Nguồn cung khí đốt eo hẹp, một hệ lụy sau căng thẳng địa chính trị Nga-Ukraine đang đẩy giá điện tăng cao phi mã. Điều này giúp các doanh nghiệp điện tại châu Âu hưởng nhiều lợi ích, song phải đối mặt một vấn đề nan giải: cạn kiệt tiền mặt vì các yêu cầu tài sản thế chấp ngày càng tăng. Viễn cảnh khủng hoảng Lehman Brothers có thể sẽ lặp lại, nếu chính phủ không sớm can thiệp để cung cấp các khoản vốn tài trợ khẩn cấp.
Theo Financial Times, thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý nguồn cung năng lượng và điện cho hàng triệu ngôi nhà. Các công ty muốn giảm rủi ro khi kinh doanh thường chọn mua vị thế bán khống, tức kiếm lợi nhuận từ sự sụt giảm của thị trường. Như vậy, trong trường hợp giá điện giảm, các khoản lỗ trên hợp đồng sẽ được bù đắp nhờ lợi nhuận kiếm được từ vị thế bán khống. Ngược lại, nếu giá điện tăng, thua lỗ trong quá trình bán khống cũng sẽ được bù đắp nhờ doanh thu thực tế.
Theo quy tắc thị trường hiện tại, bất kỳ ai nắm giữ vị thế bán khống trên thị trường tương lai đều phải đăng ký tài sản thế chấp bổ sung hoặc ký quỹ lên sàn giao dịch nếu giá của tài sản cơ bản tăng. Như vậy, giá điện tăng cao cũng kéo theo các yêu cầu về tài sản đảm bảo đối với các công ty đã bảo hiểm rủi ro bán điện.
Khi đó, vị thế bán khống của các nhà sản xuất điện ngày càng chìm sâu trong sắc đỏ và các sàn giao dịch cũng yêu cầu ngày càng nhiều tài sản thế chấp. Các doanh nghiệp điện lớn theo đó có thể phải đối mặt với yêu cầu cung cấp hàng trăm triệu euro tiền mặt, chỉ trong một đêm.
Financial Times dẫn ví dụ về Centrica, chủ sở hữu British Gas. Công ty này đang tìm kiếm thêm hàng tỷ bảng Anh tín dụng trong bối cảnh nhu cầu tài sản thế chấp tăng mạnh. Khoảng hai tuần trước đó, công ty điện lực Phần Lan Fortum cũng cho biết yêu cầu về tài sản thế chấp trên sàn giao dịch Nasdaq đã tăng 1 tỷ euro trong vòng một tuần.
Mặc dù Centrica và Fortum đều hưởng lợi từ việc giá điện tăng cao, song các yêu cầu về tài sản thế chấp đang khiến thanh khoản toàn ngành bị siết chặt. Các quan chức cho rằng hiện tượng này có thể khiến các doanh nghiệp điện làm ăn có lãi trước đó bị phá sản.
“Đây là một phiên bản khác của khủng hoảng Lehman Brothers trong ngành năng lượng”, Bộ trưởng Kinh tế Phần Lan Mika Lintilä cảnh báo.
Hồi đầu tháng, hiệp hội ngành điện Eurelectric, đại diện cho hơn 3.500 công ty điện lực ở Châu Âu, đã đưa ra cảnh báo rằng đà tăng vọt của các khoản thanh toán đang khiến toàn bộ các thành viên quan ngại.
Ngay cả trước đợt tăng giá hồi tháng 8, một số công ty điện lực lớn bao gồm Uniper của Đức và EDF của Pháp cũng gặp vấn đề nghiêm trọng. Cả hai đều phải vật lộn đáp ứng các yêu cầu ký quỹ sau khi giá khí đốt và điện tăng phi mã. Uniper sau đó buộc phải mua khí đốt với giá kỷ lục, trong khi EDF chấp nhận nhập khẩu điện để cải thiện nguồn cung.
Hồi tháng 7, Uniper báo lỗ 12,3 tỷ euro trong nửa đầu năm 2022. Chính phủ Đức sau đó đồng ý mua 30% cổ phần và cung cấp 15 tỷ euro viện trợ khẩn cấp cho Uniper, song theo tính toán của đại diện Credit Suisse, công ty này vẫn tiếp tục lỗ 130 triệu euro mỗi ngày.
Theo bà Venkateswaran, thông thường, các công ty điện lực tại Thụy Điển hay Phần Lan đều có xu hướng phòng hộ bằng hợp đồng tương lai. Do đó, đây là nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong cuộc khủng hoảng tiền mặt.
Hiện các bộ trưởng năng lượng EU đang xem xét một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về vấn đề này. Chính phủ theo đó sẽ có 2 sự lựa chọn: tung gói hỗ trợ trị giá hàng tỷ euro cho các công ty điện hoặc sửa đổi quy định ký quỹ. Hiện tại, Quy định Cơ sở hạ tầng Thị trường Châu Âu của EU đặt khuôn khổ pháp lý cho các yêu cầu ký quỹ, không phân biệt công ty điện hay các đối tác tài chính thuần túy.
Được biết, tính đến nay, 5 nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) đã công bố gói hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp với tổng trị giá khoảng 201 tỷ USD. Các biện pháp này giúp hàng triệu người thoát cảnh nghèo đói, đồng thời cứu hàng nghìn doanh nghiệp đang đứng trước rủi ro phá sản. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng lo sợ rằng việc tăng trợ cấp bằng tiền mặt sẽ khiến người dân châu Âu không còn mặn mà với việc tiết kiệm năng lượng.
Theo Financial Times, bằng cách giảm hoặc loại bỏ tài sản thế chấp, các chuyên gia cho rằng tính thanh khoản của thị trường sẽ được nới lỏng. Rủi ro đối với các đối tác cũng dịu bớt.
“Những công ty điện lực có tài sản để sản xuất điện, họ sẽ không trốn được đi đâu cả. Nó khác với những người đang đầu cơ giá điện”, bà Venkateswaran cho biết.
Ông John Musk, một nhà phân tích cơ sở hạ tầng và điện lực châu Âu tại RBC Capital Markets, cũng cho biết "cải cách về mặt cơ cấu" là điều cần thiết. Chính phủ có thể nghiên cứu điều chỉnh các loại bảo lãnh ngân hàng mà doanh nghiệp điện có thể sử dụng làm tài sản thế chấp.
“Nếu được thực hiện nhanh chóng, các nhà sản xuất điện và người tiêu dùng sẽ sớm được hưởng lợi từ giải pháp này, tương tự như ở Mỹ và Canada”, ông Rafael Plata, Tổng thư ký của Hiệp hội thanh toán bù trừ châu Âu nói.
Theo: Financial Times
Tỷ phú Zara chi 700 triệu USD mua các kho hàng Mỹ