Theo BCTC quý 2 của tập đoàn FPT (mã chứng khoán: FPT), tổng tài sản tại thời điểm 30/6 đạt mức 60.556 tỷ đồng, tăng 17,3% so với số đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp này là chỉ số thay đổi lớn nhất.
Cụ thể, cuối quý 2 tập đoàn này có tổng cộng 26.688 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, tăng 37,5% so với đầu năm và tăng gần 54% so với cuối quý I. Số tiền này hiện đang chiếm khoảng 44% tổng tài sản của tập đoàn.
Như vậy khoản mục tiền của FPT đã tăng trưởng trở lại sau khi bắt đầu giảm từ quý 3/2022. Mức tiền của FPT hiện tại cũng đã gần bằng mức kỷ lục của quý 2/2022. Tiền gửi hưởng lãi suất cũng mang về cho FPT 753 tỷ đồng tiền lãi trong nửa đầu năm.
Sự tăng trưởng của tiền mặt được hỗ trợ bởi việc nợ vay tài chính của FPT tăng lên. Cụ thể, cuối quý 2 tổng nợ vay tài chính của tập đoàn là 19.545 tỷ đồng, tăng 58% so với cuối quý I, chủ yếu là nợ ngắn hạn. Đa số các khoản vay của doanh nghiệp này đều là nợ vay ngân hàng.
Trong đó, công ty vay 6.576 tỷ đồng bằng USD, 3.816 tỷ đồng bằng Yên Nhật và 9.152 tỷ đồng bằng VND. Nhờ việc đồng Yên Nhật liên tục trượt giá trong thời gian gần đây, công ty đã lãi ròng khoảng 56 tỷ đồng nhờ chênh lệch tỷ giá.
Ngoài ra, tổng chi phí lãi vay nửa đầu năm của FPT là 360 tỷ, chỉ bằng gần một nửa khoản thu từ lãi tiền gửi ngân hàng của doanh nghiệp. Như vậy, tập đoàn lãi ròng từ nghiệp vụ tài chính này khoảng 393 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của FPT đạt 28.595 tỷ đồng, tăng 27,7% so với số đầu năm. Trong đó, vốn góp chủ sở hữu là 11.043 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 10.666 tỷ đồng. Mới đây, sau khi trả cổ tức bằng cổ phiếu vốn điều lệ của doanh nghiệp đã tăng lên thành 12.696 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, FPT đã báo cáo khoản lợi nhuận kỷ lục trong một quý. Cụ thể, doanh nghiệp này đã mang về 12.484 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 1.509 tỷ đồng, tăng lần lượt 23,6% và 20,7% so với cùng kỳ.
Đồ thị lợi nhuận của FPT theo quý là một trong những đồ thị "kỳ lạ" nhất thị trường khi chứng kiến mức tăng trưởng "đều như vắt tranh" qua mỗi quý.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu FPT hiện đang giao dịch quanh mức 79.800 đồng/cp, tăng gần 20% kể từ đầu năm. Dù mức tăng không quá lớn nhưng cổ phiếu FPT đã tăng liên tục trong 2 tháng qua và hiện là mức giá cao nhất trong vòng hơn 1 năm qua.
Ở mức giá hiện tại, định giá của FPT đạt 101.343 tỷ đồng – là doanh nghiệp có vốn hóa lớn thứ 13 trên sàn chứng khoán, con số được coi là may mắn của doanh nghiệp công nghệ này. Vốn hóa của tập đoàn của đã trở lại câu lạc bộ vốn hóa 100.000 tỷ đồng.