Khối ngoại rút gần 18.800 tỷ đồng từ đầu năm, gia tăng áp lực bán trong tháng 12
Hiện tượng rút ròng theo chuỗi thường xuyên diễn ra trong năm 2021 khi khối ngoại bán ròng kỷ lục 62.538 tỷ đồng.
Số phiên bán trong trên HOSE hiện còn cách xa đợt rút ròng 13 phiên liên tiếp của khối ngoại từ ngày 25/8/2021 đến ngày 14/9/2021. Cũng trong năm 2021, sàn HOSE từng ghi nhận kỷ lục 24 phiên rút ròng liên tiếp từ ngày 19/2 đến ngày 24/3.
Không chỉ ít hơn về số phiên, lực bán của nhà đầu tư nước ngoài so với giai đoạn trước cũng giảm đáng kể. Trong chuỗi 11 phiên, duy nhất ngày 5/12 chứng kiến chênh lệch hai chiều mua bán hơn 1.500 tỷ đồng. Trong khi những phiên xả hàng nghìn tỷ đồng trên HOSE không hiếm gặp trong hai năm 2021 – 2022.
Quan sát động thái của khối ngoại, áp lực dường như đổ dồn về tháng cuối năm. Giá trị rút ròng kể từ đầu tháng trên sàn HOSE đạt 5.920 tỷ đồng tính đến ngày 13/12, lớn hơn hai tháng 10 và 11.
Nếu không có sự đảo chiều xu hướng trong những ngày còn lại, có khả năng tháng 12 đánh dấu quy mô bán lớn nhất trong hai năm trở lại đây.
Thống kê cho thấy, dòng tiền ngoại rút ra khỏi sàn HOSE kể từ đầu tháng 4 và từ đầu năm 2023 lần lượt là 26.698 tỷ đồng và 20.782 tỷ đồng. Ở trạng thái đối lập, sàn HNX hút ròng được 2.953 tỷ đồng trong khi thị trường UPCoM cùng xu hướng với HOSE với lực rút nhẹ 961 tỷ đồng.
Như vậy, chứng khoán Việt Nam chịu áp lực bán 18.790 tỷ đồng trong hơn 11 tháng của năm 2023, gần bằng năm 2020.
Khối ngoại mua bán thế nào trên HOSE kể từ đầu tháng 12?
Trở lại với diễn biến giao dịch của khối ngoại trong tháng 12, nhà đầu tư nước ngoài gia tăng áp lực bán trên HOSE trên cả kênh cổ phiếu và chứng chỉ quỹ ETF nội với giá trị lần lượt là 4.998 tỷ đồng và 912 tỷ đồng trong khoảng thời gian 1 – 13/12.
Sau giai đoạn hút tiền, các ETF nội bị rút ròng gần 5.700 tỷ đồng kể từ đầu năm, trong đó quy mô rút quỹ là hơn 10.800 tỷ đồng, gấp đôi lượng tiền huy động được. Trong giai đoạn này, DCVFMVN Diamond ETF và SSIAM VN Finlead ETF tiếp tục giảm quy mô.
Còn với cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE, lực bán tập trung trong nhóm VN30 khi chiếm gần 70% giá trị rút toàn sàn. Nhà đầu tư ngoại bán ròng 10.347 tỷ đồng cổ phiếu trong nhóm này và mua vào 6.886 tỷ đồng, chênh lệch 3.461 tỷ đồng.
Chi tiết theo từng mã, top 10 bị xả lớn nhất có 8 cổ phiếu thuộc rổ VN30, ngoại trừ VND ở vị trí cuối bảng xếp hạng và DXG ở vị trí thứ 8.
Cổ phiếu của VHM của Vinhomes dẫn đầu với giá trị 1.154 tỷ đồng. Đây là mã duy nhất chịu áp lực bán ra trên 1.000 tỷ đồng và bỏ khá xa vị trí thứ hai. Trong 3 tháng qua, dòng tiền ngoại rút hơn 2.600 tỷ đồng khỏi mã này, xếp thứ hai thị trường, sau MWG (2.712 tỷ đồng). VIC cũng bị bán hơn 133 tỷ đồng từ đầu tháng 12.
Theo quan sát, VNM của Vinamilk bị bán ròng 503 tỷ đồng, kế sau đó là STB (488 tỷ đồng), HPG (304 tỷ đồng). Quy mô bán ròng 200 – 300 tỷ đồng còn có bốn mã là VCB (273 tỷ đồng), MSN (270 tỷ đồng), VPB (246 tỷ đồng), DXG (222 tỷ đồng).
Dòng tiền ngoại cũng rút với giá trị 100 – 200 tỷ đồng tại các cổ phiếu như SHB, VND, VCI, HCM. Ở nhóm chứng khoán, ngoài các mã trên, tiền ngoại còn rời khỏi VIX, SSI.
Nhóm cổ phiếu bị bán ròng nhẹ còn có sự xuất hiện của MWG. So với những tháng trước đó, lực xả tại cổ phiếu của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam suy giảm đáng kể trong tháng 12 và xuất hiện những phiên mua ròng trở lại.
Ở chiều đối lập, cổ phiếu MBB được mua nhiều nhất với giá trị 343 tỷ đồng. Nhà đầu tư còn mua vào hai cổ phiếu vốn hóa lớn là VHC (212 tỷ đồng) và DGC (150 tỷ đồng). Bluechip khác được mua trên 100 tỷ đồng là FPT (149 tỷ đồng).
Còn trên sàn HNX, khối ngoại mua ròng nhẹ 60 tỷ đồng, tập trung vào IDC (107,6 tỷ đồng) và CEO (47,1 tỷ đồng). Chiều ngược lại, SHS bị bán hơn 76 tỷ đồng. Pyn Elite Fund là quỹ đầu tư giao dịch cổ phiếu SHS nhộn nhịp nhất khi trở thành cổ đông lớn và liên tục mua vào bán ra.
Tại thị trường UPCoM, khối ngoại rút ròng nhẹ 55 tỷ đồng, giao dịch tập trung tại QNS, ACV, VEA trong khi TCI dẫn đầu ở chiều bán ra.