Trong báo cáo đánh giá mới đây, hãng xếp hạng quốc tế Fitch Ratings đánh giá vốn hóa của ngành ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện trong những năm gần đây, được hỗ trợ bởi khả năng sinh lời mạnh hơn và các ngân hàng tăng vốn để đáp ứng yêu cầu của Basel II.
Fitch ước tính rằng các ngân hàng chưa tuân thủ Basel II chỉ cần huy động 0,6 tỷ USD vốn mới trước thời hạn thực hiện tháng 1/2023. Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng của Việt Nam có vốn hóa mỏng so với rủi ro môi trường hoạt động và các ngân hàng quốc tế.
Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) bình quân của các ngân hàng quốc doanh và tư nhân tuân thủ Basel II lần lượt ở mức 9,2% và 11,4% vào cuối quý III/2021. Con số này thấp hơn nhiều so với mức bình quân 19,4% của các ngân hàng tại các thị trường lớn ở Đông Nam Á khác.
Theo các chuyên gia của Fitch, tỷ lệ nợ xấu được báo cáo thấp hơn thực tế và do các khoản dự phòng tín dụng bổ sung đối với các khoản vay có vấn đề được tính vào nên khoảng cách vốn có thể còn rộng hơn.
"Chúng tôi ước tính hệ thống ngân hàng sẽ cần thêm vốn bổ sung lên tới 10,7 tỷ USD (2,9% GDP) để đảm bảo khoản dự phòng rủi ro cho vay bù đắp thiệt hại có thể xảy ra từ tất cả khoản vay có vấn đề, đồng thời duy trì hệ số CAR ở mức 10%", theo Fitch Ratings.
Việc các ngân hàng có vị thế vốn thấp ảnh hưởng nhiều từ khả năng tăng vốn của các "ông lớn" quốc doanh mặc dù nhiều ngân hàng đã báo cáo khả năng sinh lời cao trong những năm gần đây. Nguyên nhân chính là do phần lớn sự gia tăng của lợi nhuận giữ lại được "sử dụng" để tăng trưởng cho vay.
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao 14%, cho thấy tỷ lệ vốn hệ thống không có khả năng cải thiện nhanh chóng. Điều này đặc biệt đúng nếu việc hạn chế chia cổ tức tiền mặt, được áp dụng kể từ tháng 3 năm 2020, được nới lỏng.
Tuy vậy, Fitch cũng kỳ vọng các ngân hàng sẽ duy trì xu hướng đạt được tốc độ tăng trưởng trong trung hạn dựa trên triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam.