Diễn biến giá khí đốt tại châu Âu. Nguồn: Trading Economics |
Giá khí đốt trên sàn TTF của Hà Lan 21/3 là 96,3 euro/mwh, giảm 8,3% so với phiên đóng cửa cuối tuần trước. Tính từ ngày 7/3, khi giá lập đỉnh 227 euro/mwh, giá mặt hàng này giảm gần 58%.
Giá khí đốt tại Anh là 225 xu Anh/therm, giảm 8,4% so với phiên cuối tuần trước. So với mức lập đỉnh ngày 7/3 với 539 xu Anh/therm, giá mặt hàng này giảm hơn 58%.
Thị trường khí đốt hạ nhiệt sau thông tin sẽ có thêm thỏa thuận về nguồn cung. Đức và Qatar đã ký một thỏa thuận hợp tác năng lượng dài hạn, trong bối cảnh nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga vì Moscow vốn là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho Đức. Từ khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã khởi động một số sáng kiến nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng từ Nga.
Ông Habeck đã đến Qatar và hội kiến Quốc vương Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani ngày 20/3. Hai bên đã trao đổi cách thức tăng cường quan hệ, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Người phát ngôn Bộ Kinh tế Đức tại Berlin xác nhận thỏa thuận trên đã được ký kết.
Bên cạnh đó, Tập đoàn Gazprom của Nga cho biết sẽ tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu qua Ukraine theo yêu cầu của khách hàng từ châu lục trên.
Giá than cũng giảm 1,5% so với phiên cuối tuần trước và giao dịch ở mức 329,4 USD/tấn. Tính từ đỉnh giá lập ngày 7/3 với 420 USD/tấn, giá mặt hàng này giảm hơn 27%.
Trong khi đó, giá dầu ngày 21/3 lại tăng. Giá dầu Brent tương lai tăng 7,69 USD, tương đương 7,12%, lên 115,62 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai tăng 7,42 USD, tương đương 7,09%, lên 112,12 USD/thùng. Nguyên nhân là chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ cân nhắc việc có nên cấm vận dầu Nga để đáp trả nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine hay không khi nhóm họp với Mỹ trong tuần này để bàn cách củng cố hơn nữa phản ứng của phương Tây với Moscow.