Xã hội

GDP Việt Nam chịu tác động ra sao vì thuế đối ứng của ông Trump?

Tóm tắt:
  • GDP Việt Nam có thể giảm 0,99-5,5% do thuế đối ứng của Mỹ, với mức thuế 46%.
  • Tổng thống Mỹ công bố áp thuế 10-50% cho hơn 180 quốc gia, trong đó Việt Nam chịu mức cao nhất.
  • Việt Nam cần sớm đàm phán và đa dạng hóa xuất khẩu để ứng phó với thuế mới.
  • Xuất khẩu sang châu Âu tăng trưởng mạnh, đạt hơn 200 tỷ USD sau 4 năm thực hiện EVFTA.
  • Chính phủ Việt Nam lập tổ phản ứng nhanh để đàm phán và tìm kiếm lợi ích hài hòa trong thương mại.

Hôm 2/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại, dao động 10-50%. Trong đó, Việt Nam thuộc nhóm các nước chịu mức cao nhất là 46%.

Đợt thuế này không áp dụng với một số sản phẩm như vàng, đồng, dược phẩm, gỗ nội thất, bán dẫn và một số loại năng lượng, khoáng sản không có tại Mỹ. Trong khi, nhôm, thép, xe hơi, phụ tùng xe hơi tiếp tục chịu thuế 25% đã áp trước đó.

Trong sắc lệnh hành pháp được ông Trump ký, thuế đối ứng nhằm "tái cân bằng dòng chảy thương mại". Vì thế, công thức tính thuế này dùng các dữ liệu về thâm hụt và kim ngạch xuất khẩu, cùng nhiều yếu tố khác làm đầu vào.

Điểm bất lợi là "Báo cáo các rào cản ngoại thương" của Nhà Trắng nêu thâm hụt hàng hóa của Mỹ với Việt Nam tăng từ 104,5 tỷ USD vào 2023 lên 123,4 tỷ USD năm ngoái. Thặng dư thương mại dịch vụ lại không đủ bù đắp, chỉ đạt 1,6 và 1,7 tỷ USD trong hai năm này.

Thuế suất Việt Nam áp dụng với hàng hóa Mỹ bình quân khoảng 9,4%, với phần lớn chịu cao nhất 15% hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, Mỹ cho rằng thực phẩm chế biến và nông sản bị áp cao hơn. Việt Nam đã tăng thuế nhập khẩu ưu đãi MFN (tối huệ quốc) áp dụng cho các nước trong WTO với 8 hàng hóa từ bánh kẹo, hạt óc chó, tương cà đến máy in phun những năm gần đây.

Trên tạp chí The Conversation, Giáo sư Kinh tế Niven Winchester tại Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand) chỉ ra Việt Nam thuộc nhóm đầu chịu tác động bởi thuế đối ứng, cùng với Canada, Mexico, Thái Lan, Đài Loan, Thụy Sĩ, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Sử dụng một mô hình tính toán mô phỏng tác động của các thay đổi chính sách, ông cho biết thuế đối ứng và các loại thuế quan mới của Mỹ có thể làm GDP Việt Nam suy giảm 0,99%, tương đương 5 tỷ USD. Tức là bình quân mỗi gia đình thiệt hại khoảng 196 USD (tương đương 5 triệu đồng) một năm.

Từ trái sang, tác động GDP theo tỷ lệ (%), quy mô (tỷ USD) và trung bình hộ gia đình (USD) bởi các loại thuế mới của ông Trump bao gồm thuế đối ứng với kịch bản các nước không đáp trả. Nguồn: Conversation

Ước tính tác động của tăng trưởng Việt Nam do thuế đối ứng được ING - tập đoàn tài chính tại Hà Lan - tính toán cao hơn. Phân tích mới phát hành của tập đoàn này cho biết Việt Nam có mức độ tiếp xúc với thị trường Mỹ đến 12% GDP. Vì vậy, mức thuế 46% có thể khiến 5,5% GDP đất nước gặp rủi ro.

Với nguy cơ này, Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nhất về GDP tại châu Á vì thuế đối ứng, tiếp theo là Thái Lan. Ngoài ra, VND đã giảm xuống mức thấp kỷ lục và áp lực tăng tỷ giá có thể sẽ kéo dài.

"Các mức thuế cao, đặc biệt với hai nước này, đặt ra thách thức lớn về tăng trưởng, từ xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ tới các tác động gián tiếp chuỗi cung ứng toàn cầu", báo cáo của ING nêu.

Ứng phó với áp lực thuế đối ứng, chuyên gia khuyến nghị Việt Nam sớm đàm phán theo hướng hài hòa lợi ích, đồng thời đẩy mạnh đa dạng hóa xuất khẩu.

Giáo sư Kinh tế quốc tế Phillip Harms tại Đại học Johannes Gutenberg Mainz (Đức) đề nghị ưu tiên đa dạng hóa thị trường. Theo ông, hiện hầu hết quốc gia vẫn tin vào lợi ích của thương mại tự do và tăng cường giao thương. "Vấn đề hiện tại là sự phụ thuộc quá lớn vào Mỹ khiến chúng ta rơi vào thế bị động", ông nói.

Vì vậy, các nền kinh tế sẽ phải thích nghi bằng cách đẩy mạnh hợp tác với nhau. "Điều tích cực châu Âu và Việt Nam không phải những đối tác xa lạ. EVFTA là ví dụ điển hình và hệ thống thương mại giữa các nước vẫn có thể phát triển mạnh mẽ nếu được củng cố", ông nói với VnExpress.

Cảng Lạch Huyện Hải Phòng, tháng 1/2025. (Ảnh: Lê Tân).

Năm ngoái, châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, đạt 52,1 tỷ USD, tăng 19,3% so với cùng kỳ 2023, theo số liệu của Cục Hải quan. Sau 4 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA, hiệu lực từ tháng 8/2020), kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương tăng 12-15% mỗi năm.

Đồng quan điểm, PGS TS Nguyễn Chí Hải, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM) nói Việt Nam cần nhìn những thách thức và áp lực của thuế đối ứng như cơ hội đổi mới chính mình. Một trong những hướng đi quan trọng là đa dạng hóa sản xuất, thị trường.

"Không thể chỉ tập trung vào Mỹ dù đây là thị trường lớn. Do đó, việc tìm kiếm hướng đi mới, phù hợp hơn là điều tất yếu", ông Hải nói. Cụ thể phương án đa dạng xuất khẩu cần phối hợp nghiên cứu, thảo luận giữa cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp.

Với bên áp thuế là Mỹ, các chuyên gia cho rằng cần sớm đàm phán theo hướng hài hòa lợi ích và loại trừ phương án đối đầu thương mại. GS Harms xác nhận thuế quan trả đũa cũng là một chiến thuật đàm phán nhưng nguy cơ gây tổn hại đến người tiêu dùng trong nước.

"Nếu tăng thuế lên hàng Mỹ, các nước cũng chịu thiệt, trừ khi biện pháp này đủ sức ép để khiến chính quyền Mỹ rút lại quyết định", ông nói.

PGS TS Nguyễn Chí Hải nói cần đàm phán theo hướng "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" như Thủ tướng từng nêu. "Quan hệ song phương Việt - Mỹ hiện tốt đẹp, khá thuận lợi, tạo nền tảng thương thảo khả quan. Tuy nhiên, trong đàm phán, nguyên tắc cốt lõi vẫn là bảo vệ lợi ích quốc gia, đồng thời duy trì sự thân thiện và hỗ trợ lẫn nhau", theo ông Hải.

Chính phủ đã lập tổ phản ứng nhanh, đưa ra đối sách ứng phó chủ động khi Mỹ áp thuế đối ứng tới 46% với Việt Nam.

Tại họp báo ngày 3/4, Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định Việt Nam mong muốn hướng tới cân bằng thương mại, song việc này phải "tốt hơn cho các bên". Ông Chi cho biết cuối tuần này, lãnh đạo Chính phủ sẽ sang Mỹ để trao đổi nhiều nội dung liên quan trực tiếp việc áp thuế đối ứng của Mỹ.

ING cho rằng các nước Đông Nam Á khó có khả năng đáp trả thuế đối ứng mà sẽ đi theo con đường đàm phán. Tổ chức tài chính này cho rằng Việt Nam đã nỗ lực vào phút chót để tránh bị áp thuế, nhưng đáng tiếc là không thành công.

"Việt Nam nhiều khả năng tiếp tục đàm phán với Mỹ bằng cách đưa ra thêm các nhượng bộ, chẳng hạn như giảm thuế nhập khẩu với một số mặt hàng, gồm ôtô, khí hóa lỏng và một số sản phẩm nông nghiệp", phân tích của tổ chức nêu.

Các tin khác

Đang hoàn thiện công đoạn cuối cao tốc hơn 12.500 tỷ qua Hà Tĩnh

Cao tốc Vũng Áng - Bùng có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, sau hơn 2 năm thực hiện công trình đã gần về đích và bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 6. Hầm Đèo Bụt trên cao tốc Vũng Áng - Bùng qua Hà Tĩnh được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thiện, kịp bàn giao đưa vào sử dụng.

Đàm phán giảm thuế đối ứng 46% bằng cách nào?

Trong đàm phán, Việt Nam cần nhấn mạnh chương trình cải cách kinh tế tổng thể và không nên đàm phán với Mỹ theo từng lĩnh vực, vì Mỹ đã áp thuế toàn diện để tránh việc phải quản lý hàng trăm lĩnh vực cùng lúc.