Đây là một trong những nội dung Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom) sẽ xin ý kiến đại hội đồng cổ đông thông qua tại phiên họp thường niên 2023 sáng 25/4.
Theo tờ trình của công ty này, tổng chi phí đầu tư của dự án cáp quang biển là 87 triệu USD (khoảng trên 2.000 tỷ đồng). Trong đó, giá trị đầu tư tuyến cáp là 58 triệu USD, đầu tư nhà trạm 8,3 triệu USD, hệ thống thiết bị truyền dẫn 20,5 triệu USD.
FPT Telecom dự kiến sử dụng 30% vốn tự có tương đương 26 triệu USD. 70% còn lại sẽ được công ty vay ngân hàng. Công ty con của Tập đoàn FPT dự tính tỷ lệ hoàn vốn là 8 năm 10 tháng. Từ nay đến cuối năm, nhà mạng này sẽ chi khoảng 300 tỷ đồng cho dự án cáp quang biển trên.
Tuyến Asia Link Cable (ALC) mà FPT Telecom muốn tham gia dài khoảng 6.000 km. Tuyến cáp hiện có các điểm cập bờ tại Hong Kong, Trung Quốc đại lục, Phillipines, Brunei và Singapore, với tổng dung lượng 18 Tbps.
FPT Telecom cho biết sẽ tự đầu tư, cài đặt, quản lý, khai thác điểm trạm cập bờ tại Đà Nẵng. Tuyến cáp ALC hiện cũng chưa có nhà mạng nào trong nước tham gia. Theo SubmarineCable, các chủ sở hữu của tuyến cáp quang biển ALC gồm China Telecom, DITO Telecommunity, Globe Telecom, Singtel, Unified National Networks.
Trước đó, tại phiên họp thường niên đầu tháng này của Tập đoàn FPT, CEO Nguyễn Văn Khoa cũng cho biết trọng tâm đầu tư viễn thông năm nay của tập đoàn là cáp quang biển. Theo CEO này, FPT sẽ mang đến trải nghiệm khác biệt sau khi đầu tư xong cáp quang biển.
Mục tiêu này được lãnh đạo FPT đưa ra trong bối cảnh thời gian qua, cáp quang biển - "mạch máu" kết nối internet giữa Việt Nam và thế giới liên tục trục trặc. Thậm chí, cả 5 tuyến cáp quang biển đến Việt Nam gặp sự cố từ cuối năm ngoái, nhưng đến nay chưa tuyến nào trở lại bình thường. Đồng thời, FPT cũng chưa có riêng tuyến cáp quang biển nào.
Hiện tại, VNPT, Viettel cùng khai thác 3 tuyến cáp quang biển AAE-1, AAG, APG. Ngoài ra, VNPT còn có kết nối với tuyến SMW3, trong khi Viettel còn tuyến IA.
Cả 5 tuyến cáp các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia đầu tư đều thuộc những liên minh viễn thông do nhiều quốc gia, nhà mạng quốc tế cùng quản lý do đặc thù các cáp đi qua hải phận của nhiều nước. Do vậy, khi cáp gặp sự cố, các nhà mạng trong nước không thể chủ động sửa chữa. Nhiệm vụ sửa chữa thuộc về một số doanh nghiệp thuộc liên minh, sau khi đã xin phép được vào hải phận của nước - nơi có đoạn cáp bị đứt.
Từ nay đến năm sau, Viettel sẽ đưa tuyến ADC vào hoạt động. Đây sẽ là tuyến cáp quang biển có băng thông lớn nhất từ trước đến nay vào Việt Nam. Với chiều dài 9.800 km kết nối với các trung tâm kết nối (hub) tại Nhật và Singapore. Viettel tham gia đầu tư dự án này cùng các ông lớn trong ngành như China Telecom, China Unicom, Singtel, Softbank, Tata Communications... Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án khoảng 290 triệu USD.
Năm sau, VNPT cũng dự kiến tham gia khai thác tuyến SJC2 với dung lượng sở hữu 18 Tbps, cập bờ tại Quy Nhơn. Tuyến này kết nối hai hub tương tự ADC do China Mobile, Chunghwa Telecom, SK Broadband, Singtel, Telin, True Corporation phát triển.
Trong dài hạn, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chỉ đạo xây dựng thêm 2 tuyến cáp quang biển mới do nhóm doanh nghiệp trong nước liên minh đầu tư, làm chủ. Kế hoạch này nhằm mục tiêu giúp Việt Nam giảm bớt sự phụ thuộc vào các hub như Singapore hay Hong Kong.