Chuyển đổi bền vững là cơ hội quan trọng
Hiện tại, 97% doanh nghiệp tại Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đứng trước nền kinh tế đầy biến động, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phải đóng cửa hoặc gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh. Theo ACCA, có 3 rào cản chính dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay đó là: chi phí leo thang, thách thức về nhân tài và các tiêu chí về Môi trường, Xã hội & Quản trị doanh nghiệp. Báo cáo của ACCA đi sâu vào những áp lực kinh tế toàn cầu mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt, với trọng tâm cụ thể về vấn đề chi phí leo thang.
“Tại thời điểm thử thách này, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải hướng tới các chiến lược đổi mới để vượt qua những khó khăn về áp lực chi phí, giữ chân nhân tài và các chính sách bền vững.” - Bà Aleksandra Zaronina-Kirillova, Giám đốc Nghiên cứu chuyên sâu các doanh nghiệp nhỏ và vừa của ACCA.
Trong bối cảnh giá cả điện nước, chất đốt và nguồn cung vật liệu tăng đáng kể, 20% doanh nghiệp đang chật vật với mức tăng hơn 20% về giá các tiện ích và 19% về nguồn cung vật liệu. Lạm phát vẫn là mối lo ngại lớn đối với 58% doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023, từ đó chỉ ra những thách thức mà các doanh nghiệp trên toàn cầu đã phải đối mặt trong suốt 18 tháng qua.
Trong khi đó, tính bền vững đã trở thành nền tảng cho các doanh nghiệp nhỏ, với gần 50% doanh nghiệp nhỏ và vừa bày tỏ nhu cầu tìm hiểu thông tin về ESG. Tuy nhiên việc tìm hiểu thông tin sai lệch về các tiêu chuẩn ESG vẫn có khả năng xảy ra. Việc này có thể dẫn đến những bất cập và khó khăn cho doanh nghiệp. ACCA khẳng định chuyển đổi doanh nghiệp theo hướng phát triển bền vững là cơ hội quan trọng để các hoạt động kế toán dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thu hẹp khoảng cách này và hỗ trợ các doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn ESG.
Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, ACCA phối hợp với các tổ chức tại địa phương để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm tối ưu hoạt động, đạt được chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Gần đây nhất là phối hợp với VINASME để tổ chức hội thảo tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Việc đổi mới dần trở thành yếu tố then chốt để vượt qua thách thức. Báo cáo ACCA cho thấy 63% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang nỗ lực tập trung vào cải tiến quy trình hiện có, trong khi đó chỉ 31% doanh nghiệp lên kế hoạch tự động hóa và số hóa quy trình vận hành. Điều này mang đến cơ hội rộng mở hơn về tự động hóa và số hóa nhằm mở rộng con đường tăng trưởng. Bên cạnh đó phát triển những kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng quản lý và kỹ thuật số, được xem là yếu tố quan trọng để thúc đẩy quá trình đổi mới.
Thúc đẩy Công nghệ Kỹ thuật số
Các hoạt động kế toán dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMPs) đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghệ kỹ thuật số đối với các doanh nghiệp nhỏ và nhà khởi nghiệp. Ứng dụng công nghệ không chỉ quan trọng trong việc phục hồi doanh nghiệp mà còn là động lực chính cho sự đổi mới. Ông Ren Varma, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của ACCA đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa: “Bối cảnh kỹ thuật số không chỉ là điều cần thiết; đó là nền tảng cho khả năng phục hồi và tăng trưởng.”
Ông Ren Varma, Giám đốc ACCA Khu vực Đông Nam Á
Ngoài ra, báo cáo khuyến nghị các hoạt động kế toán dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên đầu tư vào nhân tài, sắp xếp công việc linh hoạt và tận dụng công nghệ. Bên cạnh đó, khám phá các cơ cấu tổ chức mới được coi là rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng và thích ứng với bối cảnh doanh nghiệp đang phát triển. Những khuyến nghị này cũng phù hợp với quyết tâm của Việt Nam trong việc kích thích tăng trưởng và giải quyết những thách thức mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt.
Đặc biệt, các hoạt động kế toán dành cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được khuyến khích kết hợp chuyên môn tài chính với những trọng tâm về chiến lược để đáp ứng những kỳ vọng ngày càng tăng của khách hàng. Thấu hiểu được nhu cầu và tham vọng của khách hàng là điều quan trọng để khối doanh nghiệp này đưa ra các giải pháp phù hợp và vượt qua các thách thức một cách hiệu quả.