Báo cáo thị trường nhân sự trung và cao cấp quý I của Navigos Search - hãng tuyển dụng có thị phần hàng đầu ở Việt Nam - vừa cho biết các doanh nghiệp dành cho ứng viên người nước ngoài "mức lương rất cao" nhằm săn được người đến Việt Nam làm việc. Cụ thể, mức lương mà các lao động này nhận được từ khoảng 8.500 USD đến 34.000 USD, tương đương từ gần 200 triệu đến gần 800 triệu đồng mỗi tháng.
So với kết quả "Khảo sát lương năm 2022" cũng do Navigos công bố trung tuần tháng này, mức thu nhập được chào mời trên thậm chí cao hơn mặt bằng chung một số vị trí quản lý cấp cao của các ngành có thu nhập hàng đầu.
Ví dụ, mức lương tối đa mà một tổng giám đốc ngành bất động sản có thể nhận được hàng tháng là 30.000 USD; tổng giám đốc doanh nghiệp nông nghiệp của FDI là 25.000 USD; tổng giám đốc doanh nghiệp các ngành công nghệ thông tin; thực phẩm - đồ uống - tiêu dùng ngành của doanh nghiệp FDI là 20.000 USD.
Trong khi đó, "Báo cáo Hướng dẫn lương 2022" của Adecco - tập đoàn tư vấn tuyển dụng thuộc Top 500 Fortune Global - cho thấy các vị trí tổng giám đốc, giám đốc điều hành cũng lần lượt nhận mức lương 600 triệu, 500 triệu và 450 triệu đồng mỗi tháng, ứng với các ngành chăm sóc sức khỏe, tài chính và tiêu dùng nhanh.
Mức độ chịu chi của các doanh nghiệp với chuyên gia nước ngoài diễn ra trong bối cảnh một số ngành đang khan hiếm ứng viên người Việc có chuyên môn sâu. Với ngành may mặc, những vị trí chuyên sâu như phát triển mẫu, kỹ thuật may, cải tiến, kiểm tra chất lượng... vẫn khó tìm người.
Do vậy, các công ty rất nỗ lực để giữ chân người lao động đặc biệt ở những vị trí này bằng chính sách lương thưởng cạnh tranh và tạo thuận lợi cho họ khi làm việc. "Trường hợp không tìm được ứng viên người Việt, một số công ty mở rộng tìm kiếm ứng viên người nước ngoài", báo cáo cho biết.
Hiện các ứng viên từ các quốc gia châu Á khác như Sri Lanka, Ấn Độ, Pakistan... khá quan tâm tới các cơ hội làm việc trong ngành may mặc tại Việt Nam, nơi họ có thể nhận được cơ hội lương thưởng cạnh tranh và giúp họ có thêm kinh nghiệm làm việc tại nước ngoài.
Tương tự, doanh nghiệp trong mảng du lịch - khách sạn cũng được ghi nhận đang tăng nhu cầu tuyển dụng các vị trí lãnh đạo cấp cao người nước ngoài cho các vị trí như tổng giám đốc, tổng quản lý, trưởng bộ phận trong khách sạn và khu nghỉ dưỡng. Navigos dự báo nhu cầu tuyển dụng người nước ngoài cho các vị trí quản lý sẽ phát sinh nhiều hơn trong mảng này.
Theo báo cáo xếp hạng các thành phố lý tưởng cho người nước ngoài đến làm việc (Expat City Ranking) do InterNations, công bố cuối năm ngoái, Việt Nam có TP HCM vào top 6 toàn cầu về nơi làm việc tốt nhất cho người nước ngoài.
Trong đó, TP HCM đứng đầu trong hạng mục phụ về đánh giá tài chính, với 75% người nước ngoài nói rằng thu nhập hộ gia đình khả dụng của họ là quá đủ để trang trải chi phí và 77% hài lòng với tình hình tài chính của họ.
Ngoài ra, tình trạng khan hiếm nhân sự cấp cao bất kể quốc tịch cũng được ghi nhận trong các ngành như ôtô điện, tài chính - ngân hàng và tiêu dùng nhanh. Cùng với đó, tại một số khu công nghiệp phía Bắc như ở Phú Thọ, Tuyên Quang.., doanh nghiệp đang rất "khát" nhân sự có kỹ năng và trình độ cao nhưng phải biết tiếng Trung.