Tài chính

Phương Tây tung đòn trừng phạt liên hoàn, ngành trụ cột của kinh tế Nga lung lay, chứng kiến hoạt động kinh doanh sụt giảm

Phương Tây tung đòn trừng phạt liên hoàn, ngành trụ cột của kinh tế Nga lung lay, chứng kiến hoạt động kinh doanh sụt giảm- Ảnh 1.

Theo Business Insider, hoạt động xuất khẩu dầu qua đường biển của Nga - một phần quan trọng trong hoạt động thương mại dầu mỏ của nước này, đã chịu ảnh hưởng lớn trong những tháng gần đây. Nguyên nhân là các lệnh trừng phạt của phương Tây đang gây ảnh hưởng lớn đến một trong những nguồn thu quan trọng nhất của Moscow.

BI trích dẫn dữ liệu cho thấy Nga đã vận chuyển 3,06 triệu thùng mỗi ngày bằng đường biển trong 4 tuần trước ngày 15/12. Con số này giảm khoảng 13% so với mức trung bình trong 4 tuần cao điểm của tháng 10, khi đó nước này vận chuyển 3,46 triệu thùng dầu thô mỗi ngày.

Hoạt động xuất khẩu dầu của nước này cũng giảm so với năm 2023. Từ đầu năm đến nay, Moscow xuất khẩu trung bình 70.000 thùng dầu thô mỗi ngày, thấp hơn 2% so với mức trung bình năm 2023.

Xu hướng sụt giảm một phần đến từ việc một trong những trung tâm xuất khẩu chính của Nga đang trong quá trình bảo trì và một phần là do ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt. Các quốc gia phương Tây đã thực hiện những động thái gia tăng áp lực lên hoạt động kinh doanh dầu mỏ của Nga trong những tháng gần đây.

Đầu tuần này, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa thêm 42 tàu chở dầu của Nga vào danh sách đen, khiến việc bán dầu thô cho khu vực này của Nga trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, tuần trước, Mỹ cho biết cũng đang cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm ngặt hơn với dầu Nga.

Giá dầu thô trên thế giới giảm cũng là một lực cản khác đối với Nga. Tổng giá trị các chuyến hàng dầu thô của Nga trong tuần kết thúc vào ngày 15/12 đã giảm xuống còn khoảng 1,36 tỷ USD, thấp hơn 70 triệu USD so với tuần trước. Dữ liệu của Argus Media cho thấy giá xuất khẩu dầu tại các cảng Baltic cũng giảm 0,60 USD so với tuần trước.

Doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã giảm đáng kể do chịu ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt bắt đầu được áp dụng từ năm 2022, bao gồm mức giá trần 60 USD và lệnh cấm của EU với các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Ngoài ra, doanh thu từ dầu mỏ của quốc gia này đã giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 11. Mức sụt giảm này tương tự như mức được ghi nhận vào năm 2023, khi doanh thu từ dầu mỏ của Điện Kremlin ước tính giảm 24%.

Là thành viên của OPEC+, Nga đang phải đối mặt với áp lực cắt giảm sản lượng dầu thô cho đến cuối năm nay, nhằm nỗ lực hỗ trợ giá dầu. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Nga đã tự nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày vào năm 2024.

Đầu năm nay, Tổng thống Vladimir Putin cho biết dù ông ủng hộ động thái cắt giảm sản lượng của OPEC, song ông lo ngại rằng các nhà sản xuất khác, như Mỹ, sẽ có được lợi thế về thị phần từ liên minh này.

Tham khảo BI

Cùng chuyên mục

Đọc thêm