Hiện nay người tiêu dùng và các nhãn hàng thời trang ngày càng đặt nặng yếu tố phát triển bền vững (ESG) để giảm tác động đến môi trường, bảo vệ quyền lợi cho người lao động sau các sự việc vi phạm xảy ra tại Tân Cương (Trung Quốc) hay biểu tình tại Bangladesh.
Theo đó, ESG đang trở thành một yếu tố tiên quyết trong lựa chọn đơn vị gia công của các nhãn hàng thời trang trên thế giới khi hầu hết nhãn hàng lớn (Adidas, Nike, H&M...) đều đã và đang đặt ra những lộ trình, cam kết về ESG trong giai đoạn 3-5 năm tới.
Ngành dệt may Việt Nam cũng đang chú trọng đầu tư ESG, trong đó Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG) là một trong những doanh nghiệp đi đầu tại Việt Nam về phát triển bền vững từ 2016 đến nay.
Theo tài liệu từ Chứng khoán BIDV (BSC), TNG đang hướng đến lộ trình 100% không phát thải cacbon và tăng tỷ trọng sử dụng năng lượng tái tạo. Công ty lên kế hoạch xây dựng lắp đặt hệ thống điện mặt trời gác mái và hệ thống BioMass với ước tính giá trị đầu tư khoảng 800 tỷ đồng.
Nguồn tài trợ cho dự án trên sẽ đến từ các nguồn tín dụng xanh với lãi suất thấp, do vậy, BSC đánh giá nhìn chung khoản vay thực hiện dự án sẽ không gây tác động tiêu cực lên kết quả kinh doanh trong năm 2024.
Con số 800 tỷ đồng chiếm tỷ trọng khá lớn trong quy mô hoạt động của TNG. Doanh nghiệp dệt may này có tổng tài sản khoảng 5.250 tỷ đồng, phần lớn nằm ở tài sản cố định gần 2.200 tỷ đồng. Như vậy, dự án ESG trên tương đương hơn 1/3 tài sản cố định hiện tại của doanh nghiệp.
So với kết quả kinh doanh, số vốn đầu tư này cao hơn tổng lợi nhuận của 3 năm gần nhất (2021-2023). Tại thời điểm cuối năm ngoái, TNG đang có vay nợ tài chính tổng cộng hơn 2.640 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng nguồn vốn.
Công ty dệt may trong những năm gần đây đã đầu tư nhiề u hệ thống công nghệ cao nhằm tiết kiệm năng lượng sử dụng (hệ thống đèn điện LED, lấy sáng tự nhiên Sunoptics Skylight, Pin mặt trời…) và nhiều công nghệ được chuyển giao khác trong xử lý nước và chất thải.
TNG cũng thực hiện công bố thông tin về ESG theo tiêu chuẩn GRI thông qua báo cáo phát triển bền vững hàng năm (TNG là doanh nghiệp duy nhất công bố thông tin đầy đủ theo bộ tiêu chuẩn này) và là đơn vị đã đáp ứng bộ 17 tiêu chí của Liên Hợp Quốc về ESG.
Chuyên gia BSC đánh giá việc công ty đáp ứng được các yếu tố về ESG giúp gia tăng lượng đơn hàng từ cả khách hàng cũ và mới.
Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo TNG, lượng đơn hàng đã được lấp kín tại các nhà máy cho đến giữa năm 2024 nhờ đơn hàng hồi phục so với cùng kỳ tại thị trường Mỹ và lượng đơn gia tăng từ Decathlon nhằm phục vụ Olympic mùa Hè.
Do đó, công ty Việt Nam dự kiến gia tăng công suất nhà máy thêm 45 chuyền may (tăng thêm 15% so với cùng kỳ) và tuyển thêm 3.000 nhân công (cao hơn 20% so với cùng kỳ) trải dần từ tháng 3. Cũng lưu ý rằng, chi phí nhân công bình quân sẽ tăng 7% do tăng lương tối thiểu.
Lãnh đạo TNG còn có kế hoạch dịch chuyển 2 nhà máy Việt Đức và Việt Thái vào trong KCN Sơn Cẩm, nhằm tăng tính liên kết với các nhà máy phụ trợ. Hai khu vực nhà máy hiện tại sẽ được tận dụng làm nhà xưởng, nhà kho cho thuê, chờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ công nghiệp sang đất nhà ở.
Một yếu tố khác hỗ trợ cho triển vọng đơn hàng khả quan là tồn kho quần áo thị trường Mỹ neo ở mức thấp, trong khi thị trường bán lẻ quần áo duy trì xu hướng hồi phục từ cuối năm 2023 đến nay. Doanh số thị trường bán lẻ quần áo Mỹ đã tăng trở lại 5% trong tháng cuối năm ngoái.
Theo đó, nhóm phân tích BSC dự phóng doanh thu của TNG có thể đạt 8.061 tỷ đồng trong năm nay, tăng trưởng 14%. L
Theo báo cáo tài chính riêng tháng 1, TNG ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng 32% lên gần 524 tỷ đồng. Trừ các chi phí, công ty báo lãi sau thuế gần 15 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước.
Ngay từ đầu năm 2024, TNG cho biết công ty đã ký các đơn hàng may xuất khẩu với nhiều đối tác như: Decathlon, Columbia, The Children's Place, Sportmaster, Costco, Nike, Adidas…
Theo SSI Research, biên lợi nhuận gộp của các công ty may mặc sẽ dần cải thiện lên mức 14-15% trong năm 2024 so với mức 11-14% của năm ngoái do nhu cầu phục hồi chậm xuyên suốt cả năm.