Báo cáo của DKRA Việt Nam cho biết, trong hai quý đầu năm, tốc độ tăng giá của các tài sản thương mại ven biển lấn lướt toàn thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Cụ thể, tại khu vực miền Bắc, shophouse biển ghi nhận giá đỉnh 64,1 tỷ đồng một căn, miền Nam có giá cao nhất 59,8 tỷ trong khi miền Trung ghi nhận mức giá trần 33,6 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá chào bán mức sàn (thấp nhất) của dòng sản phẩm này tại 3 miền đạt khoảng 6,6-9 tỷ đồng một căn. Với mức giá chào bán 6,6-64 tỷ đồng một căn, phân khúc này tăng giá bình quân 30-40% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng lượng giao dịch shophouse biển trong 6 tháng đầu năm ở cả 3 miền Bắc - Trung - Nam đạt 3.848 căn, tăng gấp 2,6 lần so với cùng kỳ. Thanh Hóa, Kiên Giang và Bình Thuận dẫn đầu rổ hàng, chiếm đến 60% tổng nguồn cung mới trong nửa đầu năm. Miền Trung là khu vực có lượng tiêu thụ shophouse, nhà phố biển nhiều nhất.
Ở phân khúc bất động sản diện tích lớn, mức tăng giá của biệt thự nghỉ dưỡng khiêm tốn hơn so với shophouse biển. 6 tháng qua, biệt thự nghỉ dưỡng có mặt bằng giá sơ cấp chào bán ra thị trường tăng mạnh 11-28% so với cùng kỳ năm trước. Tại khu vực miền Nam, giá bán biệt thự nghỉ dưỡng trung bình 37,1 tỷ đồng một căn, trong khi giá cao nhất ghi nhận 151,1 tỷ đồng một căn.
Ở khu vực miền Trung giá chào bán cao nhất biệt thự nghỉ dưỡng cũng lên đến 134,8 tỷ đồng một căn trong khi mức đỉnh của phân khúc này ở khu vực miền Bắc ghi nhận mức giá 87,6 tỷ đồng một căn.
Nhiều địa phương mới bắt đầu gia nhập thị trường biệt thự nghỉ dưỡng như Lào Cai, Nghệ An nhưng những địa bàn mới này chủ yếu tung hàng để thăm dò và chào bán nhỏ giọt trong khi nguồn cung ở Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hòa Bình, Phú Thọ mở bán dồi dào hơn. Miền Nam chỉ chiếm 20% rổ hàng trên tổng nguồn cung biệt thự biển 2.776 căn nửa đầu năm.
Ông Võ Hồng Thắng, Phó giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA Vietnam cho biết, nguyên nhân tăng giá của các tài sản nghỉ dưỡng liền thổ trong 6 tháng qua là do chi phí đầu vào: đất, vật tư, nguyên liệu... đều leo thang. Ngoài ra, việc phục hồi thị trường du lịch đã tạo thêm niềm tin cho các chủ đầu tư công bố mở bán sản phẩm mới ở phân khúc giá trị cao hơn so với trước đây.
Ông Thắng cũng cho rằng mức giá bán tăng còn do các chính sách kích cầu: ân hạn nợ gốc, ưu đãi lãi suất, tiến độ thanh toán dài, khuyến mãi lớn đã được cộng vào giá thành. Ông dự báo, trong 6 tháng cuối năm, giá chào bán sơ cấp biệt thự nghỉ dưỡng, nhà phố, shophouse biển có thể vẫn tiếp tục tăng.
Còn theo báo cáo của Cushman & Wakefield, 3 tháng qua, giá chào bán bình quân phân khúc nhà phố thương mại ven biển Quy Nhơn, Vũng Tàu, Phan Thiết, Phú Quốc đạt 4.771 USD một m2, tăng 5% so với đợt mở bán trước hoặc giai đoạn trước của chính dự án đó.
Cá biệt trong giỏ hàng của dự án ở Quy Nhơn có vài căn shophouse giá cao nhất lên đến 10.000 USD một m2, cao nhất địa bàn này từ trước tới nay. Tuy nhiên, số lượng căn đạt mức giá này chỉ chiếm 7% tổng giỏ hàng mở bán đợt mới nhất. Đa số các căn shophouse còn lại có mức giá thấp hơn hoặc tiệm cận mức giá trung bình.
Cũng trong quý II, giá bán sơ cấp trung bình của biệt thự nghỉ dưỡng tại Quy Nhơn, Vũng Tàu, Phan Thiết, Phú Quốc dao động trong khoảng 2.000 USD một m2 và cao nhất 6.600 USD một m2, tăng khoảng 5% so với đợt mở bán trước hoặc giai đoạn trước của cùng dự án.
Cushman & Wakefield giải thích, mức tăng giá của các sản phẩm nghỉ dưỡng phụ thuộc vào tốc độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng và tiện ích của khu vực xung quanh và trong chính dự án đó. Vì vậy các đợt mở bán thường sẽ được tung ra khi có cập nhật về cơ sở hạ tầng.
Theo dữ liệu của Batdongsan, trong quý II, nguồn cung các dự án bất động sản nghỉ dưỡng chào bán trên thị trường trực tuyến đã tăng mạnh với cùng kỳ năm ngoái do tiềm năng dài hạn của thị trường du lịch vẫn rất lớn. Quỹ đất dồi dào thuộc vùng ven và các tỉnh thành phố du lịch so với khu vực trung tâm, vốn đã đạt tới ngưỡng bão hòa cũng phần nào tác động đến giá chào bán bất động sản nghỉ dưỡng tăng lên.
Tuy nhiên, Batdongsan có đánh giá thận trọng về tương lai của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Đơn vị này nhận định, với chính sách kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản, phân khúc nghỉ dưỡng có thể nằm trong nhóm sản phẩm bị chú ý do đây là loại tài sản mang nặng tính đầu cơ. Vì vậy, thị trường này có thể đứng trước phép thử trong thời gian tới.