Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến dự.
Các dự án đầu tư tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến thực phẩm, nông thủy sản, giày da; sản xuất bê tông, dây điện ôtô, kho xăng dầu; xây dựng khu đô thị...
Ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết lãnh đạo tỉnh cam kết xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch; tạo điều kiện thuận lợi nhất và luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp để thực hiện thành công các dự án và phát triển bền vững tại địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý, các nhà đầu tư đến với vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như Vĩnh Long bằng tình cảm, trách nhiệm, cùng chia sẻ, lắng nghe, cùng hành động và cùng phát triển; kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp cho an sinh xã hội.
"Cam kết đầu tư là phải thực hiện, hứa thì phải làm, làm phải có sản phẩm cân đong đo đếm được, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp...", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Vĩnh Long rộng hơn 1.479 km2, nằm ở trung tâm Đồng bằng Sông Cửu Long, giữa sông Tiền và sông Hậu; dân số hơn một triệu người. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỉnh đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế gần 5%, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 55,5 triệu đồng, tăng 18 triệu đồng so với năm 2015. Tỉnh phấn đấu trở thành địa phương phát triển nhanh và bền vững vào năm 2025.
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Vĩnh Long trở thành tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt. Tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021-2030 là 7%/năm.
Tầm nhìn đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so cả nước...