Tự cổ chí kim, thời trang và nghệ thuật luôn là hai khái niệm song hành. Người thợ may lành nghề chính là người tạo ra những tác phẩm nghệ thuật thực thụ để mỗi bộ quần áo trở thành một đại diện tiêu biểu cho phong cách và cá tính riêng biệt của mỗi cá nhân.
Được biết tới là một trong những nhà may Việt có mức giá "chót vót" cho mỗi sản phẩm của mình (có những bộ suit cao cấp lên tới 100.000.000 triệu đồng/bộ hay thậm chí 200.000.000 đồng/bộ), SIR Tailor là thương hiệu được nhiều doanh nhân Việt chọn để "đo ni đóng giày" nên những bộ trang phục thời thượng mang dấu ấn cá nhân đặc sắc. 7 năm hoạt động cũng là quãng thời gian thương hiệu này trải qua nhiều thăng trầm để dần khẳng định vị trí trên thị trường may mặc thuộc giới thượng lưu. Trò chuyện với anh Nguyễn Thành Vinh - Founder và Chủ Tịch của SIR Tailor, chúng tôi đã được chia sẻ những câu chuyện thú vị về kinh doanh và triết lý thời trang của những người lịch lãm đã tạo nên một thương hiệu may mặc đậm chất quý ông.
Ngay từ khi còn là một tên tuổi non trẻ, SIR Tailor đã "lặn lội" tìm tới các nhà sản xuất vải hàng đầu châu Âu để tìm kiếm đối tác. Điều gì đã thôi thúc các anh?
Ngay từ khi thành lập, SIR Tailor luôn ý thức rằng một thương hiệu non trẻ luôn phải cố gắng gấp nhiều lần những thương hiệu khác để tìm được chỗ đứng của mình. Do hướng tới cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế nên chúng tôi đã trở lại "cội nguồn" là nền thời trang châu Âu lịch lãm để tìm kiếm, học hỏi những giá trị cốt lõi trường tồn.
20 năm trong ngành dệt may đã cho tôi sự hiểu biết sâu sắc về chất liệu vải và tạo ra niềm đam mê đối với vải vóc; chúng tôi mong muốn mang tới những loại vải cao cấp, những bộ sưu tập vải độc quyền từ những thương hiệu lớn nhất thế giới về suit và sơ mi tới người sử dụng trong nước.
Thêm vào đó, việc bắt tay với các đối tác tầm cỡ thế giới sẽ là động lực giúp nâng tầm thương hiệu, giúp SIR Tailor nhanh chóng hoà nhập vào ngành thời trang cao cấp, mở ra mối quan hệ với các nhà thiết kế, nhà sản xuất và các hiệp hội thời trang tên tuổi.
Là nhà may Việt Nam duy nhất làm việc trực tiếp, "tận nguồn" với những thương hiệu vải châu Âu, điều này mang tới những thuận lợi, "biệt đãi" nào cho SIR Tailor khi không phải "bắc cầu" qua các khâu trung gian?
Khi là đối tác trực tiếp của các nhà sản xuất vải danh tiếng châu Âu, chúng tôi sẽ được hưởng lợi rất nhiều như: được ưu tiên trong những bộ sưu tập vải đặc biệt và giới hạn, độc quyền một số thương hiệu, được học hỏi, chia sẻ và tiếp cận thông tin một cách cởi mở về những dòng vải sắp ra mắt, về đặc tính của một dòng vải hay một vấn đề trong vận chuyển… Đặc biệt, chúng tôi sẽ được làm việc với các chuyên gia vải trên toàn cầu. Thậm chí, các chuyên gia có thể bay về Việt Nam để trực tiếp hỗ trợ, tư vấn khách hàng.
Cuộc đàm phán nào gây ấn tượng nhất với SIR Tailor trong quá trình tiếp cận các nhà vải lừng danh thế giới?
Kỉ niệm đáng nhớ nhất chính là quá trình "chinh phục" Alumo – "đế chế" dệt may có hàng trăm năm lịch sử của nước Thuỵ Sỹ. Chúng tôi đã lái xe gần 800km từ Antwerp đến thung lũng thơ mộng Appenzell của Thụy Sỹ và được đón tiếp bởi bà Sandra Geiger – CEO của Alumo. Sandra rất thẳng thắn nói với tôi rằng vải Alumo không dành cho tất cả mọi người và họ rất lựa chọn đối tác. Alumo chỉ làm việc với các thương hiệu hàng đầu thế giới như Kiton, Hermes, Gucci, Burberry... và chỉ cho chúng tôi 15 phút để chứng minh tại sao SIR Tailor là đối tác xứng đáng của Alumo ở thị trường Việt Nam. Sau đó, cuộc họp của chúng tôi đã kéo dài hơn 90 phút và là bước đi đầu tiên cho sự kết hợp toàn diện giữa Alumo và SIR Tailor.
Những đối tác lớn và lâu đời như Alumo luôn bảo vệ danh tiếng và giá trị của mình vì thế họ không bao giờ vội vàng với một đối tác mới nhưng khi đã hợp tác thì họ cũng luôn bảo vệ đối tác của mình.
Được biết SIR Tailor là nơi mang tới trải nghiệm "thế giới vải Tây Âu" cho khách hàng. Sự trải nghiệm đó được biểu hiện như thế nào?
Chất lượng vải Châu Âu nổi tiếng với chất lượng sợi được rửa bằng nguồn nước mềm (soft water), làm mềm vải giúp nước vải có độ tinh và bóng tự nhiên, đưa đến cho khách hàng một hình ảnh sang trọng và chuyên nghiệp, bên cạnh đó sau nhiều năm sử dụng, vải Châu Âu luôn giữ được form dáng và nước màu.
Vì thế, với "thế giới vải Tây Âu", SIR Tailor mong muốn mang đến sự "ĐÃ" tới khách hàng khi trải nghiệm từ lúc chạm tay cho tới khi khoác chất liệu vải cao cấp đó lên người, mang lại sự tự tin cho khách hàng khi mặc bộ suit vừa vặn và đại diện cho cá tính của mình.
100% vải dùng cho may đo tại Việt Nam được SIR nhập trực tiếp từ các nhà máy sản xuất đặt tại Ý, Thuỵ Sĩ. Hiện tại, chúng tôi có hơn 300 mẫu vải nhập giúp đẩy nhanh tiến độ giao hàng. Ngoài ra, chúng tôi có 10 thương hiệu vải của Tây Âu với đầy đủ bộ sưu tập, bao gồm những tên tuổi nổi bật nhất như Loro Piana (Ý, thành lập năm 1924), Dormeuil (Pháp, thành lập năm 1842), và Scabal (Bỉ, thành lập năm 1938). Mỗi thương hiệu kể trên đều có lịch sử từ 80 đến 180 năm trong ngành dệt, với chất lượng đã được minh chứng qua thời gian. Mỗi thương hiệu có lên tới 1000 mã vải khác nhau, và chỉ nhập từng mét vải khi khách đặt hàng.
Sống trong lòng cung ứng châu Âu mang tới cho những người sáng lập nên thương hiệu SIR Tailor cái nhìn như thế nào Cái Đẹp và triết lý kinh doanh?
Những thương hiệu vải danh tiếng thế giới với những câu chuyện về sự sáng tạo và tận tâm với nghề đã truyền cảm hứng cho chúng tôi khi theo đuổi đam mê của mình, khiến chúng tôi say sưa hơn với CÁI ĐẸP.
Benjamin Hegermann, Sales Manager của Scabal đã kể với chúng tôi rằng có lần họ đang dệt một tấm vải kẻ sọc Len Super 180s, tự nhiên một sợi len bị tuột và tạo thành một mối rối. Thế là họ lấy nguyên miếng vải dài 21 mét, soi từng sợi chỉ suốt 3 ngày 3 đêm để gỡ rối cho 1 chỗ sai sót đó. Thật sự là đáng nể.
Những sản phẩm xa xỉ được sản xuất với rất nhiều công phu, sự tỉ mỉ và tâm huyết như thế này sẽ đem lại trải nghiệm hoàn hảo gần như tuyệt đối cho người dùng.
Qua sự hợp tác đó, chúng tôi cũng giác ngộ triết lý: Làm chậm, làm chắc, làm tập trung và dài hạn; làm bằng công sức thật và không bao giờ hi sinh chất lượng.
Điểm độc đáo, riêng biệt của SIR Tailor ở thời điểm hiện tại là quy trình Highfit xuyên suốt từ khâu tư vấn, đo đạc, fitting 3D, gợi ý styling 3D và sản phẩm cuối cùng fit đẹp – tạo giá trị trong trải nghiệm sản phẩm cho khách hàng. SIR Tailor có thể chia sẻ thêm về quy trình mới lạ này?
Bản chất của Highfit là một công nghệ rập (pattern) tiên tiến giúp tối ưu hóa các đường cong trên sản phẩm để cho phù hợp với cơ thể, từ đó nhằm đạt được độ vừa vặn hoàn hảo nhất. Khái niệm vừa vặn thực ra không đơn giản, các đường cong của cơ thế luôn khiến các bộ quần áo kém hoàn hảo đi nhiều khi mặc, lượng vải dư/thiếu ở một chỗ gây mất cân đối ở một loạt điểm khác. Khi mặc một bộ quần áo vừa vặn hơn, bạn sẽ thấy bộ quần áo trước đây không còn tốt nữa.
Highfit đòi hỏi quá trình tư vấn và đo đạc phải chính xác, từ đó các thuật toán mới tính chính xác khuôn cắt cho sản phẩm. Thuật toán lõi của mô hình sẽ càng ngày hoàn thiện khi dữ liệu số đo trong xã hội nhiều lên. Highfit giúp bộ đồ vừa vặn hoàn hảo hơn, ngay cả với khách hàng lần đầu đến may đo.
Thế nhưng, việc áp dụng quy trình Highfit tối ưu thời gian, các công đoạn may đo… liệu có mất đi tính cá nhân không? Liệu rằng sản phẩm vốn "đo ni đóng giày" cho một người trở thành sản phẩm hàng loạt, mất đi tính riêng biệt không?
Một trong những sản phẩm chiến lược của chúng tôi là suit. Đó được xem là sản phẩm của sự chuẩn mực tối thượng, là "bộ đồ quyền lực" không thể thiếu của các quý ông, đặc biệt là các doanh nhân. Bộ suit được may đo với độ chính xác cao và tinh tế từ dáng áo, ve áo đến tay là biểu tượng sống động cho sự sang trọng, lịch lãm, "cá nhân hoá phong cách của chủ sở hữu".
Quy trình Highfit được áp dụng riêng cho từng khách hàng, nghĩa là mỗi khách hàng đến SIR Tailor vẫn đều được tư vấn, đo đạc riêng, và sản xuất bộ suit dành riêng cho số đo của họ. Highfit giúp đo đạc chính xác hơn, ngoài ra có thể mô phỏng được bộ suit và cơ thể khách hàng trên người mẫu 3D chính xác đến 99%, giúp khách không còn băn khoăn không biết bộ suit lên người có phù hợp hay không.
Điều gì khiến một bộ suit SIR Tailor khác biệt với những thương hiệu khác?
Trong hành trình hơn 7 năm với rất nhiều các chuyến đi xuyên suốt châu Âu từ Anh, Ý, Pháp, Đức, Hà Lan, Bỉ, Thụy Sĩ… đến các trung tâm của ngành dệt may châu Âu, chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều từ những "trụ cột" của ngành may mặc thế giới, từ kỹ thuật may đo tới phong cách ăn mặc lịch lãm của người Anh và Ý. Điều này đã tạo ảnh hưởng rất lớn đến các sản phẩm, cách phối đồ và tư duy thẩm mỹ của cá nhân những người sáng lập và toàn thể thương hiệu.
Điều khác biệt của chúng tôi nằm ở chuỗi cung ứng được xây dựng bền bỉ và vững chắc từ thiết kế đến lựa chọn nguồn nguyên phụ liệu độc đáo. SIR Tailor đã "sống" với châu Âu để hiểu châu Âu từ đó kết nối với Việt Nam, trở thành chiếc cầu nối về thời trang.
Tham vọng của SIR Tailor là xây dựng được một thương hiệu thời trang có giá trị trường tồn. Song nếu như một "thương hiệu trường tồn" của châu Âu có chiều dài lịch sử hàng chục, hàng trăm năm, thì với một nhà may suit bespoke được phát triển từ một thương hiệu nội địa, giấc mơ này có quá xa vời không?
Nếu đọc lịch sử phát triển của các thương hiệu hàng đầu châu Âu hiện nay, bạn sẽ thấy họ cũng trải qua rất nhiều thăng trầm, cũng bắt đầu bằng việc thế hệ ông cha khởi nghiệp với chuyên môn về kỹ thuật cụ thể. Xây dựng một thương hiệu là sự phấn đấu của cả một tập thể, miễn là người đi đầu nắm chắc chiến lược để chèo lái cả tập thể ấy cùng xây dựng tầm nhìn đã định ra.
Với hướng đi cho cả thập kỷ là lấy nguồn vải chất lượng nhất thế giới từ châu Âu và luôn cập nhật công nghệ vào sản xuất, SIR Tailor tin tưởng rằng không gì là không thể. Chúng tôi sẽ đi chậm mà chắc.
Với mỗi sản phẩm của SIR Tailor, anh muốn khơi gợi rung cảm, nhắn nhủ điều gì đối với những người sẽ mặc chúng?
Mặc đẹp không có khuôn khổ, như Alexander McQueen có câu nói nổi tiếng, "Thời trang nên là một hình thức thoát ly, không phải là một hình thức giam cầm". Thời trang hướng đến tự do, tự do trong ăn mặc, trong thể hiện bản thân. Có lẽ để có thể thể hiện được bản thân qua ăn mặc; điều đầu tiên là cần học cách ăn mặc/phép lịch sự trong ăn mặc. Sau khi đã có kiến thức nền tảng, có thể thoải mái sáng tạo. Phép lịch sự trong ăn mặc đàn ông quan trọng nhất ở việc phân biệt được mức độ trang trọng thể hiện trong chất liệu vải, thiết kế và phụ kiện (giày, cà vạt hay nơ).
Với slogan ý nghĩa: "Dress as you breathe", SIR Tailor muốn lan toả sự tự do nhưng không kém phần lịch thiệp, sang trọng trong phong cách ăn mặc cổ điển chuẩn quý tộc châu Âu tới nền thời trang đương đại Việt Nam.
Cảm ơn anh về những chia sẻ ý nghĩa, thú vị này!