, HAG mua tiếp 90% cổ phần Gia súc Lơ Pang từ CTCP Lê Me (Lê Me) với tổng giá trị là 2.145,6 tỉ đồng. Hậu thương vụ, HAG trở thành công ty mẹ của Gia súc Lơ Pang với tỉ lệ sở hữu 99,75% vốn điều lệ.

Chủ trương chuyển Gia súc Lơ Pang và Lê Me thành công ty con được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 (AGM 2021) của HAG thông qua vào tháng 11 năm ngoái. Khi ấy, cả hai doanh nghiệp này đều được biết đến là ‘công ty liên quan’ có dư nợ vay lớn tại HAG.

Tính đến cuối quý 1/2022, HAG ghi nhận khoản phải thu về cho vay ngắn hạn và dài hạn đối với Lê Me là 2.886,2 tỉ đồng, chiếm tới 42,3% tổng dư nợ phải thu về cho vay của tập đoàn này. Cùng với đó, còn phải kể tới các khoản phải thu liên quan đến lãi cho vay và hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa HAG và Lê Me, với giá trị lên tới 943,2 tỉ đồng.

Theo dữ liệu của VietTimes, Gia súc Lơ Pang được thành lập từ tháng 6/2020, đặt trụ sở chính trùng với địa chỉ trung tâm điều hành của HAG tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Gia súc Lơ Pang ban đầu có vốn điều lệ 50 tỉ đồng, được sáng lập bởi 3 thể nhân, bao gồm: ông Nguyễn Kim Luân (góp 20 tỉ đồng, chiếm 40% vốn điều lệ); ông Nguyễn Văn Quý (góp 15 tỉ đồng, sở hữu 30% vốn điều lệ); và ông Lê Văn Thạch (góp 15 tỉ đồng, sở hữu 30% vốn điều lệ).

Sinh năm 1972, ông Lê Văn Thạch, nên biết, còn đảm nhiệm chức vụ giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của công ty Lê Me.

Trong khi đó, dữ liệu của VietTimes thể hiện, ông Nguyễn Văn Quý từng dùng 14 triệu cổ phiếu HAG – cùng với 50 triệu cổ phiếu HAG của ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT HAG), quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa Hưng Thắng Lợi và Lê Me – để làm tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu 300 tỉ đồng của HAG do Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã CK: TPB) thu xếp phát hành. TPBank, lưu ý rằng, cũng là trái chủ của lô trái phiếu này.

Đáng chú ý, như VietTimes từng đề cập , trong danh sách 9 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp dự kiến mua vào 161,9 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ của HAG cũng có một cổ đông cá nhân tên Nguyễn Văn Quý.

Cổ đông cá nhân này đang nắm giữ 34 triệu cổ phiếu HAG và dự kiến sẽ mua thêm 19 triệu cổ phiếu, từ đó nâng tỉ lệ sở hữu sau đợt chào bán lên mức 4,87% vốn điều lệ.

Kết quý 1/2022, HAG ghi nhận doanh thu thuần đạt 802 tỉ đồng, cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, tập đoàn này cũng báo lãi sau thuế 257,9 tỉ đồng – cùng kỳ năm trước báo lỗ 68,7 tỉ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 250 tỉ đồng.

Các nguồn thu chính của HAG đều tăng trưởng so với cùng kỳ quý 1/2021. Trong đó, doanh thu từ trái cây đạt 392 tỉ đồng, tăng 277 tỉ đồng so với cùng kỳ. Doanh thu bán hàng hoá và cung cấp dịch vụ đạt 217 tỉ đồng, tăng 136 tỉ đồng so với cùng kỳ.

Ở mảng chăn nuôi, doanh thu bán heo trong quý đầu năm 2022 của HAG đạt 194 tỉ đồng, cao gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tập đoàn của ‘bầu’ Đức chỉ ghi nhận giá vốn 130 tỉ đồng từ hoạt động này, tương ứng với mức lợi nhuận gộp đạt 64 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh mảng chăn nuôi heo của HAG khả năng sẽ tiếp tục được cải thiện trong các quý tới, đặc biệt là sau khi hợp nhất kết quả kinh doanh của công ty Gia súc Lơ Pang. Tại AGM 2021, ban lãnh đạo HAG cho biết, Gia súc Lơ Pang đang nuôi khoảng 10.000 con heo và có 1.600 ha chuối./.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm