Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức quản lý tài chính, tâm sự của một cặp vợ chồng đang sống xa quê khiến nhiều người đồng cảm. Chuyện là gia đình chị (2 vợ chồng và các con) đang sinh sống làm việc ở TP.HCM, quê gốc ở Hà Tĩnh, việc di chuyển về quê dịp Tết tốn một khoản không nhỏ.
Cộng thêm tình hình tài chính không mấy dư dả, vì đang nợ 400 triệu, nên vợ chồng chị còn nhiều lăn tăn trong việc có nên về quê đón Tết hay không.
Tình hình tài chính của gia đình này có thể tóm tắt như sau:
- Nợ hiện tại: 400 triệu
- Mức thu nhập: 20-30 triệu/tháng
- Chi tiêu hàng tháng:
+ Thuê nhà, điện nước, wifi: 5 triệu
+ Tiền học chính, học thêm của 2 con: 5,5 triệu
+ Tiền sữa cho con: 1 triệu
+ Tiền trả nợ: 8 triệu
+ Tiền ăn của cả nhà: Là khoản còn dư sau khi thanh toán tất cả các chi phí trên.
- Chi phí đi lại, về quê ăn Tết: 12 triệu
Trong phần bình luận của bài đăng, nhiều người thông cảm cho sự bế tắc hiện tại của gia đình trong vấn đề tài chính. Dẫu vậy, phần lớn mọi người vẫn khuyên cô nên về quê ăn Tết, một phần vì mẹ đã già yếu, Tết không có con cháu sẽ rất hiu quạnh, buồn tủi; một phần vì tiền bạc có thể kiếm lại được, kiếm cả năm, nhưng Tết chỉ có 1 lần trong năm, là dịp đoàn tụ, đặc biệt là với những người đi làm xa quê.
Tựu trung lại, mọi người đều đồng tình rằng Tết nên về quê cùng gia đình, vì nợ thì có thể đi làm trả dần, đang nợ mà 16 triệu tiền đi lại về quê, kể ra cũng tiếc. Nhưng nghĩ theo hướng khác, ông bà, bố mẹ đã già nên nếu cố được, hãy cố về quê, để sau này không phải hối hận.
Chủ động làm 2 việc để không bị động tài chính khi đón Tết
Tết năm nào cũng có, vậy nhưng với không ít người, cứ đến Tết là thấy… hết tiền, lo lắng, sợ không đủ tiền tiêu Tết. Đành rằng vật giá mỗi năm một khác, chúng ta không thể dự trù chính xác 100% tổng chi phí đón Tết, nhưng ít nhất, có dự trù vẫn hơn.
Trạng thái đón Tết trong bị động, trong thấp thỏm âu lo cũng sẽ được giải quyết phần nào nhờ 2 việc dưới đây.
1. Tiết kiệm tiền tiêu Tết càng sớm càng tốt
Người độc thân sẽ không tiêu Tết giống người đã có gia đình, số tiền cần tiết kiệm để tiêu Tết vì thế cũng sẽ khác nhau. Tuy nhiên, dù đang ở trạng thái nào đi chăng nữa, bạn vẫn có thể dự trù, áng chừng ngân sách tiêu Tết bằng việc rạch ròi từng khoản chi cụ thể.
- Tiền đi lại (cả 2 chiều)
- Tiền lì xì (ông bà, bố mẹ, các cháu, con của bạn bè,...)
- Tiền chăm sóc bản thân (mua quần áo, làm tóc, làm nail,...)
- Tiền mua thực phẩm (bánh chưng, gà, giò chả,...)
Sau khi liệt kê tất cả các nhu cầu của bản thân (và gia đình) trong dịp Tết cùng mức ngân sách cho từng khoản, nếu cảm thấy tổng số tiền hơi cao, bạn có thể tiếp tục rà lại từng nhu cầu, để tìm ra những mục có thể cắt giảm. ví dụ như giảm tiền mua quần áo và tiền làm nail trong mục “Tiền chăm sóc bản thân” chẳng hạn.
Khi đã chốt được mức ngân sách cuối cùng, bạn đem chia cho 12, là sẽ biết số tiền mình cần tiết kiệm mỗi tháng để đón Tết chủ động, đỡ áp lực tài chính.
2. Canh săn vé tàu, vé máy bay thường xuyên
Với những người xa quê, việc đặt mua vé báy may hoặc vé tàu để về quê ăn Tết từ sớm không chỉ hạn chế tình trạng hết vé, dẫn tới nhỡ dở việc cá nhân; mà còn phần nào giúp bạn tiết kiệm được tiền. Vì càng gần ngày lễ, ngày Tết, giá vé máy bay và vé tàu sẽ càng cao.
Tùy vào dự định, lịch trình cá nhân mà bạn có thể cân nhắn mua vé từ trước, không nên để tình trạng tới sát ngày khởi hành mới lật đật tìm và đặt mua.