Công nghệ

Tranh cãi về tương lai Twitter

Sau 12 ngày đàm phán, tỷ phú Elon Musk đã đạt được thỏa thuận với hội đồng quản trị của Twitter để mua lại mạng xã hội với giá 44 tỷ USD, đưa Twitter từ một công ty đại chúng trở thành doanh nghiệp tư nhân.

Với vị trí mới, tỷ phú giàu nhất thế giới sẽ có quyền thay đổi nhiều thứ từ nhân sự đến cách thức hoạt động của nền tảng. Điều này làm dấy lên nhiều tranh cãi về tương lai của Twitter dưới thời Elon Musk.

Elon Musk hiện có hơn 80 triệu người theo dõi trên Twitter. Ảnh: Reuters

Elon Musk hiện có hơn 80 triệu người theo dõi trên Twitter. Ảnh: Reuters

Nhân sự Twitter khi Musk tiếp quản

Các chuyên gia đánh giá Twitter sắp tới sẽ có nhiều biến động nhân sự. Trong khi một số người háo hức về việc CEO Tesla sẽ mang đến một làn gió mới cho công ty, không ít người tỏ ra bối rối.

"Ai đó hãy cho tôi biết sắp tới tôi sẽ trở nên giàu có hay bị sa thải", một nhân viên Twitter viết trên tài khoản cá nhân.

Nhân sự đang được chú ý nhất tại Twitter là CEO Parag Agrawal - người vừa nhậm chức được năm tháng. Nhà sáng lập Jack Dorsey cho rằng tầm nhìn của Musk phù hợp với Agrawal. Ngược lại, Time cho rằng quan điểm của Agrawal và Musk về việc kiểm duyệt nội dung rõ ràng mâu thuẫn nhau. Trong hồ sơ gửi lên SEC, Musk nói ông không tin tưởng ban quản lý của Twitter nhưng không chỉ đích danh ai.

Reuters dẫn lời CEO Agrawal nói với nhân viên rằng "tương lai của Twitter dưới thời Musk là không chắc chắn" và "khi thỏa thuận hoàn tất, chúng tôi không biết công ty sẽ đi theo hướng nào". Ngay cả việc ông có còn ngồi lại ghế CEO của công ty hay không cũng là điều khó đoán định.

'Quảng trường tự do ngôn luận'

Một trong những lời hứa của Musk khi tiếp quản Twitter là biến mạng xã hội này trở thành một nền tảng truyền thông không kiểm duyệt. Ý tưởng về "quảng trường tự do ngôn luận" của tỷ phú gốc Nam Phi nhận được ủng hộ của nhiều người, trong đó có nhà sáng lập Jack Dorsey.

"Về nguyên tắc, tôi không nghĩ Twitter nên được sở hữu hoặc điều hành bởi bất kỳ ai, nó phải là một sản phẩm công cộng ở cấp độ giao thức, không phải một công ty. Để giải quyết vấn đề này, Musk là giải pháp duy nhất mà tôi tin tưởng", Dorsey chia sẻ trên Twitter.

"Tự do ngôn luận đang trở lại", Hạ nghị sĩ Jim Jordan, thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ nêu trên tài khoản cá nhân. Còn Thượng nghị sĩ Marsha Blackburn nói: "Tôi hy vọng Musk sẽ giúp hạn chế xu hướng kiểm duyệt người dùng và nên có quan điểm khác hơn về tự do ngôn luận so với các Big Tech hiện tại".

Tuy nhiên không phải ai cũng ủng hộ quan điểm của Musk. SCMP dẫn lời Kyla Garrett Wagner, Phó giáo sư luật truyền thông tại Đại học Syracuse (Mỹ): "Chúng ta đang dồn nhiều quyền lực hơn vào tay ít người hơn. Nếu Musk quyết định đóng cửa Twitter trong một tuần, ông ấy có thể làm điều đó".

Musk muốn công khai thuật toán của Twitter

Một tranh cãi khác liên quan đến tương lai Twitter là việc Musk muốn công khai thuật toán của nền tảng dưới dạng mã nguồn mở. Ngày 12/4, trên sân khấu của TED ở Vancouver, tỷ phú gốc Nam Phi cho rằng việc mở mã nguồn giúp người dùng được quyền quyết định tăng hoặc giảm tương tác với bài đăng của mình. "Sẽ không có thủ thuật hậu trường nào cả về thuật toán lẫn thao tác thủ công có thể dán nhãn một bài đăng", Musk nói.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về AI và phần mềm nguồn mở, việc công khai thuật toán không giúp ích gì nhiều trong viến biến Twitter trở thành một công ty minh bạch hơn. Việc này thậm chí có thể tạo ra một loạt rủi ro mới cho nền tảng.

CNN dẫn lời giáo sư khoa học máy tính Vladimir Filkov tại Đại học California rằng, quyết định cho phép bất kỳ ai xem mã nguồn trang web là "khá vô nghĩa", vì rất ít người có thể hiểu cơ sở mã của Twitter hoạt động thế nào.

Còn theo giáo sư khoa học máy tính Ariel Procaccia tại Đại học Harvard, những người hiểu mã nguồn mở này có thể tìm ra cách Twitter quyết định tweet nào sẽ hiển thị cho người dùng. "Khi đó, tốt hơn hết công ty nên đảm bảo thuật toán của họ công bằng, vì chắc chắn Twitter sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có dấu hiệu thiên vị", ông nói.

Giáo sư Allison Randal, thành viên hội đồng quản trị Software Freedom Conservancy và Open Infrastructure Foundation, nhận định ngay cả khi Musk công khai thuật toán của Twitter, trải nghiệm của người dùng mạng xã hội này cũng không có bất kỳ thay đổi nào lớn. Theo ông, nếu mã nguồn về thuật toán dùng dữ liệu để đào tạo, mọi thứ sẽ trở nên rủi ro hơn. Việc này dẫn đến những tác động tiêu cực liên quan đến quyền riêng tư. Tuy nhiên, người dùng sẽ không thể thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với mạng xã hội trừ khi Twitter cho phép thực hiện các thay đổi.

Dù tương lai Twitter dưới thời Musk vẫn còn nhiều tranh cãi, nhiều người cho rằng với tính cách và suy nghĩ khác thường của mình, tỷ phú gốc Nam Phi sẽ tiến hành nhiều thay đổi, biến Twitter trở thành một mạng xã hội mới mẻ, khác xa những gì hiện tại.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm