Tại chương trình "Vì 1 triệu mái ấm gia đình Việt" tổ chức ở TP.HCM vào ngày 17-11, ông Hà Quang Hưng - phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) - cho rằng chính sách nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp được Nhà nước hỗ trợ gián tiếp thông qua các chủ đầu tư và trực tiếp cho người mua.
Theo ông Hưng, các chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện hành đã tháo gỡ những điểm nghẽn so với trước đây như mở rộng đối tượng thụ hưởng, nới lỏng điều kiện về cư trú, thu nhập.
Trong đó ông Hưng cho hay trước đây luật cũ quy định khắt khe hơn, để một người được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội đó là điều kiện về cư trú (muốn mua ở đâu bắt buộc phải cư trú ở địa phương đó - PV), điều kiện về nhà ở - tức chưa có nhà hoặc có nhà dưới 10m² (luật mới nâng lên 15m²) và điều kiện về thu nhập - tức dưới 15 triệu đồng/tháng với người độc thân hoặc dưới 30 triệu đồng/tháng đối với hộ gia đình.
Ông Hưng cho hay đối với người có nhu cầu thuê nhà ở xã hội, điều kiện mở hơn rất nhiều khi chỉ cần giấy xác nhận là một trong 11 đối tượng được hưởng chính sách.
Ví dụ, sinh viên có nhu cầu thuê nhà ở xã hội chỉ cần có thẻ sinh viên hoặc giấy xác nhận của trường đại học là mặc nhiên đủ điều kiện để đi thuê nhà ở xã hội.
Còn với trường hợp mua và thuê mua nhà ở xã hội, người có nhu cầu cần đáp ứng yêu cầu về nhà ở và thu nhập như đã kể trên, song điều kiện về nhà ở do văn phòng đăng ký đất đai xác nhận, còn điều kiện về thu nhập thì cơ quan, đơn vị trả lương sẽ xác nhận.
Còn với trường hợp lao động tự do không có hợp đồng lao động, ông Hưng cho biết hiện các quy định đang giao cho UBND cấp phường, xã là cơ quan xác nhận.
Về giá thuê nhà ở xã hội, ông Hưng cho hay hiện Hà Nội và TP.HCM đang xây dựng mức trần cho thuê nhà ở xã hội khá cao, với ngưỡng 100.000 đồng/m²/tháng tại TP.HCM. Tuy nhiên, đây là giá trần nên ông Hưng cho rằng giá thuê thực tế sẽ do người thuê và bên cho thuê đàm phán, nếu để giá thuê cao sẽ khó có người thuê.
Thông tin về tình hình phát triển các dự án nhà ở xã hội cho đến nay, ông Hưng cho hay cả nước đã phát triển dự án nhà ở xã hội với 42.000 căn, đã cấp phép đầu tư xây dựng 132 dự án với 120.000 căn, có 410 dự án chấp thuận chủ trương đầu tư dự án với 410.000 căn.
Ông Hưng kỳ vọng sau khi các luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản, các điểm vướng phát triển nhà ở xã hội được tháo gỡ, nguồn cung sẽ tăng lên.
Trong khi đó, TS Trương Anh Tuấn - chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Quân - cho hay có 3 yếu tố để người dân mua được nhà ở xã hội, bao gồm cơ chế chính sách, nguồn vốn và phải có tiền tiết kiệm hằng tháng.
Theo ông Tuấn, chưa bao giờ nhà ở xã hội được Nhà nước hỗ trợ tốt như hiện nay khi giá nhà ở xã hội chỉ bằng 20% giá nhà ở thương mại, trong khi người mua được vay với lãi suất ưu đãi 6,6%/năm.
Ông Nguyễn Văn Đính - phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - cho hay hiện các thủ tục đầu tư nhà ở xã hội đã được cắt giảm mạnh. Bên cạnh việc tháo bỏ rào cản cho chủ đầu tư, các ngân hàng thương mại cũng vào cuộc với gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỉ đồng.
Theo ông Đính, về lâu dài Nhà nước vẫn phải đóng vai trò chủ đạo trong việc phát triển nhà ở xã hội, từ bố trí quỹ đất, nguồn vốn vay đến đơn giản hóa thủ tục cho người mua. Khi đó, các doanh nghiệp chỉ là những "nhà thầu" được thuê để phát triển loại hình nhà ở này.