Doanh nghiệp

Gia Lai báo cáo gì vụ 5 dự án điện gió vi phạm?

Báo cáo trên có nhiều nội dung về kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ , trong số đó dư luận quan tâm các dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Trước đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ rõ nhiều nội dung còn tồn tại, cần khắc phục đối với 5 dự án điện gió trên địa bàn tỉnh Gia Lai, gồm: Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi, Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên, Nhà máy Điện gió Hưng Hải Gia Lai, Nhà máy Điện gió Chơ Long, Nhà máy Điện gió Yang Trung.

Gia Lai báo cáo gì vụ 5 dự án điện gió vi phạm?- Ảnh 1.

Trụ điện gió của Công ty Cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai.

Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc dự án chuyển nhượng cổ phần khi chưa hoàn thành thủ tục đất đai ; việc chủ đầu tư sử dụng lao động nước ngoài nhưng không báo cáo cơ quan chức năng; điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án; bồi thường, hỗ trợ trước khi cho thuê đất thực hiện dự án, đảm bảo đúng quy định, tránh tình trạng khiếu kiện phức tạp; xác định, thu hồi tiền ký quỹ, xử lý theo thẩm quyền đối với các vi phạm trên…

UBND tỉnh Gia Lai đã có báo cáo kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ. Qua kiểm tra, rà soát, có 2 doanh nghiệp chuyển nhượng cổ phần. Việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp (cổ đông có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác và không phải đăng ký biến động tại cơ quan đăng ký kinh doanh) và không có quy định phải hoàn thành thủ tục về đất đai.

Đối với việc xác định, thu hồi tiền ký quỹ, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Gia Lai đã mời các nhà đầu tư làm việc để xác định số tiền ký quỹ theo quy định. Về việc điều chỉnh tiến độ dự án, UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản về việc điều chỉnh theo quy định của Luật Đầu tư. Riêng việc chủ đầu tư sử dụng lao động nước ngoài nhưng không báo cáo cơ quan chức năng, hiện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang thực hiện kế hoạch số 2015 của UBND tỉnh ngày 23/8/2024.

Đơn cử như dự án Nhà máy Điện gió Phát triển Miền núi của Công ty Cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai, UBND tỉnh nêu rõ, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ thì cơ cấu vốn thuộc sở hữu của nhà đầu tư để thực hiện không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư.

Ngày 21/7/2020, UBND tỉnh Gia Lai ban hành quyết định số 325 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió Phát triển Miền núi có tổng vốn đầu tư hơn 1.900 tỷ đồng, bao gồm: vốn góp của nhà đầu tư 383 tỷ đồng, chiếm 20% tổng vốn đầu tư; vốn vay từ ngân hàng thương mại hơn 1.500 tỷ đồng, chiếm 80% tổng vốn đầu tư. Như vậy, về năng lực tài chính của Công ty Cổ phần Điện gió Chư Prông Gia Lai thực hiện đúng quy định.

Tương tự, dự án Nhà máy Điện gió Chế biến Tây Nguyên của Công ty Cổ phần Năng lượng gió Chư Prông Gia Lai được UBND tỉnh thống nhất chủ trương cho phép điều chỉnh bổ sung ranh giới tại hai xã (đều thuộc huyện Chư Prông) tại văn bản số 2975 ngày 26/12/2019.

Hiện dự án đã cơ bản hoàn thành các hạng mục đầu tư. Trong khi đó, theo báo cáo tình hình thực hiện dự án (ngày 20/5/2024) của nhà đầu tư, tổng vốn đầu tư đã thực hiện dự án hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu hơn 486 tỷ đồng, chiếm 30,83%.

Đối với dự án này, vị trí thực hiện dự án (bổ sung xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) phù hợp với quy hoạch sử dụng đất huyện Chư Prông được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 17/2/2020.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm