Phan Việt Thắng – Founder & CEO The Suits House khởi nghiệp cùng vợ từ năm 22 tuổi, đồng thời có những khoản đầu tư từ rất sớm. Ngay từ thời sinh viên anh đã cật lực kiếm tiền bằng nghề MC sau biến cố gia đình phá sản.
"Thực ra tôi đi làm để kiếm tiền chứ không phải vì đam mê", anh Thắng chia sẻ trong podcast Extra Money do Rising Vietnam sản xuất. "Ban đầu tôi mất nhiều hơn được, đến 30 tuổi mới nhận ra những bài học. Do đó, sau 30 tuổi tôi nghĩ rằng mình sẽ phải có chiến lược dài hạn hơn".
"Đây là thời đại nếu không có tiền thì không làm được gì nhiều hết"
Khi Host Trọng Hiền hỏi về cột mốc khiến anh thay đổi suy nghĩ đối với việc kiếm tiền, không dừng lại ở chi trả các nhu cầu thiết yếu mà phải đầu tư nhiều hơn vào giáo dục và phát triển bản thân, anh Thắng hồi tưởng lại thời điểm có con đầu lòng vào năm 26 tuổi.
"Lúc đó chuyện kinh doanh rất thuận lợi. Nhưng đột nhiên tôi giật mình nghĩ rằng nếu ông trời cho mình nhiều thứ sớm như vậy, thì khả năng sẽ lấy lại cái gì đó mới công bằng. Y như rằng, ngày đầu tiên vợ tôi sinh em bé, bác sĩ gọi tôi ra và nói rằng con tôi có công thức máu bất thường, hở van tim, tinh hoàn chưa xuống… Một là chuẩn bị tinh thần, hai là ngay bây giờ phải cho con nằm phòng NICU (chăm sóc đặc biệt). Chi phí nằm NICU trong suốt 10 ngày lên đến hàng trăm triệu.
Trong 10 ngày chăm con trong NICU, thứ tôi nghe mỗi ngày là tiếng máy đo nhịp tim. Tôi nhận ra rằng bây giờ con mình nằm đây, nhưng đến một lúc nào đó, người nằm trong phòng này có thể là bố mẹ mình khi về già, hoặc bất cứ người nào mình yêu thương.
Thời điểm đó nếu tôi không có vài trăm triệu thì con tôi sẽ mất. Bây giờ thương ai thì mình phải có nguồn lực thương người đó, không thể thương bằng tâm hay lời nói được. Phải có tiền. Là đàn ông, điều giá trị nhất là để những người xung quanh nương tựa được vào mình nếu người ta cần. Đây là thời đại nếu không có tiền thì không làm được gì nhiều hết", anh Thắng bày tỏ.
Kể từ sự việc trên, Founder The Suits House bắt đầu nghĩ rằng làm gì cũng phải sinh ra hiệu quả tài chính, làm "chơi chơi" thì không làm, dành thời gian để tích lũy. Với các khóa học, anh chỉ học những gì dùng được ngay, thay vì những điều không trực tiếp sinh ra hiệu quả.
Sau khi có con, một vấn đề phát sinh nữa là thời gian anh Thắng đi kiếm tiền không còn nhiều như trước, bởi phải dành nhiều hơn cho gia đình. Vì vậy, anh phải quan tâm nhiều hơn đến các nguồn đầu tư lâu dài. Thứ hai là trao quyền cho các cấp dưới tại công ty. Thứ ba là phải luôn khuyên nhủ bản thân và vợ rằng tiền tiêu ra phải ít hơn tiền kiếm được mỗi tháng.
"Ở tuổi 30-35, mọi người hay có cảm giác phải tự thưởng cho bản thân một chút. Thưởng cái nhà, cái xe, cái điện thoại mới. Tại sao phải thưởng? Nhiều khi rảnh lại đi chữa lành. Chính những cảm xúc nhất thời như vậy sẽ ảnh hưởng tài chính của mình. Hỏi 10 gia đình thì hơn 9 gia đình vợ chồng cãi nhau về tiền", anh thẳng thắn bày tỏ.
"Ở tuổi 22-23, thứ cần tích lũy không phải tiền"
Theo lời kể của ông chủ The Suits House, thời còn làm sinh viên năm 3 – năm 4, mỗi tháng anh thậm chí để ra được chục triệu – số tiền không hề nhỏ khi đó. Tuy nhiên, anh vẫn quyết định chuyển nghề từ MC sang làm kinh doanh.
"Lúc ấy tôi đã quen bạn gái được 5 năm và xác định sẽ cưới cô gái này làm vợ. Rất đen cho tôi là nhà vợ có điều kiện. Vì thế, tôi phải có nhà, có xe tại TP.HCM mới hỏi cưới được.
Tôi tính là mỗi tháng làm MC nếu dư được 20 triệu, thì phải hơn 10 năm mới mua được nhà và xe, chưa kể tắt tiếng không nói được. Tôi mới nghĩ phải làm gì đó khác biệt để thu nhập mình tốt hơn. Ông bà mình có câu "phi thương bất phú", nên tôi quyết định học kinh doanh và đi buôn bán", anh kể lại.
Mặc dù vậy, sau trải nghiệm làm MC thời sinh viên, anh Thắng lại rút ra bài học rằng ở tuổi 22-23, thứ cần tích lũy không phải tiền, mà là những chất liệu để làm ra tiền, bao gồm mối quan hệ, kiến thức, kỹ năng.
"Thế nên thời điểm đó không ai so với nhau về tiền hết. Nếu các bạn đang ở tuổi 22-23, tiền làm ra đến đâu bỏ vào trải nghiệm đến đấy thì không sai. Tôi có một niềm tin sắt đá rằng sống ở Sài Gòn này không thể nào chết đói, nghĩa là lo được những nhu cầu nhỏ nhất như ngày ăn 3 bữa, có chỗ trọ, có vài bộ quần áo. Đối với tôi, ở độ tuổi đó trải nghiệm quan trọng hơn tiết kiệm", anh nêu quan điểm.