Theo chia sẻ từ TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, cơ hội cho doanh nghiệp trong năm 2024 tương đối khả quan. Các động lực tăng trưởng cho năm 2024 bao gồm: công nghiệp dịch vụ đã phục hồi tốt hơn so với năm 2023 (từ phía cung) và xuất khẩu, tiêu dùng tiếp đà phục hồi; đầu tư công, đầu tư tư nhân và thu hút FDI được đẩy mạnh hơn; cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu, từ việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược.
“Những tín hiệu phục hồi này đã có từ tháng 6/2023 và đến nay khá rõ nét. Ngoài ra, các chính sách vĩ mô, quản trị rủi ro trong nước tốt. Lạm phát có tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát; lãi suất giảm và tỷ giá cơ bản ổn định là những cơ sở quan trọng để ổn định sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Lực nói.
Theo nhìn nhận từ các chuyên gia tại hội nghị, thời gian vừa qua là thời điểm chưa từng có của Chính phủ trong cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện thể chế với hàng chục Luật được thông qua về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng sửa đổi… giúp đảm bảo tính nhất quán trong thực thi pháp luật.
Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết, dấu hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện từ tháng 6/2023 rồi. Triển vọng cho sự phục hồi năm 2024 là có nhưng trong bối cảnh bên ngoài vẫn còn nhiều điểm khó dự đoán. Năm nay là năm bầu cử của cả thế giới, và các chính sách của các nước trong đầu tư, thương mại có thể sẽ thay đổi. Cùng đó, hiện nay khó khăn của doanh nghiệp vẫn còn, như về chi phí đầu vào, đơn hàng, nghĩa vụ tài chính….
Các chuyên gia cho rằng, vẫn còn đó những rủi ro từ xung đột địa chính trị phức tạp, lạm phát và lãi suất dù giảm nhưng còn cao; đà phục hồi ở một số nước chậm lại (Mỹ, Nhật Bản, Anh và Trung Quốc…) kéo theo tăng trưởng toàn cầu thấp hơn 2023…
Ngoài ra, ở trong nước, tổng cầu tiêu dùng vẫn còn chậm, nhất là tiêu dùng chỉ bằng ½ so với trước đây. Đầu tư tư nhân tăng thấp, năm ngoái chỉ tăng 2,7%. Điều này xuất phát từ niềm tin về sự phục hồi của doanh nghiệp chưa thực sự vững chắc.
Theo Giám đốc Viện FNF Việt Nam - GS TS Andreas Stoffers tại hội nghị: “Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực mà Chính phủ Việt Nam thực hiện trong suốt thời gian qua về tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp… Song vẫn cần tiếp tục tăng cường hơn nữa sự minh bạch trong thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp thuận lợi tiến về phía trước, đẩy nhanh và mạnh hơn quá trình tinh giản thủ tục hành chính.
Cùng quan điểm trên, theo ông Cấn Văn Lực, ngoài các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, chúng ta cũng cần quyết liệt hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt khắc phục tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm. Cùng đó, tăng cường đối thoại, lắng nghe doanh nghiệp để cùng nhìn tác động nhận chính sách và đồng hành với doanh nghiệp.
“Với doanh nghiệp, tôi cho rằng cần phải tự làm được 4 việc, bao gồm: quyết liệt tái cơ cấu để giảm chi phí và mô hình hoạt động phù hợp hơn; tìm hiểu và tận dụng các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ; bắt kịp xu hướng mới, số hóa, xanh hóa. Vấn đề này doanh nghiệp và nhà nước đã làm rồi nhưng vẫn còn chậm và chưa bài bản. Cuối cùng là liên kết các doanh nghiệp trong tỉnh, trong vùng và với các doanh nghiệp FDI để làm sao có thể hấp thu tốt nhất hàm lượng khoa học công nghệ vào sản xuất”, ông Lực đề xuất.
“Như tỉnh Bắc Giang đặt tăng trưởng 14,5%/năm 2024 nhưng câu chuyện bền vững mới quan trọng. Chất lượng tăng trưởng thế nào, liên quan năng suất lao động, đóng góp của yếu tố khoa học kỹ thuật, cơ cấu kinh tế đã hợp lý chưa; hay cả vấn đề kinh tế số, kinh tế xanh, khu công nghiệp xanh - sinh thái”, ông Cấn Văn Lực nói.
Ông Phan Đức Hiếu cho hay, điều hành kinh tế năm 2024 đã có sự thay đổi mạnh mẽ. Trong 3 nền tảng là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thời điểm 2 năm trước, chúng ta ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Nhưng đến năm nay, Chính phủ đặt trọng tâm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng thông qua chính sách tiền tệ; giữ ổn định vĩ mô là thứ 2, và tài khóa là thứ 3.
Như vậy, chiến lược của doanh nghiệp cũng phải linh hoạt theo để đón đầu và phù hợp; trong đó có vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, chuyển đổi số, sáng tạo, sản xuất chip…, thì cơ hội nào cho doanh nghiệp? Bản thân doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, xúc tiến đầu tư phải cùng ngồi lại để xem xét từ các chính sách hỗ trợ, tác động ra sao và làm thế nào để tận dụng.