Ngày 17-19/8, tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp cùng Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức Tuần lễ chuyển đổi số. Trong khuôn khổ sự kiện, lãnh đạo FPT IS tham dự tọa đàm cấp cao và đại diện ký thỏa thuận hơp tác chiến lược cùng Sở Y tế tỉnh. Đây là một trong những chương trình trọng điểm hàng đầu được tỉnh ưu tiên thúc đẩy trong năm 2022 và giai đoạn tiếp theo.
Khai phá dữ liệu mở làm bệ phóng cho chuyển đổi số
Tham gia tọa đàm "Chuyển đổi số tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội", ông Minh đã đưa ra những quan điểm về vấn đề dữ liệu mở và kiến nghị phương thức để Huế tạo đột phá trong xây dựng xã hội số - y tế và giáo dục.
Đánh giá về tốc độ số hóa địa phương, Tổng giám đốc FPT IS bày tỏ cảm phục khi Huế là đơn vị tiên phong đi đầu trong công tác chuyển đổi số trong nước và đang có những bước tiến quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, tỉnh xếp thứ hai trong toàn quốc về chỉ số chuyển đổi số (DTI) năm 2021 do Bộ Truyền thông và Thông tin công bố.
Bàn về câu chuyện dữ liệu mở, ông Minh cho rằng dữ liệu là nguyên liệu của nền kinh tế số, câu hỏi đặt ra là vậy nguồn nguyên liệu này sẽ 'cháy' như thế nào để tạo ra hiệu quả. Dữ liệu mở giúp các hoạt động kinh tế hiện tại hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời có thể mở ra các mô hình kinh tế mới. Khi đưa vào ứng dụng, dữ liệu mở có thể tạo ra đột phá trong các ngành là lợi thế của Huế như du lịch, y tế, giáo dục...
Trong lĩnh vực y tế, ông Minh chỉ rõ những giá trị mang tính thay đổi cho ngành y tế khi khai thác và sử dụng dữ liệu tập trung, cụ thể là việc tiết kiệm công sức, chi phí của Chính phủ, Chính quyền địa phương trong quá trình tìm kiếm, thu thập thông tin cũng như tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động giám sát thông tin chính phủ, nhà nước.
Với mục tiêu thúc đẩy kinh tế số, xã hội số toàn diện tại địa phương, Thừa Thiên Huế đang thành công trong việc tạo ra cơ chế và chú trọng tiếp cận - tập hợp hiệu quả nguồn dữ liệu. Theo ông Minh, bước khó khăn ban đầu là thu thập "nguyên liệu" đã có, tiếp theo nếu tỉnh đồng ý khai thác mở các nguồn dữ liệu thì sẽ tạo nên thay đổi lớn hơn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư từ bên ngoài
Trên góc độ doanh nghiệp, FPT IS thể hiện mong muốn được đồng hành, sát cánh với Huế. Về đề xuất cụ thể với lãnh đạo tỉnh, ông Minh nêu ra hai phương hướng. Thứ nhất xây dựng chiến lược hạ tầng toàn bộ liên quan toàn bộ dữ liệu mở; thứ hai là đồng hành cùng tỉnh trong y tế - phát triển hệ sinh thái giải pháp toàn diện và các mô hình triển khai linh hoạt, đồng bộ dữ liệu giữa các bệnh viện, cơ sở y tế, từ đó tối ưu chi phí và tăng hiệu quả quản lý nhà nước.
Đánh giá về đề xuất trên, Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết lãnh đạo địa phương sẽ phối hợp chặt chẽ, cùng chia sẻ bài toán của tỉnh để các doanh nghiệp được phát huy kinh nghiệm, năng lực công nghệ giải quyết bài toán cốt lõi, tạo đà tăng trưởng đột phá trong tương lai.
Y tế số lấy người dân làm trung tâm
Với nội dung hợp tác chiến lược cùng Sở Y tế Thừa Thiên Huế, FPT IS sẽ tích hợp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, phòng bệnh thông minh vào ứng dụng Hue-S để phục vụ việc theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Triển khai dịch vụ khám bệnh thông minh như bệnh án điện tử, bệnh viện thông minh, bệnh viện không giấy tờ; tích hợp nền tảng AI Chatbot, AI Voicebot phục vụ người dân/người bệnh. Triển khai hệ thống quản lý hình ảnh (PACS) dùng chung toàn mạng lưới y tế điều trị của tỉnh, quản trị thông minh y tế tỉnh.
Với cơ hội đồng hành cùng hơn 300 bệnh viện, 20 sở y tế trên toàn quốc, FPT IS đến nay đã đúc kết kiến thức và kinh nghiệm thực tế trong việc triển khai chuyển đổi số ngành y tế Việt Nam. Theo đó, FPT IS đề xuất với lãnh đạo tỉnh cần đồng bộ góc nhìn trong quá trình thúc đẩy y tế số gồm: tăng trải nghiệm người dân, người bệnh; giải phóng nhân viên y tế khỏi việc giấy tờ; cuối cùng cần tăng hiệu quả khâu quản trị, điều hành bệnh viện.
Cùng trong bài toán về khai phá dữ liệu mở, ông Minh nhấn mạnh, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ tiên tiến (AI, Cloud...) để nâng cấp hệ thống và ứng dụng y tế, việc thúc đẩy y tế số cần một tầm nhìn dài hơi, trong đó, bài toán quan trọng cần được tập trung đầu tư là vấn đề khai thác và xây dựng nguồn dữ liệu mở.
"Thực tế, dữ liệu xuất phát từ các bệnh viên, phòng khám vẫn phân tán rời rạc, có nhiều khoảng trống trong việc xây dựng các mô hình, nền tảng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo chiều ngang (giữa các cơ sở y tế các địa phương) và chiều dọc (cơ sở y tế với Bộ Y tế) để có thể được xâu chuỗi và chuẩn hóa về một nguồn", ông Minh chia sẻ.
Với vị thế tiên phong chuyển đổi số, FPT IS không ngừng phát triển, hoàn thiện và xây dựng hệ sinh thái các giải pháp y tế số, góp phần nâng cao chất lượng quản lý tại địa phương cũng như mang tới trải nghiệm dịch vụ tốt nhất cho người dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Trên hết, ông Minh khẳng định, mục tiêu cao nhất của quá trình chuyển đổi số là cần lấy người dân làm trung tâm và sự hài lòng của người dân làm thước đo cho hiệu quả quan trọng nhất.
(Ảnh: FPT IS)