Mới ngày nào Gen Z vẫn mong muốn được trưởng thành thế nhưng chưa kịp qua giai đoạn này họ đã sợ già đi. Vì sao?
"Tôi vừa tốt nghiệp đại học ở tuổi 22, và gần đây tôi thấy hoang mang về tuổi tác của mình, cảm giác như thời gian sắp hết", lời tâm sự từ 1 Gen Z. Nghe thật khó tin khi một người vừa mới ngoài 20 đã bắt đầu cảm thấy già đi và sợ bản thân không kịp để làm bất kỳ điều gì.
Bất ngờ hơn là điều này lại không khó bắt gặp ở những bạn trẻ, thế hệ tưởng chừng như vô cùng tươi mới lại đang hàng ngày lo lắng như thể bản thân sắp đến tuổi nghỉ hưu. Chỉ mới ngày nào vẫn còn mong muốn được trưởng thành thế nhưng chưa kịp qua giai đoạn này đã sợ già đi.
Dường như có một sự định hình mới về tuổi tác, đặc biệt trên mạng xã hội khi mà bất kỳ ai qua tuổi 20 đã tự nhận là bản thân đang "già đi". Môi trường sống, những áp lực chỉ có Gen Z trải qua đã tác động, hình thành nên những quan điểm và suy nghĩ mới trong thế hệ được cho là trẻ nhất này.
Áp lực phải thành công từ sớm
Đa số Gen Z lớn lên cùng với những lời nói bản thân đã may mắn ra sao. Những người trẻ sống trong hòa bình, không phải lo cơm ăn áo mặc như thế hệ bố mẹ, ông bà - lớn lên trong nền tài chính kém ổn định, mỗi ngày đều phải suy nghĩ về ăn sao cho no, mong có 1 nơi nghỉ ngơi đầy đủ. Như là một điều hiển nhiên, trong điều kiện đầy đủ như vậy, Gen Z chỉ tập trung học hành và làm việc, những người ở thế hệ trước thường nghĩ rằng họ nhất định có 1 con đường suôn sẻ và thành công sớm.
Dường như có quá nhiều áp lực đối với những người trẻ tuổi trong việc cạnh tranh - và phải sớm hoàn thành "cuộc đua của cuộc đời". Hannah, 21 tuổi chia sẻ: "Lớn lên sẽ luôn có một khung thời gian mà trong đó tôi phải hoàn thành mục tiêu đã được chỉ định. Nếu không thể đạt được điều đó, bằng cách nào đó tôi đã ‘thất bại' và sẽ không bao giờ 'thành công'. Cuộc đua về đích dường như ngày càng khó khăn hơn khi tôi tự đặt ra cho mình nhiều áp lực hơn. Điều này càng khiến sức khỏe tinh thần vốn đã giảm sút của tôi trở nên tồi tệ hơn".
Thế hệ Millennials thường gặp phải "khủng hoảng 1/3 cuộc đời" (third-life crisis), diễn ra ở độ tuổi từ 30 đến 40, có cảm giác lạc lõng nói chung và khá hoang mang về cột mốc được cho là quan trọng của cuộc đời. Chẳng hạn như những tiêu chuẩn cuộc sống được xã hội định hình như kết hôn, sinh con, phải có nhà có xe và công việc ổn định.
Tuy nhiên, với Gen Z những điều này thậm chí còn đến sớm hơn được gọi là "khủng hoảng 1/4 cuộc đời" (quarter-life crisis) hay còn được gọi là khủng hoảng tuổi 20. Ở độ tuổi từng được cho là được phép đánh đổi, nhận lấy rủi ro, Gen Z lại lo lắng về những điều mà đáng lẽ tuổi 30 hay thậm chí lớn hơn mới cần nghĩ đến.
Áp lực. Một trong những yếu tố khiến Gen Z kiệt quệ và cảm thấy già đi dù chỉ mới qua tuổi 20.
"Tôi, 1 người mới qua 20 tuổi cảm thấy như thời gian không còn nhiều nữa và giờ phải trở thành người trưởng thành hướng đến sự thành công. Nhưng đồng thời, tôi cũng cảm thấy mình nên có thời gian để tận hưởng cuộc sống thay vì chạy theo 'cuộc sống người lớn' trước mắt", một người viết với bút danh KTRK chia sẻ trên Voices of Youth.
Áp lực của Gen Z đến từ nhiều yếu tố khác nhau. Đa phần là áp lực đến từ gia đình của họ. Đôi khi, áp lực cũng có thể đến từ việc nghe về thành tích của người khác. Trong tiềm thức, những người trẻ phải chịu áp lực đã có trong môi trường của mình, do đó, họ phải cố gắng nhiều hơn có nghĩa là áp lực nhân đôi để thành công.
Văn hóa hối hả (hustle culture) diễn ra trong thế hệ những người trẻ sinh ra ở giai đoạn cuối của thế hệ Millennials và đầu Gen Z. Những người mới chỉ qua 20 nhưng đã chạy đua "nước rút" như thể chỉ còn một vài năm nữa là họ bắt buộc phải thành công. Và rồi tự hỏi rằng tại sao mình lại phải đi theo quyết định "già nua" đến vậy nhưng lại không thể ngừng được.
Mạng xã hội khiến Gen Z cảm thấy thời gian đang bỏ chạy
Có một xu hướng nội dung đang trở nên ngày càng phổ biến trên mạng xã hội đó là nói về khoảng cách thế hệ, nhưng không phải 10-20 năm mà chỉ trong 2-5 năm. "Các bạn ở độ tuổi ‘abc' rất kỳ lạ" hoặc "Tôi là một đứa trẻ sinh năm 98. Tôi già hơn Google 9 tháng. Thật đau đớn". Đây là những câu nói theo dạng "đùa" về số tuổi của mình nhưng cũng khiến cho Gen Z trở nên tự ti hơn. Những người trẻ, đặc biệt là phái nữ, đều mong muốn trẻ trung hơn, có 1 làn da mịn màng, xinh đẹp với thân hình cân đối như là điều mà các mạng xã hội đang "tiếp thị".
Emily - 1 người trẻ - đã chia sẻ rằng "Cứ như thể già đi là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với bất kỳ ai và nó xảy ra ngay cả với những người ngoài 25 tuổi". Sự tự ti về bản thân bắt nguồn từ sự hoảng loạn tuổi tác và bằng cách đó mạng xã hội đã khiến người trẻ có nỗi sợ ở độ tuổi mà đáng ra họ không nên có những suy nghĩ này.
Bên cạnh đó, môi trường phát triển của Gen Z rất khác so với những thế hệ trước với sự trưởng thành đồng hành với tốc độ phát triển của mạng xã hội bắt đầu phổ biến từ 2006 - 2012, khi Gen Z khoảng 4-9 tuổi. Như là 1 hệ quả tất yếu, Gen Z bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội rất nhiều. Theo Flawless, 60% người trẻ tuổi tin rằng mạng xã hội đã góp phần khiến họ cảm thấy hoang tưởng về sự già nua.
Reed Brice từng đăng tài 1 dòng trạng thái trên mạng xã hội rằng "Những người 24 tuổi có xu hướng ‘già hơn’ những người 34 tuổi". Nỗi sợ hãi về sự già nua đã thấm nhuần trong Gen Z, nhưng nó giống như một trận chiến khốc liệt hơn bao giờ hết. Mạng xã hội khiến họ cảm thấy thời gian đang bỏ chạy, một nỗi sợ hãi bị bỏ lại phía sau.
"Không chỉ những người tôi biết mà những người có ảnh hưởng (KOL) bằng tuổi tôi hoặc trẻ hơn đều đang được đánh giá cao trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Mạng xã hội không chỉ đơn thuần là nơi cập nhật tình hình, trò chuyện với người chúng ta quen - giờ đây, ở nơi này là hàng nghìn KOL giàu có hơn, hạnh phúc hơn, thành công hơn và có làn da săn chắc hơn", Abbir Dib chia sẻ.
Bằng 1 cách thần kỳ, thuật toán của mạng xã hội luôn đưa dạng nội dung này đến với Gen Z: những tuổi 20 phải có thân hình săn chắc, xinh đẹp, trải nghiệm đi qua nhiều nước, bảng điểm đều là những điểm A hay là kinh doanh thành công ngay từ khi còn bé. Nỗi ám ảnh đó khiến Gen Z cảm thấy mệt mỏi, dù có chạy miệt mài nhưng thành tích đạt được không bao giờ như kỳ vọng nếu không phải là "thần đồng".
Không có cách nào "hoàn hảo" để sống
Tiến sĩ Rose Aghdami, một nhà tâm lý học tư vấn và huấn luyện chia sẻ: "Theo kinh nghiệm của tôi, những người lo lắng về việc già đi thường cảm thấy không hài lòng với việc họ đã đi được bao xa trong cuộc đời. Điều này rất cá nhân. Mọi người sẽ có thước đo riêng về việc họ cảm thấy mình đang làm tốt hay không. Mạng xã hội khiến hầu hết những người trẻ đặc biệt là Gen Z so sánh bản thân với người khác. Đối với một số người, tôi tin rằng điều này có thể có tác động tiêu cực, làm tăng sự phân biệt đối xử và sự thiếu tự tin, lo ngại về việc sắp hết thời gian và cảm thấy không đủ".
Đầu tiên, những người trẻ phải học cách sử dụng lại mạng xã hội, tìm cách tiếp thu thông tin có chủ đích hơn thay vì để nội dung "lựa chọn" mình. Muốn kiểm soát cuộc sống cũng như nỗi sợ hãi, Gen Z phải học cách làm chủ chính mình.
Bên cạnh đó, giá trị của mỗi người không được quyết định bởi điểm số trên một tờ giấy hay là một cuốn sổ đỏ. Thành công nghề nghiệp, sự giàu có và địa vị xã hội không định nghĩa bạn - giá trị của một con người còn nhiều điều hơn thế.
Hầu hết chúng ta đều theo đuổi thành công giống như mục tiêu to lớn là vạch đích cuối cùng, sau đó chúng ta đạt đến hạnh phúc và chúng ta không còn phải làm việc chăm chỉ nữa. Nhưng đó không phải là những gì xảy ra, phải không? Trên thực tế, chúng tôi có thể bắt đầu theo đuổi một mục tiêu khác. Và mô hình này cứ lặp đi lặp lại. Vậy tại sao chúng ta phải lo lắng về sự "già đi" và không sống chậm lại một chút?
Cuối cùng, tất cả chúng ta đều đang đi trên những con đường độc nhất của mình và không có một công thức thành công áp dụng cho mọi người. "Không có cách nào hoàn hảo để sống, đó không phải là một cuộc chạy đua về đích mà là một cuộc đi lang thang trong một khu rừng bí ẩn. Bạn không bao giờ biết mình sẽ tìm thấy gì ở một thời điểm bất ngờ nào đó, nhưng nếu vội vàng, bạn có thể dễ dàng sa vào những điều tiêu cực", Hannah chia sẻ.
(Theo Young Minds, Vox, Lazy Women)