Phong cách sống

Gặp người Việt trẻ nhất lịch sử lọt list Forbes 30 Under 30 Asia: Bỏ du học Mỹ để về nước, đi làm từ năm 1 và ước vọng giúp sinh viên khởi nghiệp

TIN MỚI

Ở tuổi 20, Bill Gates bỏ học ở trường Harvard và cùng bạn bè sáng lập Microsoft, còn Isaac Newton thì bắt đầu phát triển một nhánh toán học mới.

Ở tuổi 21, Thomas Edison đã có phát minh đầu tiên của ông, một máy đếm phiếu điện tử, Steve Jobs thì trở thành nhà đồng sáng lập Apple, và Alfred Tennyson lại xuất bản tập thơ đầu tiên của mình.

Ở tuổi 22, Nhà phát minh Samuel Colt được cấp bằng sáng chế khẩu súng lục ổ quay, còn Cyrus Hall McCormick thì phát minh ra máy gặt McCormick.

Đó là một danh sách những thành tựu đầy ấn tượng của những người làm thay đổi thế giới ở độ tuổi rất trẻ. Thật ra, không chỉ những nhân vật kể trên, ai trong chúng ta cũng có (hoặc ít nhất là mong có) một “tuổi đôi mươi” như thế. Có người mơ ước “tuổi đôi mươi” của mình có thể chinh phục từ Nam chí Bắc, có người lại mong sẽ học giỏi để kiếm được công việc tốt sau ra trường… Những lý tưởng đó thật đẹp, đặc biệt là khi bạn dành thời gian ra để chăm chút, nuôi nấng những giấc mơ cho riêng mình.

Ở “tuổi đôi mươi” của mình, Trần Tuấn Minh (Brian Minh Tran, SN 2001) - Sinh viên năm 4, Viện Kinh Doanh Quản Trị, Đại học VinUni cũng có lý tưởng riêng. Tuấn Minh chọn trở thành co-founder của UpYouth - một tổ chức hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại Việt Nam.

Gặp người Việt trẻ nhất lịch sử lọt list Forbes 30 Under 30 Asia: Bỏ du học Mỹ để về nước, đi làm từ năm 1 và ước vọng giúp sinh viên khởi nghiệp- Ảnh 1.

Chân dung nam sinh Trần Tuấn Minh

Theo Tuấn Minh, một tuổi đôi mươi ý nghĩa là có thể giúp đỡ cho cộng đồng ngày càng phát triển hơn. Nhờ những cống hiến của mình, mới đây, nam sinh đã lọt vào danh sách 30 Under 30 Asia 2024 do tạp chí Forbes danh tiếng công bố. Tuấn Minh là đại diện của Việt Nam góp mặt ở hạng mục Social Impact (Tác động xã hội).

Gặp người Việt trẻ nhất lịch sử lọt list Forbes 30 Under 30 Asia: Bỏ du học Mỹ để về nước, đi làm từ năm 1 và ước vọng giúp sinh viên khởi nghiệp- Ảnh 2.

Trần Tuấn Minh

Sinh năm 2001

  • Học bổng tài năng Đại học VinUni và đạt GPA 3.89/4.0, GPA chuyên ngành tài chính 4.0/4.0

  • Đạt giải thưởng Chủ tịch ĐH VinUniversity (cho Top 5% các bạn xuất sắc nhất trường)

  • Giải nhì toàn cầu của Cuộc thi Giải bài toán kinh doanh toàn cầu 2021 cạnh tranh với 4.000 thí sinh từ 30 quốc gia

  • Được lựa chọn vào Chương Trình Phát Triển Kỹ Năng Lãnh Đạo do McKinsey tổ chức

  • Thủ khoa đầu ra tại trường cấp 3 Mỹ

  • Giải thưởng AP Học giả Quốc gia Hoa Kỳ - U.S. National AP Scholar Award, cho <1% học sinh toàn nước Mỹ

  • Đại biểu Việt cho Hội Thảo của Dự án của ĐH Harvard về châu Á và Quan hệ quốc tế

  • Từng có 3 năm làm việc từ năm nhất ĐH tại Tập đoàn bán lẻ Seedcom Group (Sở hữu Juno, Giao Hàng Nhanh, Haravan,...) và làm trợ lý cho các Giám Đốc về chiến lược, tài chính, gọi vốn, marketing, vận hành

  • Từng thực tập tại Ngân Hàng Đầu Tư BDA Partners - #1 về Cố vấn giao dịch M&A bên bán xuyên biên giới tại Châu Á, với các thương vụ M&A $100 triệu - $300 triệu cho các Công ty như Con Cưng, Nhựa Duy Tân, Nha Khoa Kim, Vĩnh Hoàn Corp...

  • Từng thực tập là Trợ lý PTGĐ Thường Trực Toàn Cầu của VinFast

Hành trình từ Việt Nam sang Mỹ rồi ngược trở lại Việt Nam

Chào Minh,

Chúng ta bắt đầu từ hành trình học tập của bạn nhé. Cơ duyên nào giúp bạn có cơ hội sang Mỹ du học từ cấp 3 vậy?

Lựa chọn đi du học từ cấp 3 cũng tới khá tình cờ với mình lúc đó, khi mình biết thông tin có cơ hội học bổng để đi du học Mỹ cho THPT vào năm lớp 9. Đối với một cậu học sinh lớp 9, Mỹ đối với mình đơn giản là một đất nước mà bản thân tò mò khám phá học hỏi. Vì vậy mình nỗ lực rất nhiều vào thời điểm đó để giành cơ hội sang Mỹ, từ việc thi chứng chỉ IELTS và ôn luyện để phỏng vấn học bổng, ngoài việc ôn thi cho kì thi tuyển sinh vào lớp 10. Rất may mắn là mình đã đạt học bổng du học Mỹ, và mình cũng đỗ vào lớp chuyên Lý của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

Vất vả để du học Mỹ, tại sao bạn không “an phận” tại vùng đất mình từng mơ ước mà chọn trở về Việt Nam giữa chừng?

Mình sẽ trả lời câu hỏi này bằng cách kể lại quãng thời gian học cấp 3 của mình tại Mỹ nhé. Trong hành trình du học tại “xứ sở cờ hoa”, mình có cơ hội được nghe nhiều tới nhà khởi nghiệp trẻ thành công như Bill Gates và Mark Zuckerberg từ đội tuổi mười chín, đôi mươi. Từ sâu trong tâm khảm, mình cũng có khát vọng đưa sản phẩm Việt ra thế giới bằng khởi nghiệp.

Tuy nhiên, khi về Việt nam gap year vào năm 2020, mình nhận ra môi trường khởi nghiệp ở Mỹ và Việt Nam có nhiều khác biệt. Khó khăn lớn nhất với các bạn trẻ tại Việt Nam khi khởi nghiệp là chưa có nhiều nguồn lực để dám chấp nhận rủi ro khi bắt tay vào xây dựng dự án (cụ thể kinh nghiệm, trải nghiệm, người đồng hành và cơ hội). Ngược lại, ở bên Mỹ người trẻ được trao cơ hội và nguồn lực rất nhiều để gia tăng cơ hội thành công.

Do đó, sau khi hoàn thành năm nhất đại học ở Đại học Carleton College (#9 Đại học Khai Phóng tại Mỹ), mình lựa chọn bỏ học bổng Mỹ để trở về nước để theo đuổi mong ước của bản thân.

Gặp người Việt trẻ nhất lịch sử lọt list Forbes 30 Under 30 Asia: Bỏ du học Mỹ để về nước, đi làm từ năm 1 và ước vọng giúp sinh viên khởi nghiệp- Ảnh 3.

Minh quyết định quay trở lại Việt Nam trong khoảng thời gian "gap year"

Cụ thể “mong ước” đó của bạn là gì?

Đầu tiên, mình đã gia nhập Đại học VinUni và từ đó cùng các bạn cùng lập lên UpYouth - một tổ chức hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp tại Việt Nam vào cuối 2020, cung cấp các nguồn lực để giúp sinh viên Việt xây dựng startup thật, dám nghĩ dám làm và thay đổi xã hội như các bạn bên Mỹ.

Đây là một quyết định khá khó khăn, vì trở về Việt Nam theo học tiếp đại học cũng chính là lựa chọn mình phải bỏ ngỏ 4 năm học ở Mỹ trước đó, và dù biết có nhiều khó khăn và có thể sẽ thất bại, nhưng mình vẫn lựa chọn quay về thành lập UpYouth.

UpYouth là hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ cho người trẻ Việt bằng cách mang tới cơ hội kết nối, cố vấn, đào tạo cùng nhiều nguồn hỗ trợ uy tín. Trải qua 03 năm hoạt động, UpYouth đã thành công xây dựng một cộng đồng với hơn 3,500 thành viên, hỗ trợ các startup gọi vốn được tổng lên tới 3,5 triệu USD, truyền cảm hứng lên tới hơn 30,000 người trẻ.

UpYouth đã giúp 30 startups sinh viên gọi tổng vốn 3,5 triệu đô sau 02 mùa TechYouth Incubator - vườn ươm khởi nghiệp tech-startup trẻ, là vườn ươm đầu tiên do sinh viên vận hành tại Việt Nam. Sau 2 mùa tổ chức, tới nay, có nhiều startup nổi bật bước ra từ chương trình.

Gặp người Việt trẻ nhất lịch sử lọt list Forbes 30 Under 30 Asia: Bỏ du học Mỹ để về nước, đi làm từ năm 1 và ước vọng giúp sinh viên khởi nghiệp- Ảnh 4.

Minh (đứng giữa) chụp ảnh cùng các bạn tại một sự kiện của UpYouth

Khi “con nhà người ta” bị so sánh với “con nhà người ta” khác

Quyết định bỏ mấy năm học ở Mỹ để về Việt Nam, gia đình Minh phản ứng thế nào? Chắc quyết định này không hề dễ dàng với bạn phải không?

Đây là một quyết định không chỉ ảnh hưởng đến mỗi mình, mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình mình nữa, bởi gia đình đã hy sinh nhiều để cho mình cơ hội đi du học. Bố mẹ mình cũng hỏi có phí công không khi chỉ còn vài năm là mình xong bằng đại học, và ngày xưa chính mình là người quyết tâm mài sức lấy học bổng để được sang Mỹ từ cấp 3.

Mình phân vân giữa 2 phương án bởi sợ bố mẹ vất vả. Nhưng rồi được gia đình động viên, mình đã quyết định lựa chọn môi trường mới để thử thách bản thân, cũng như khám phá và mở rộng kiến thức cho mình. Đích đến cuối cùng của mình từ xưa giờ trong đầu luôn là trở về Việt Nam để cống hiến, mình cũng đã tìm được ngôi trường có chất lượng học tập tốt và cũng có học bổng tại VinUni, và UpYouth cũng đang phát triển. Còn trải nghiệm ở Mỹ thực sự không phí chút nào đâu, vì nó giúp mình quan sát thế giới đa chiều hơn và luôn phản biện với những điều tưởng chừng như hiển nhiên.

Gặp người Việt trẻ nhất lịch sử lọt list Forbes 30 Under 30 Asia: Bỏ du học Mỹ để về nước, đi làm từ năm 1 và ước vọng giúp sinh viên khởi nghiệp- Ảnh 5.

Minh là thủ khoa đầu ra cấp 3 tại Mỹ

Qua những chia sẻ trên, mình thấy gia đình Minh luôn tạo cơ hội và ủng hộ mọi quyết định của con. Đó có phải phương pháp dạy con của bố mẹ Minh không?

Bài học quý giá nhất mà mình học được từ gia đình đó chính là sự tự lập và chịu trách nhiệm cho mọi hành động và quyết định của mình. Bố mẹ mình thường không hỏi và kèm cặp quá sâu vào chuyện học hành và thi cử của mình. Thay vào đó, họ luôn dặn mình phải tự chịu trách nhiệm cho cuộc đời của mình.

Ví dụ đợt ôn luyện học bổng đi du học cấp 3, hay lựa chọn trường đại học, ngành nghề gì đi làm ở đâu, bố mẹ sẽ chỉ đóng góp ý kiến cố vấn nếu cần, và nếu mình chọn sai hay vấp ngã, mình phải tự đứng dậy và sửa sai.

Nhìn những thành tích mà Minh nhận được, nhiều người sẽ ví bạn là “con nhà người ta”. Còn ở phía mình, bạn - “con nhà người ta” trong mắt nhiều nhiều có bị bố mẹ so sánh với “con nhà người ta” khác không?

Gia đình mình có phương pháp giáo dục con cái giống như bao gia đình khác thôi. Vì mình cố gắng vừa làm vừa học và làm UpYouth, nên không có nhiều thời gian cho gia đình. Chính vì điều đó mà mỗi bữa cơm bố mẹ mình vẫn ca một bài ca mang tên “con nhà người ta” và “con phải biết cân bằng được cuộc sống của mình chứ”.

Mình cũng đồng ý đó là thiếu sót mà bản thân cần cải thiện, và hiện tại đang nỗ lực học hỏi cách tối ưu thời gian để dành nhiều thời gian cho gia đình.

Công thức thành công của CEO: “Tối ưu + khuếch đại”

Ở tuổi 22, Minh đã làm ở nhiều vị trí với những title “đỉnh của chóp”, vậy cơ duyên nào đã đưa Minh đến những cơ hội đó?

Mình thì thấy các title của mình không đỉnh hơn so với nhiều bạn đâu, nhiều bạn còn giỏi hơn mình nữa. Bản thân mình luôn cố gắng xin đi làm ở nhiều chỗ trong khi học để tích lũy thêm kinh nghiệm, từ đó dẫn tới các cơ hội khác nhau.

Mình rất thích một câu nói là “Điều dẫn tới thành công không phải từ ‘một cú hích nào đó’, mà là ‘những bước đi nhỏ trong quá trình đó’”. Thật ra khi lựa chọn về Việt Nam, mình cũng có áp lực là phải nỗ lực hết mình để thành công bằng cách này hay cách khác, không thể phí hoài lựa chọn bỏ ngỏ con đường du học Mỹ để trở về Việt Nam theo đuổi lý tưởng được.

Mình nhớ hồi mới năm nhất, mình đã rải đơn xin việc khắp nơi dù chưa có kinh nghiệm gì, từ vị trí làm sales, chăm sóc khách hàng, tới liều mạng qua cả Quỹ đầu tư và đương nhiên không có hồi âm. Tuy nhiên lúc đó có một chị HR ở một công ty thấy mình tích cực “rải đơn" nên đã giới thiệu mình đi thực tập tại một công ty sở hữu hệ sinh thái bán lẻ trong khoảng thời gian gap year. Sau khi chứng minh năng lực thì mình cũng có cơ duyên làm trợ lý cho các giám đốc.

Vậy vị trí “trợ lý cho các giám đốc” đã giúp bạn học hỏi được những gì?

Vị trí trợ lý là việc rất thú vị để mình học nhanh nhất dù còn nhỏ tuổi: như học được kiến thức chuyên môn từ sếp, cách quản trị và lãnh đạo, và khi chứng minh được năng lực thì cũng được đề xuất và thực thi chuyên môn với sếp. Đây cũng là vị trí rèn cho mình trí tuệ cảm xúc (EQ), hiểu ngầm sếp mình thực sự muốn gì để hoàn thành vai trò đó. Sau 3 năm khi được nhìn sơ bộ qua các mảng chiến lược, vận hành, marketing,... thì mình nhận ra mảng đầu tư và tài chính là mảng mình hay bị “bật ra” mỗi khi tới giai đoạn đó và không hiểu rõ, vì vậy mình quyết tâm vào Ngân Hàng Đầu Tư (Investment Banking) thực tập để hiểu cụ thể gọi vốn và tài chính là gì, và mình qua BDA Partners.

Với mục tiêu mang sản phẩm Việt ra thế giới, mình đã có cơ hội nhìn qua 1 công ty vận hành của một tập đoàn trong khoảng thời gian gap year, cũng như mảng tài chính và gọi vốn tại BDA Partners, nhưng vẫn thắc mắc một công ty Việt ra thế giới thì sẽ ra sao. Mình thấy VinFast là nơi phù hợp, và mình biết khá khó để có vị trí thực tập ở đây, nên đã đánh liều tự tạo cơ hội cho mình bằng cách email nguyện vọng kèm CV trực tiếp lên Tập đoàn, kèm 54 trang tự nghiên cứu và tổng hợp trong 2 tuần về công ty, thị trường, đối thủ. Rất may là mình được phỏng vấn và được lựa chọn làm Trợ lý cho PTGĐ Thường Trực Toàn Cầu tại đây.

Gặp người Việt trẻ nhất lịch sử lọt list Forbes 30 Under 30 Asia: Bỏ du học Mỹ để về nước, đi làm từ năm 1 và ước vọng giúp sinh viên khởi nghiệp- Ảnh 6.

Minh luôn cố gắng để học hỏi và tích lũy kinh nghiệm

Cụm từ “thời gian” được Minh nhắc đến rất nhiều. Lướt qua profile của bạn, bên cạnh việc học thì mình thấy Minh tham gia rất nhiều hoạt động xã hội, rồi đi thực tập, học việc ngay từ năm nhất. Chắc khả năng multitasking (đa nhiệm) của Minh phải “đỉnh” lắm nhỉ?

Để mà nói duy trì cân bằng hết mọi thứ thì rất khó, và mình cũng phải dần dần học hỏi để mọi thứ vào guồng. Mình vẫn nhớ thời cấp 3, mình vừa học vượt tín chỉ đại học, vừa làm các hoạt động ngoại khóa và chuẩn bị hồ sơ học bổng đại học. Đỉnh điểm là mình phải liên tục hy sinh giấc ngủ của bản thân, dẫn tới việc sức khỏe sa sút và phải vào phòng cấp cứu. Từ đó mình bắt đầu quan tâm đến sức khỏe hơn.

Sau đợt phải vào phòng cấp cứu đó, mình luôn thắc mắc tại sao các anh chị CEO ôm được nhiều việc mà vẫn sinh hoạt giờ giấc đủ. Lên đại học thì mình nhận ra một công thức mà đã áp dụng cho mình xuyên suốt cho tới bây giờ là “tối ưu + khuếch đại”. “Tối ưu” là bản thân mình phải tự cải thiện hiệu suất làm việc, bằng cách trau dồi kiến thức chuyên môn, cách sắp xếp lịch, và cũng như tối ưu năng lượng làm việc của mình. “Khuếch đại” tức là năng lực quản lý đội ngũ để ra được kết quả, vì theo mình, khi tối ưu của bản thân đạt tới đỉnh điểm thì chỉ còn cách nhờ sự góp sức chung tay của các đội nhóm cùng mình làm việc.

Thế hệ Gen Z bây giờ luôn cố gắng không ngừng nghỉ để “work-life balance”, nhưng để “balance” thì rất khó vì một khi đã “work” thì không có “life” và ngược lại. Vậy bạn quản lý thời gian để vừa học giỏi, vừa tích cực tham gia các hoạt động xã hội?

Mình nghĩ bản thân con người ai cũng muốn được “relax”, mình cũng vậy thôi. Tuy nhiên nếu tìm được một công việc đúng sứ mệnh mà mình thích, ở cạnh những cộng sự cùng có lửa như mình, thì tự khắc “việc” sẽ thành “chơi”. Mình may mắn tìm được đúng sứ mệnh và cộng sự nên việc cống hiến nhiều cũng thuận theo tự nhiên. Ngoài ra nếu mình muốn cộng sự của mình cũng cống hiến như mình, thì với cương vị của một nhà sáng lập, mình đương nhiên phải làm gương trước.

Cuộc đời giống 3 cánh cửa ở CLB đêm: Người bình thường đi cửa đầu tiên, người VIP đi cửa thứ 2 và cánh cửa thứ 3 dành cho kẻ “điên rồ”

Phải chăng những thành công mà Minh nhận được hiện tại đã chứng minh phần nào cho việc bạn về Việt Nam là đúng đắn, đặc biệt khi mới đây bạn đã lọt vào danh sách Forbes 30 Under 30 Asia 2024 cho những cống hiến của bản thân?

Tới giờ mình vẫn giữ khát vọng đưa sản phẩm Việt ra thế giới bằng khởi nghiệp, và mình vừa hoàn thành xong thực tập với vị trí trợ lý Phó tổng giám đốc toàn cầu của VinFast để học hỏi kinh nghiệm đưa sản phẩm Việt ra thế giới. Mình sẽ tiếp tục đi tiếp con đường của mình để nuôi khát vọng và học hỏi khởi nghiệp.

Forbes là sự ghi nhận không phải cho thành tích cá nhân mình, mà là đại diện ghi nhận cho 1 tập thể cả gia đình, các cộng sự, bạn bè và thầy cô đã giúp đỡ UpYouth và mình tới ngày hôm nay, và mình nghĩ mình còn phải học hỏi nhiều trong thời gian tới.

Bản thân là một

Dự định tiếp theo của bản thân mình là muốn thúc đẩy nhiều sản phẩm Việt ra thế giới hơn, và không chỉ từ người trẻ.

Ngoài ra, mình vẫn còn trẻ, nên việc trau dồi học hỏi, đặc biệt từ các anh chị đi trước cũng rất quan trọng, mình sẽ tốc lực hơn với việc học hỏi trong thời gian tới. Còn về cụ thể dự tính thế nào, thì mình vẫn như những sinh viên khác, đang trên con đường lựa chọn những dự định cụ thể cho bản thân tương lai để thực hiện hóa giấc mơ.

Nhưng mình luôn biết rằng để thành công thì mình sẽ phải chuẩn bị một tinh thần chấp nhận nhiều thất bại, nâng cao khả năng bền bỉ của mình để vượt qua khó khăn, tìm được những cộng sự cùng chung chí hướng để thực hiện hóa giấc mơ của mình dù khó tới đâu. Đây là cũng là điều mình học được qua quá trình làm UpYouth.

Gặp người Việt trẻ nhất lịch sử lọt list Forbes 30 Under 30 Asia: Bỏ du học Mỹ để về nước, đi làm từ năm 1 và ước vọng giúp sinh viên khởi nghiệp- Ảnh 7.

Minh khuyên các bạn trẻ hãy luôn bền bỉ theo đuổi mục tiểu của mình

Là một người trẻ có sức ảnh hưởng, để chia sẻ một vài điều truyền cảm hứng đến các bạn trẻ, Tuấn Minh sẽ nói gì?

Mình vẫn nghĩ bản thân chỉ là “hạt cát” trong xã hội, còn nhiều thứ để học và còn rất nhiều bạn trẻ giỏi hơn mình, nên nếu gọi là có “sức ảnh hưởng” thì chưa đúng lắm.

Nhưng mới đây, mình được một người bạn chia sẻ một cuốn sách là Kẻ Khôn Đi Lối Khác - The Third Door, được viết bởi một sinh viên Mỹ tên Alex Banayan còn ngồi trên ghế nhà trường, có tham vọng tưởng chừng như “điên rồ” là muốn gặp được những người nổi tiếng như Bill Gates, Warren Buffett, hay Lady Gaga, để phỏng vấn lý do họ thành công. Mình thấy được 2 bài học:

Một là sau khi phỏng vấn những người thành công như vậy, thì tác giả đúc kết ai cũng có thể thực hiện giấc mơ của mình, chỉ cần mình tìm được “cánh cửa thứ 3” cho dù xuất phát điểm mình ở đâu chăng nữa. Tác giả ví cuộc sống giống như một câu lạc bộ đêm với 3 lối vào. Cánh cửa 1 là cửa chính, nơi 99% mọi người tuân thủ theo định luật hiển nhiên để xếp hàng chờ vào. Cánh cửa thứ 2 dành cho thiểu số là cửa VIP, dành cho các tỷ phú và những người nổi tiếng. Nhưng không ai nói về cánh cửa thứ 3 là lối vào mà mình phải tách khỏi đám đông và tự tìm con đường riêng của mình, tự trèo rào, chuồn vào trong qua cửa phụ, tự gõ cửa trăm lần để xin vào,... và đây là lối vào của những người thành công.

Hai là Alex cũng giống như chúng mình, dù là sinh viên 18 tuổi không có mối quan hệ nào, bạn vẫn quyết tâm thực hiện hóa giấc mơ phỏng vấn những người nổi tiếng. Bạn chuyển từ trường Y sang trường kinh doanh dù ba mẹ phản đối, nhận được thư từ chối trăm lần, hoặc bị từ chối thẳng thừng ngay trước mặt. Tuy nhiên sau vài năm bạn đã phỏng vấn được những người thành công, và cuốn sách của bạn đã là #1 International Bestseller.

Vì vậy nên mình muốn truyền tải thông điệp là: Dù còn trẻ và thiếu nhiều kinh nghiệm, nhưng nếu mình bền bỉ, đi tìm cánh cửa thứ 3 như Alex, thì mình nghĩ mọi người sẽ làm được thôi.

Cảm ơn những chia sẻ của bạn!

Ảnh: NVCC

Cùng chuyên mục

Đọc thêm