" Câu hỏi này hơi căng! " là phản ứng đầu tiên của Danny Le - CEO Tập đoàn Masan khi nhận được câu hỏi " Công ty có kế hoạch gì để đưa giá cổ phiếu của Masan về giá 160.000 đồng/cp " trong ĐHĐCĐ thường niên 2023 mới đây.
Vị CEO cho hay, đây là câu chuyện được cổ đông Masan quan tâm hàng tuần, hàng tháng, hàng quý. Đáp lại câu hỏi, ông không trực tiếp nói về lộ trình đưa cổ phiếu trở lại nhưng cho biết, bắt đầu từ quý II, quý III/2023 sẽ chứng kiến sự tăng trưởng về doanh thu của Masan.
Cùng với đó, việc triển khai chương trình Hội viên dựa trên nền tảng hệ sinh thái của Masan cũng sẽ là cơ sở mang lại nhiều giá trị cho người dùng và tạo nên kết quả kinh doanh tích cực cho Tập đoàn.
Tuy nhiên, câu chuyện kết quả kinh doanh tác động đến giá cổ phiếu sẽ không phải là bài toán ngắn hạn, mà đó là một hành trình tương lai. Masan chỉ có thể khẳng định kết quả kinh doanh sẽ chứng kiến những con số khởi sắc trong 3 quý còn lại.
Ngoài ra, ở thời điểm hiện tại, Masan đang xem xét, tiếp tục tích cực tìm kiếm các giải pháp thay thế trên thị trường vốn để kéo dài thời gian đáo hạn nợ, cải thiện lãi suất và giải phóng thu nhập thông qua việc giảm nợ.
Là một trong những cổ phiếu trụ có ảnh hưởng lớn VN-Index và chỉ số VN30, giá cổ phiếu MSN từng có quãng thăng hoa vào cuối năm 2021 khi lên tới quanh 175.000 đồng/cp. Sau đó, mã này liên tục có những phiên biến động mạnh và thường tụt áp cuối phiên, dần giảm và mất mốc 100.000 đồng/cp từ cuối tháng 9/2022 cho đến nay.
Khép lại ngày diễn ra ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, mã MSN tiếp tục mang sắc đỏ, giảm 4.06% về 73.300 đồng/cp, chỉ còn một nửa so với thời hoàng kim.
Với 1.423.724 cổ phiếu đang lưu hành, vốn hoá thị trường của Masan hiện tại ở mức 104.359 tỷ đồng.