Mark Zuckerberg về cùng phe với Elon Musk
Từ năm 2016 tới nay, mối quan hệ giữa Mark Zuckerberg và Elon Musk luôn trong trạng thái bất ổn. Họ bất đồng với nhau về mọi thứ, thậm chí chỉ trích nhau công khai chứ không chỉ dừng lại ở việc mỉa mai bóng gió trên mạng xã hội.
Thế nhưng mới đây, một động thái mới từ phía Meta đã bất ngờ đưa Mark về chung chiến tuyến với Elon Musk. Cụ thể, Meta đã lên tiếng phản đối kế hoạch của OpenAI chuyển đổi từ mô hình phi lợi nhuận sang công ty vì lợi nhuận. Đây cũng là vấn đề mà Musk đang đấu tranh.
Mối hiềm khích của Mark Zuckerberg và Elon Musk đã kéo dài tới gần 1 thập kỷ.
Trong bức thư gửi Tổng chưởng lý California, Rob Bonta, Meta cảnh báo rằng việc cho phép OpenAI – "cha đẻ" của ChatGPT – thay đổi mô hình hoạt động sẽ có "những tác động to lớn đến Thung lũng Silicon". Bức thư nêu rõ: "OpenAI không được phép vi phạm pháp luật bằng cách chiếm dụng tài sản của tổ chức từ thiện để sử dụng cho mục đích tư nhân nhằm thu lợi nhuận khổng lồ."
Meta còn nhấn mạnh: "Chúng tôi tin rằng Elon Musk và Shivon Zilis có đủ trình độ và vị thế để đại diện cho quyền lợi của người dân California trong vấn đề này." Động thái này được đánh giá là khá bất ngờ bởi Zuckerberg và Musk vốn có mối quan hệ đối đầu công khai cũng như kín đáo trong nhiều năm qua.
Hiện tại, OpenAI là đối thủ cạnh tranh hàng đầu của Meta trong cuộc đua công nghệ AI.
Trước đó, Musk và cựu thành viên hội đồng quản trị OpenAI, Shivon Zilis, đã nộp đơn yêu cầu thẩm phán liên bang ở San Francisco ngăn chặn OpenAI chuyển đổi thành công ty vì lợi nhuận. Các luật sư của Musk cho rằng OpenAI giống như một "Frankenstein, được lắp ghép từ nhiều mô hình pháp lý để phục vụ lợi ích tài chính của Microsoft và CEO Sam Altman".
Động thái này đánh dấu bước leo thang trong vụ kiện của Musk chống lại OpenAI – công ty mà ông đồng sáng lập vào năm 2015 nhưng đã rời đi sau xung đột với Altman. Sau khi rời OpenAI, Musk đã thành lập công ty AI riêng mang tên xAI.
OpenAI lên tiếng
Sam Altman, CEO của OpenAI
OpenAI, được thành lập năm 2015 với mô hình phi lợi nhuận, hiện đang có kế hoạch tái cấu trúc thành công ty phúc lợi công cộng vì lợi nhuận. Bộ phận phi lợi nhuận vẫn tiếp tục tồn tại, nhưng không còn quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh của công ty.
Tuần trước, OpenAI đã công bố một loạt email và tin nhắn nội bộ nhằm phản bác yêu cầu ngăn chặn của Musk. Trong các tài liệu này, OpenAI cho rằng chính Musk đã từng ủng hộ việc chuyển đổi mô hình thành công ty vì lợi nhuận, nhưng rời đi khi không đạt được mục tiêu kiểm soát hoàn toàn công ty.
Elon Musk hiện là đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), nơi ông giữ vai trò cố vấn cho Tổng thống đắc cử Trump. Vai trò mới của Musk làm dấy lên lo ngại về xung đột lợi ích, nhất là khi ông vẫn sở hữu các doanh nghiệp tư nhân như Tesla, SpaceX và xAI.
Phát biểu tại một hội nghị của tờ New York Times, CEO OpenAI, Sam Altman, nhấn mạnh: "Sẽ cực kỳ phản Mỹ khi sử dụng quyền lực chính trị để làm tổn hại đối thủ cạnh tranh và trục lợi cho doanh nghiệp của chính mình. Tôi không nghĩ Elon sẽ làm vậy, và tôi không nghĩ người dân sẽ chấp nhận điều đó."